“Nghẹt thở” vì lò nung than
Bát Tràng là làng nghề gốm sứ nổi tiếng từ nhiều đời nay với những sản phẩm đa dạng như đồ gia dụng, đồ thờ cúng, gốm mỹ nghệ, gốm xây dựng và trang trí. Nơi đây từng là một trong những địa điểm có mức độ ô nhiễm không khí rất cao do khói bụi từ các lò nung bằng than. Để nung một mẻ gốm bằng lò nung than mất rất nhiều thời gian và công sức, mẻ nhỏ từ 5-7 ngày, mẻ lớn từ 7-10 ngày đốt than liên tục.
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, nghệ nhân tại làng nghề gốm Bát Tràng cho biết: “Quy trình nung gốm sử dụng than theo cách truyền thống tiêu thụ lượng than rất lớn với nhiệt độ cao. Khi hoàn thành quá trình nung, người dân sẽ xúc mạt than đổ ra ngoài đường để lấy thành phẩm, đường làng ngập xỉ than vừa mất mỹ quan vừa gây cản trở giao thông. Khói bụi từ lò đốt gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người lao động”.
Quy trình thủ công không chỉ gây ô nhiễm đến môi trường mà còn làm giảm hiệu suất lao động. Sử dụng lò đốt than đòi hỏi người nghệ nhân bỏ nhiều công sức và thời gian hơn so với lò gas và lò điện do nhiệt độ của lò không được đảm bảo, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Đứng trước tình thế này, Bát Tràng quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất để cải thiện môi trường và gia tăng năng suất. Nơi đây chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất kết hợp cải tiến công nghệ và làng nghề du lịch.
Làng nghề xanh nhờ lò nung sạch
Quá trình chuyển giao sang công nghệ mới, sử dụng lò nung gốm bằng gas và điện là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và người dân. Chi phí xây dựng cho một lò nung bằng gas từ 500 - 600 triệu đồng. Đối với lò nung bằng điện, người dân cần đầu tư từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Tuy chi phí bỏ ra không nhỏ, song những phương pháp mới này mang đến hiệu quả rất cao. Đặc biệt, từ khi kinh tế tư nhân và mô hình kinh doanh theo hộ gia đình được mở rộng, việc xanh hoá làng nghề, chuyển đổi mô hình sản xuất mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn.
Cô Yến cho biết: “Trước đây, sử dụng lò đốt than, thời gian nung kéo dài và cần người coi lò liên tục để kiểm tra nhiệt độ nung, đảm bảo sản phẩm hoàn thiện. Sử dụng lò nung gas và điện giúp chúng tôi tiết kiệm nhiều thời gian và tăng năng suất gấp nhiều lần. Mỗi mẻ nung giờ chỉ hết từ 20-24 giờ, chỉ cần đặt nhiệt độ phù hợp, quy trình nung tự động và đơn giản hơn trước nhiều, giúp giảm thiểu đáng kể sức lao động”.
Cô cũng cho biết thêm, việc thay thế lò nung bằng than sang lò điện và gas không chỉ cho ra thành phẩm đồng đều về chất lượng mà còn giúp đảm bảo sức khỏe hơn cho những người lao động tại đây. Đặc biệt, sự chuyển đổi tại làng nghề cho thấy những cải thiện rõ ràng về vấn đề môi trường, không khí đã dần trở nên trong lành hơn trước.
“Từ số lượng nhỏ hộ gia đình chuyển đổi từ lò nung đốt than sang lò gas, hiện nay, khoảng 40% hộ sản xuất sử dụng lò nung gas và hiện đại hơn là lò nung bằng điện với khoảng 50% hộ, không còn nhiều các gia đình sử dụng lò đốt bằng than” - cô Yến chia sẻ thêm.
Nhờ cải tiến công nghệ, thu nhập của người dân tại làng nghề tăng lên đáng kể. Chất lượng sản phẩm cao không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước mà còn gia tăng hoạt động xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Cùng với đó, việc phát triển nghề truyền thống kết hợp tham quan giúp làng gốm Bát Tràng thu về lợi nhuận cao hơn từ du lịch, tạo thêm nhiều nguồn thu và công ăn việc làm hơn cho nghệ nhân làm việc tại đây.
Hiện nay, làng gốm Bát Tràng đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội được nhiều du khách ưa thích nhờ những trải nghiệm đặc sắc như tự tay nặn gốm, đến chợ gốm hay tham quan bảo tàng gốm Bát Tràng. Tại làng nghề, khách du lịch được tự tay tạo hình và tô vẽ các sản phẩm gốm, sau khi được nung, thành phẩm sẽ được gửi về tận tay người trải nghiệm. Thành công này là kết quả của việc cải tiến công nghệ nung, thay thế lò nung than truyền thống bằng lò gas và lò điện.
Bạn Tạ Bích Hồng - du khách trải nghiệm hoạt động làm gốm tại làng Bát Tràng hào hứng bày tỏ: “Mình đã từng đến nơi đây 5 năm trước và khi có cơ quay lại Bát Tràng, mình cảm nhận sâu sắc sự thay đổi tích cực. Các trải nghiệm du lịch được hoàn thiện hơn rất nhiều, quá trình di chuyển thuận tiện hơn khi có xe điện dành cho khách du lịch, không khí dễ chịu và rất thoải mái, người dân thân thiện và hiếu khách. Chắc chắn mình sẽ quay lại vào một ngày không xa”.
Trong tương lai, Bát Tràng sẽ trở thành địa điểm du lịch, thu hút sự quan tâm, đầu tư lớn hơn nữa theo hướng bảo tồn và phát triển những giá trị văn hoá làng nghề truyền thống kết hợp bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây là hình mẫu cho những làng nghề khác hướng đến trong quá trình phát triển kinh tế bền vững.
Phản hồi