Danh mục Thứ Ba, 07/01/2025

Tiêu điểm \

Người trẻ rời phố, rẽ hướng an cư vùng ven đô

21:35 02-01-2025
Với thu nhập trung bình từ 8,3 đến 10 triệu đồng/tháng, người trẻ tại Hà Nội đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc hiện thực hóa giấc mơ sở hữu nhà nội đô. Khi nhà ở trung tâm thành phố trở nên ngoài tầm với, vùng ven nổi lên như giải pháp mới cho người trẻ.

Không chỉ là câu chuyện tài chính

Trước đây từng thuê nhà gần trung tâm thành phố để tiện cho công việc, anh Trần Hồng Đăng, 35 tuổi, nhân viên ngân hàng sinh sống tại quận Hà Đông nhận thấy chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ mà không gian sống lại chật hẹp, ồn ào. Thời điểm đó, căn nhà nhỏ 2 tầng của anh có giá thuê là 8 triệu rưỡi/ tháng, trong khi lương tháng của anh là khoảng 8 triệu đồng. Việc cân đối chi tiêu đối với anh Đăng dường như là điều không thể. 

“Hai vợ chồng tôi ở chung, cùng đi làm nên chia ra mới đủ trả tiền thuê nhà và trang trải chi phí sinh hoạt. Tôi làm cật lực cả tháng chỉ đủ để trả tiền thuê thì chẳng biết bao giờ mới tích lũy được gì”, anh Đăng chia sẻ. 

Bên cạnh giá cả thuê nhà hàng tháng cao, gia đình anh Đăng còn phải đối mặt với nhiều bất tiện khi sinh hoạt chung một dãy nhà trọ với nhiều hộ. Nếu chỉ sống bằng đồng lương hàng tháng của mình, anh Đăng sẽ không thể có cho mình một căn nhà. Thế nhưng, vì mong muốn an cư lập nghiệp, đến năm 2018, tham khảo giá đất ở vùng ven thấy ổn định, anh Đăng quyết định tiết kiệm, tích góp tiền để mua nhà, chuyển về Hà Đông sinh sống. 

Giá trị căn nhà thời điểm anh Đăng mua rơi vào 1 tỷ rưỡi. Vay người thân, trả góp, làm thêm các công việc buổi đêm đồng thời phải tính toán chi tiết các khoản chi tiêu hàng tháng của gia đình là việc anh Đăng phải làm để trả đủ số tiền trên.  

“Chịu khó làm việc, tích góp thêm vài năm rồi tôi mới quyết định mua nhà trong Hà Đông. Tiền vay nợ đến cuối 2022 thì trả hết. Cũng vất vả lắm, nhưng tôi nghĩ ai cũng cần một nơi để an cư. Tôi không phủ nhận rằng sống ở trung tâm có nhiều tiện ích hơn, từ việc đi lại đến các dịch vụ y tế. Nhưng giờ ở Hà Đông cũng đầy đủ tiện lợi lắm rồi”, anh Đăng bày tỏ. 

Anh Đăng cảm thấy hài lòng với căn nhà và cuộc sống hiện tại ở ven thành phố. (Ảnh: Khánh Linh) 

Căn nhà rộng 50m2 nằm trong con ngõ nhỏ tại phường Nguyễn Trãi, Hà Đông. (Ảnh: Khánh Linh)

Cùng mong muốn được an cư giống anh Đăng, chị Nguyễn Minh Trang (30 tuổi, nhà sáng tạo nội dung nấu ăn trên nền tảng Tiktok, sống tại Hoài Đức) cho biết những yếu tố ưu tiên khi chọn mua nhà của chị là giá cả phải phù hợp, không gian sống, đường đi lại phải rộng rãi. Chị Trang ưu tiên tham khảo những căn nhà có khu bếp rộng, thoáng do tính chất công việc liên quan đến bếp núc nhiều, không đòi hỏi phải gần nhưng cũng không quá xa nơi làm việc của chồng. 

Trước Tết 2024, chị Trang sau khi xem xét kỹ đã mua nhà ở Hoài Đức với giá 2 tỷ 3. Theo lời chị, sau Tết, căn nhà đã lên giá là 2 tỷ rưỡi, còn hiện tại giá trị của căn nhà đã lên đến 3 tỷ rưỡi.

“Mình thấy may mắn khi mà mua nhà sớm, bé hay to, xa hay gần thì mình cũng có nhà rồi. Nếu cứ góp nhặt, để dành tiền đến bây giờ, với cái thu nhập trung bình nữa thì có lẽ phải từ bỏ mua nhà ở Hà Nội rồi”, chị Trang nói. 

Căn nhà hiện tại không phải quá đẹp nhưng đáp ứng được hết các yêu cầu cơ bản của gia đình, con trai chị từ khi chuyển nhà đây sức khỏe cũng tốt hơn trước.

“Con mình khi chuyển về đây trộm vía không ốm đau gì cả. Đợt ở nhà cũ tháng nào cũng ốm mất mấy triệu đi khám, uống kháng sinh viêm họng viêm mũi. Mình nghĩ do khí hậu ở đây trong lành hơn”, chị chia sẻ thêm.

