Danh mục Chủ Nhật, 05/01/2025

Tiêu điểm \

Xa vời giấc mơ an cư - Kỳ 1: An cư với người lao động Hà Nội: "Ngoài tầm với!"

05:00 03-01-2025
Trên các trang bất động sản, con số thống kê cho thấy nhu cầu tìm kiếm nhà ở tại Hà Nội ngày càng tăng mạnh, trong khi nguồn cung vẫn không đủ đáp ứng. Với mức giá như hiện nay, không chỉ người lao động thu nhập thấp, mà ngay cả những người có thu nhập khá cũng phải vật lộn tìm kiếm mới sở hữu được một mái ấm ổn định giữa lòng Thủ đô. Chật hẹp, mất vệ sinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng nhiều người dân vẫn “cố thủ” trong những ngôi nhà như vậy. Và câu trả lời cho tất cả những mâu thuẫn ấy, là niềm khao khát “có nhà”, “có chỗ đi về”, đã lấn át mọi băn khoăn khác.

"Phận công nhân không dám mơ sở hữu nhà..."

Đi làm ngót nghét 30 năm nhưng chị Nguyễn Thị Thư (47 tuổi, Thái Bình) cùng gia đình vẫn phải chen chúc trong một căn nhà trọ nông thôn đã tồi tàn. Hai vợ chồng chị là công nhân lâu năm tại Cụm công nghiệp Thanh Oai (Hà Nội).

  Căn nhà cấp 4 là nơi gia đình chị Thư sinh sống. (Ảnh: Mai Chi)

Tốt nghiệp cấp 3, cô gái 18 tuổi Nguyễn Thị Thư bỡ ngỡ từ quê bước lên Hà Nội kiếm tiền với bài học đầu tiên là đi tìm trọ. Chị kể lại: “Thời ấy, chỉ vài nghìn là có ngay một chỗ ở, không hiếm và đắt đỏ như bây giờ”. Mấy chục năm thuê trọ, không một xó xỉnh nào ở Hà Nội mà chị Thư không biết. Việc chạy trọ, chuyển nhà đối với chị là chuyện “cơm bữa”.

“Nay đây mai đó quen rồi nên vợ chồng tôi chẳng thấy vất vả lắm. Cứ chỗ nào tiện đi làm, rẻ là ở, không cần phải đẹp. Hồi đầu vợ chồng tôi còn thấy nản với việc chuyển đi chuyển lại chứ bây giờ thì thấy bình thường. Lo đủ tiền ăn, học cho các cháu là mừng rồi. Ở khổ một chút không thành vấn đề”, chị Thư chia sẻ.

Mưu sinh trên đất thành phố hơn 20 năm, ngán ngẩm với chi phí đắt đỏ, vợ chồng chị Thư quyết định thử lui về ngoại thành. Cuối năm 2017, vợ chồng chị được nhận vào làm việc tại Cụm công nghiệp Thanh Oai và gắn bó đến bây giờ. Anh là công nhân ngành vật liệu xây dựng, chị làm thợ may. Chị Thư tiết lộ, tổng thu nhập của hai vợ chồng hiện tại khoảng 14 - 15 triệu đồng/tháng.

 Hình ảnh căn trọ vào năm 2020  khi chưa được sơn sửa lại. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chuyển về huyện ngoại thành, chị Thư lựa chọn thuê một căn nhà cũ tại xã Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) với mức giá 4 triệu đồng/tháng bao gồm cả phí điện nước. Chị cho biết, việc sống ở nông thôn đã “dễ thở” hơn đối với anh chị. Tuy nhiên, gia đình 5 người chen chúc trong căn nhà cũ kỹ lại là một trở ngại lớn.

“Mùa đông thì gió thông thống vào nhà. Bọn trẻ con phải đắp mấy cái chăn mới đủ ấm. Mùa hè thì không có điều hòa. May là nhà mái ngói, chứ mái tôn chắc chúng tôi không chịu được. Chưa kể mưa gió thì dột nát, ẩm ướt”, chị Thư bộc bạch.

 Chị Thư cho biết, vì là nhà thuê nên hai vợ chồng quyết định không đầu tư sửa chữa, trang trí nhiều. (Ảnh: Mai Chi)

Đặc biệt, do nhà ở tạm bợ, gia đình chị Thư còn phải chịu một số thiệt hại bởi cơn bão Yagi tháng 9 vừa qua. Ngày bão đổ bộ, vợ chồng chị Thư thức trắng đêm chắn cửa, canh cánh lo chúng bị bật tung ra do gió mạnh. Khi cửa rả xong xuôi, anh chị lại thay nhau quét, hứng nước để các con được yên giấc. Sau bão, nhiều đồ vật ngoài sân nhà bị đổ vỡ, không thể tái sử dụng, gia đình chị Thư lại tốn một khoản mua thay thế.

Đã quá quen với vất vả nên khi chúng tôi nhắc tới giấc mơ mua nhà, ổn định chỗ ở, ánh mắt chị Thư vừa lấp lánh hy vọng, nhưng cũng vừa hiện lên sự bất lực. Chị tâm sự: “Lương thấp, thuê nhà, nuôi ba đứa con, làm cật lực đến mấy chúng tôi cũng chỉ dành dụm được 2 - 3 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó thì cả trăm năm nữa may ra tôi mới mua được nhà. Nhà thì ai cũng muốn nhưng với những công nhân chúng tôi, đó là giấc mơ xa xỉ”.

