“Chìa khóa” để gắn kết
Tổ dân phố 14, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông là một trong những tổ chức thường xuyên được UBND phường trao danh hiệu, giải thưởng là cộng đồng dân cư năng động, đoàn kết.
Bà Trương Thị Phương (70 tuổi, Chi hội trưởng hội Phụ nữ tổ dân phố 14 phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) cho biết, gần đây, tổ đã sáp nhập thêm tòa nhà HUD3 nên dân số lên đến trên 500 hộ. Vừa qua, đất nước kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn như: 70 năm Ngày Giải phóng Điện Biên, 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam…, các gia đình trong tòa nhà đều tích cực tham dự chương trình thể dục dưỡng sinh, văn hóa văn nghệ sôi nổi, gắn kết dân cư.
“Tinh thần văn hóa, văn nghệ nói chung của tổ dân phố thì tổ nào cũng phải có. Trước đây tổ dân phố 14 ít người, các ông bà đều lớn tuổi nên không tham gia được nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hiện nay đã có các anh chị, các gia đình trẻ trên tòa nhà tham gia năng nổ hơn. Tinh thần gắn bó giữa tòa nhà với dân cư ở dưới này là sự gắn kết chặt chẽ”, bà Phương tự hào nói.
Khi mới chuyển nhà đến phường Nguyễn Trãi sống vào năm 2020, chị Nguyễn Minh Ánh (32 tuổi) thường góp mặt trong các hoạt động do tổ dân phố phát động để có thể làm quen với các gia đình trong khu nhanh chóng hơn.
Đối với chị Ánh, những sự kiện này là cơ hội để giao lưu học hỏi, kết nối với hàng xóm, bạn bè trong khu dân cư. Bên cạnh đó, chị cũng mong muốn con trai đang trong độ tuổi thiếu nhi của mình tham gia vào những hoạt động văn hóa, văn nghệ để phát triển trí tuệ, sức khỏe một cách lành mạnh.
“Tết Trung thu hay Tết Thiếu nhi mình đều cho con sinh hoạt văn hóa ở tổ dân phố. Bé về kể là vui lắm. Mình không muốn con cứ suốt ngày xem TV, điện thoại nên luôn khuyến khích con dành thời gian vui chơi trực tiếp ở bên ngoài. Điều này giúp con hiểu hơn về tình đoàn kết, biết hòa đồng với mọi người”, chị Minh Ánh bày tỏ.
Đặc biệt, các hoạt động cộng đồng không chỉ giúp gắn kết cư dân trong tòa nhà mà còn là yếu tố quan trọng giữ họ ở lại lâu dài với khu vực này. Chị Minh Ánh cho biết, nếu không có vấn đề lớn phát sinh, gia đình chị dự định sống tại đây mãi vì sự yêu thích với văn hóa nơi này.
“Mỗi lần góp mặt trong các buổi văn nghệ, dọn vệ sinh hay các sự kiện chung, mình đều cảm nhận được tinh thần đoàn kết và sự quan tâm của các gia đình trong khu với nhau. Điều đó khiến mình tin rằng lựa chọn chuyển về đây của mình là đúng”, chị Ánh nói.
Đồng quan điểm với chị Ánh, anh Lê Quốc Trung (47 tuổi) quyết định mua nhà trong tổ dân phố nhờ lối sống gần gũi, chan hòa của người dân nơi đây. Chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội công tác, anh ưu tiên lựa chọn những nơi có giá cả tốt, đồng thời hàng xóm thân thiện, văn minh.
“Mình có một người bạn sinh sống tại đây. Nhiều lần qua nhà bạn chơi, mình thấy các hoạt động cộng đồng vô cùng thú vị. Ưng khu vực này từ trước nên đến năm 2021, khi đủ tiền tích góp, mình quyết định mua luôn một căn nhà tại đây”, anh Trung bày tỏ.
Lấy cán bộ làm nòng cốt, tổ dân phố 14 tích cực kiểm tra, đôn đốc, công khai những nội dung minh bạch để xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng tình đoàn kết trong khu dân cư. Nhiều bữa cơm đoàn kết được tổ chức nhằm gắn bó người dân, tạo động lực cùng nhau phát triển, tạo dựng sự an tâm, tình cảm tốt đẹp giữa các gia đình trong khu dân cư.