Căn bếp rộng rãi của nhà mới phù hợp với công việc sáng tạo nội dung nấu ăn của chị Trang. (Ảnh: Khánh Linh)  

Tính chung 9 tháng năm 2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,6 triệu đồng. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của lao động tại Hà Nội là 10,7 triệu đồng. Trong khi đó, theo bảng giá đất mới của Hà Nội có hiệu lực từ 20/12 đến hết năm 2025, giá đất của Hà Nội cao hơn 3,7 lần so với bảng giá đất trước đó được ban hành từ năm 2019. Trong đó, giá đất cao nhất thuộc về một số tuyến đường tại quận Hoàn Kiếm, lên tới 695,3 triệu đồng/m2.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao, Trưởng bộ phận nghiên cứu CBRE Việt Nam (Coldwell Banker Richard Ellis - Công ty đầu tư và dịch vụ bất động sản thương mại) cho biết, xu hướng mới trong việc chọn mua nhà của người dân một vài năm trở lại đây là dịch chuyển ra vùng ven. Theo bà Dung, sự phát triển này có được, một phần là từ sự cải thiện cơ sở hạ tầng với hệ thống đường kết nối giữa khu vực trung tâm, vùng ven cũng như các khu vực ven Hà Nội. "Đây là xu hướng đã thấy và trong tương lai sẽ định hình nhu cầu mua nhà của nhiều người", bà Dung nhấn mạnh.

Thay vì tìm những căn hộ trong nội đô, giá cao, người trẻ đang dần có xu hướng dịch chuyển ra vùng ven, nơi giá nhà thấp hơn và có thể tận hưởng không gian sống rộng rãi, thoáng đãng. 

Lợi ích lớn nhưng khó khăn không nhỏ

Thoáng đãng, yên bình, giá cả phải chăng là những lợi ích của việc lựa chọn sống ở ven đô, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng song song đó là những bất tiện, đòi hỏi người trẻ phải thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt và di chuyển hằng ngày. 

Đối với anh Đăng, những ngày đầu sinh sống ở Hà Đông, quãng đường đến cơ quan ở Mỹ Đình được coi là “thử thách”, nhất là vào giờ cao điểm. 

Thời gian buổi sáng dành cho gia đình không có nhiều do phải đi làm sớm. (Ảnh: Khánh Linh) 

“Đường đi làm xa hơn, mỗi ngày cả đi cả về khoảng 25km, sáng phải đi sớm hơn, chiều về nhà muộn hơn. Các mối quan hệ xã hội thì cũng ít nhiều bị hạn chế, vì bạn bè ở trung tâm, mỗi lần gặp nhau phải lên kế hoạch rất kỹ”, anh Đăng nói về những khó khăn khi mới chuyển về Hà Đông. 

Còn đối với gia đình chị Trang, lúc mới chuyển về Hoài Đức chưa quen, có một vài bất tiện như đi ăn, đi chơi phải đi xa hơn, lại không quen biết hàng xóm nên khá buồn. Tuy nhiên chỉ sau thời gian ngắn, gia đình chị đã quen với không khí và cảm thấy dễ chịu hơn khi sống ở nội thành. 

“Nếu như cho mình chọn giữa 2 căn nhà cùng giá tiền mà 1 cái ở trong ngõ ngách sâu gần trung tâm, thì mình vẫn chọn ở ngoại thành. Vì mình ở lâu ổn định, nên ưu tiên chọn những nơi thoải mái hơn. Chuyển xuống đây mình thấy cả nhà ai cũng thích nên đây hẳn là quyết định đúng đắn”, chị Trang vui vẻ nói. 

Khu dân cư ở tại Hoài Đức yên bình, thoáng đãng. (Ảnh: Khánh Linh) 

Căn nhà không quá lớn nhưng phù hợp các yêu cầu của gia đình. (Ảnh: Khánh Linh) 

Lựa chọn sống ở vùng ven không dễ dàng nhất là với những người trẻ lần đầu sở hữu nhà riêng. Khoảng cách xa trung tâm khiến việc đi lại mất nhiều thời gian hơn, trong khi cơ sở hạ tầng và tiện ích công cộng ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Thêm vào đó, sự thiếu thốn các dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao cũng là vấn đề cần cân nhắc. 

Đưa ra gợi ý cho những người trẻ đang có ý định mua nhà ở các vùng ven thành phố, anh Trần Quang Trung (chuyên gia OneHousing, nhà phân phối bất động sản) cho biết: “Cần tìm hiểu kỹ về những khu nhà dự định mua về các vấn đề giao thông, các tiện ích cho con trẻ như trường học, bệnh viện, khu vui chơi. Nếu là người về hưu nên quan tâm đến các tiện ích về không gian sống, bệnh viện, y tế có gần hay không. Đặc biệt không thể bỏ qua là phải tìm hiểu tiến độ thi công, tính pháp lý, các phát triển khác trong tương lai, từ đó dự đoán khả năng lên giá để sinh lời sau này nếu có ý định đầu tư nhà đất.” 

Dù còn nhiều thách thức, việc mua nhà và an cư tại vùng ven đã trở thành giải pháp thực tế cho người trẻ trước áp lực tài chính ngày càng lớn. Với sự cải thiện của hạ tầng giao thông và tiềm năng phát triển, vùng ven không chỉ là nơi bắt đầu hành trình an cư, mà còn mở ra lối sống cân bằng, bền vững hơn cho tương lai. 

Vũ Trần Khánh Linh - MĐT CLC K42

Phản hồi