  Căn nhà lộ dấu vết xưa cũ nhưng gia đình chị Thư chỉ đành chấp nhận. (Ảnh: Mai Chi)

Hiện tại, vợ chồng chị Thư vẫn đang tích cóp, dự định mua chiếc máy tính mới cho con gái lớn chuẩn bị vào đại học. “Còn nhà thì để đó, tính sau”, chị Thư nói.

Liều mua nhà, ngập nợ

Gần 2 năm kể từ khi sở hữu một căn hộ chung cư cách trung tâm Hà Nội hơn chục cây số, vợ chồng chị Nguyễn Khánh Vân (25 tuổi) vẫn quẩn quanh bởi các khoản nợ. Vẫn là xoay chỗ nọ, đập chỗ kia. 6 giờ chiều mùa đông khi phố xá lên đèn, một mình đi qua nhiều ngã ba đường ken dày xe máy lẫn ô tô, chị Vân vẫn chưa biết “cấu” đâu ra gần 300 triệu đồng để trả món nợ vay mua nhà cho người chú đã thúc giục suốt 2 tháng nay.

“Tôi vẫn chưa dám tin ước mơ có một nơi chốn đi về đã thành hiện thực, dù vẫn đang ngập trong nợ nần”, Vân bày tỏ.

 Căn chung cư 50m2 là hành trình nỗ lực của hai vợ chồng Vân. (Ảnh: Mai Chi)

Chị Vân nhớ lại, hôm nhận nhà, căn chung cư một phòng ngủ tại khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội), cũng là ngày mùa đông lạnh khi cô đang cố băng qua những cung đường tắc cứng. Căn nhà lúc đó trị giá 1,2 tỷ đồng. Nội thất được vợ chồng chị tinh giản nhất có thể để tiết kiệm tiền. Bộ ghế sô-pha, tủ, giá, kệ… đều là loại cũ. Ti vi được hai vợ chồng mua đồng nát rồi mang về sửa để sử dụng. Thế nhưng, chị Vân vẫn phải vay đến hơn 800 triệu đồng mới đủ tiền nhận và hoàn thiện căn nhà.

 
 Đồ đạc Vân sắm cho căn nhà của mình đều thuộc hạng giá rẻ, đã qua sử dụng. (Ảnh: Mai Chi)
 Vì chồng biết sửa chữa nên Vân chỉ mua chiếc ti vi hỏng để anh tự sửa dùng cho gia đình. (Ảnh: Mai Chi)

“Tôi đã quá chán với việc suốt ngày phải lỉnh kỉnh đồ đạc chuyển trọ. Khi đến xem nhà, tôi ưng và chốt ngay lập tức. Đặt cọc rồi tôi mới báo cho chồng và bố mẹ. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn nổi da gà vì thấy bản thân quá liều”, Vân cười gượng gạo.

Theo Vân, những gia đình trẻ, thu nhập vừa phải, lại không có sự hỗ trợ từ phía gia đình, phải liều thì mới có chỗ ở. Với mức thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng, dù tiết kiệm mấy, ít phải 30 năm mới mua nổi một căn hộ chung cư, nếu không vay mượn. Bằng cách đánh liều như thế, Vân có căn nhà đầu tiên của mình.

Có chỗ ở ổn định, tuy nhiên, ngày nào vợ chồng Vân cũng căng thẳng với khoản nợ “khổng lồ”. Mỗi tháng, Vân phải trả gần 15 triệu đồng cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Như vậy, chỉ còn 5 triệu đồng là khoản phí sinh hoạt ít ỏi của hai vợ chồng. Vân cho biết, dù rất muốn sinh em bé nhưng vì tài chính eo hẹp, vợ chồng cô quyết định kéo dài thời gian kế hoạch thêm vài năm.

Nhiều lần chậm nợ, lãi mẹ lãi con, Vân buộc cầu cứu đến họ hàng, bạn bè. “Được mọi người thông cảm, giúp đỡ, vợ chồng tôi bớt hổ thẹn đi phần nào”, Vân tâm sự.

 Căn nhà vừa là ước mơ, vừa là gánh nặng đối với gia đình Vân. (Ảnh: Mai Chi)

Như vậy, để sở hữu được một căn nhà giữa lòng Thủ đô, vợ chồng Vân cũng như nhiều gia đình trẻ khác, đang phải trả cái giá khá đắt về cả tinh thần lẫn vật chất…

Trong quý III/2024, thị trường bất động sản nhà ở ghi nhận tổng cộng 22.412 sản phẩm được đưa ra thị trường. Trong đó, có khoảng 14.750 sản phẩm mới được mở bán, giảm 25% so với quý trước, nhưng lại tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, phần lớn các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang. Thị trường gần như vắng bóng hoàn toàn căn hộ chung cư thương mại giá bình dân. 

Bên cạnh đó, cũng trong quý III/2024, mặc dù nguồn cung đã và đang có sự cải thiện nhưng mặt bằng giá sơ cấp tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với tình trạng mất cân đối cung - cầu như hiện nay, các chuyên gia cho rằng người lao động thu nhập thấp khó chạm tay đến giấc mơ an cư.

Mai Chi - BMĐT CLC K42

Phản hồi