Theo ông Lê Đình Chính - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận của tổ dân phố 14, hàng năm, số lượng các gia đình đạt chỉ tiêu gia đình văn hóa của tổ dân phố đều trên 90%. Tổ dân phố nhiều năm được UBND phường Nguyễn Trãi, UBND quận Hà Đông trao quyết định công nhận và trao tiền thưởng danh hiệu Tổ dân phố văn hóa.
Trong nhiệm kỳ công tác của mình, ông Chính luôn xác định tổ chức tốt các sự kiện văn hóa cộng đồng. Theo ông, các hoạt động này đóng vai trò như “chìa khóa” trong việc xây dựng môi trường sống an cư bền vững. Ông cho rằng những giá trị này sẽ tạo nên sự đoàn kết và tin cậy giữa các thành viên trong khu dân cư, từ đó giảm thiểu mâu thuẫn, tăng cường sự đồng thuận. Hơn cả, các hoạt động này còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần, mang lại cảm giác thuộc về một cộng đồng văn minh, đáng sống.
Cải thiện để phát triển bền vững
Chia sẻ về những thành tựu đạt được, ông Lê Đình Chính cũng chỉ ra những khó khăn mà các cán bộ tổ dân phố đã gặp phải trong quá trình tổ chức những hoạt động gắn bó cư dân.
Thứ nhất là hạn chế về nhân lực trẻ. Nhân lực là nòng cốt để tổ chức các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn Đảng viên, hội viên của các đoàn thể là những người nghỉ hưu, nhiều hạn chế về sức khỏe. Còn thanh niên trong giờ hành chính lại đều đi học, đi làm. Vì vậy, mọi hoạt động của khu dân cư đều do các Đảng viên, hội viên cao tuổi thực hiện. Họ có thời gian, nhưng không có sức khỏe và còn hạn chế về kiến thức đổi mới.
Phương hướng sắp tới của tổ dân phố là vận động thêm nhiều thanh niên tham gia vào những ngày sinh hoạt hè và những ngày lễ Tết của đất nước. Chi hội trưởng hội Phụ nữ tổ dân phố 14 - bà Phương mong muốn các đoàn viên, thanh niên tích cực sinh hoạt hè, vừa giúp khỏe mạnh, vừa để gắn bó các thế hệ.
Thứ hai là thiếu kinh phí để hoạt động. Tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải một cấp chính quyền nên không có kinh phí cấp sẵn để hoạt động. Vì vậy, muốn hoạt động tốt thì việc vận động nhân dân có tinh thần tự giác vô cùng quan trọng, nhằm lấy tinh thần để khắc phục những thiếu sót về vật chất. Đồng thời các cán bộ vận động thêm những hộ gia đình có điều kiện trong khu dân cư đóng góp kinh phí cho hoạt động chung của tổ dân phố.
“Cần phải có nguồn kinh phí nhất định, phù hợp để phục vụ cho các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Các hoạt động có chất lượng, sôi động thì mới lôi cuốn được nhân dân”, ông Chính chia sẻ.
Theo ông Chính, tổ dân phố với vai trò là người vận động nhân dân cần phải tích cực thông báo, tuyên truyền trên loa phát thanh trong địa bàn khu dân cư để nhân dân nắm được các công việc xây dựng văn hóa khu dân cư. Các khẩu hiệu, băng rôn cần được treo để tuyên truyền trực quan, tác động trực tiếp nhằm khiến nhân dân có ý thức xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp ở khu dân cư.
“Chúng tôi vận động toàn dân, tất cả các ngành các cấp từ tổ dân phố đến các dãy, còn các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên... Các tổ chức phải lấy hội viên làm nòng cốt, gương mẫu vận động nhân dân đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào để xây dựng đời sống. Mục tiêu là khu dân cư ngày càng tốt đẹp hơn và hoàn thành các chỉ tiêu mà cấp trên giao cho”, ông Chính nói thêm.
Dù vẫn đối mặt với không ít thách thức, việc xây dựng những giải pháp phù hợp và đổi mới sáng tạo là cách làm duy nhất có thể giúp duy trì và phát huy giá trị của các hoạt động, phong trào cộng đồng này. Khi mỗi cá nhân chung tay gắn kết, cộng đồng không chỉ trở thành nơi để sống mà còn là mái ấm, nơi con người tìm thấy sự an tâm, đồng lòng và sẻ chia trong nhịp thở của cuộc sống.
Phản hồi