“Không dám ăn, tiền chỉ lo giữ nhà”
Nằm ẩn mình dưới chân cầu Long Biên (Ba Đình, Hà Nội) nhiều năm nay là nơi cư ngụ tạm bợ của khoảng 30 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu. Cuộc sống nơi đây gần như tách biệt hẳn với sự xô bồ, sầm uất của phố thị, một thế giới riêng chìm trong khó khăn và thiếu thốn.
Tha hương cầu thực từ bé, bà Trần Thị Ba (77 tuổi, quê Nam Định) đến bây giờ vẫn chưa khi nào được nếm trải cảm giác sở hữu một chốn nhỏ chỉ thuộc riêng về mình. Gần nửa phần đời gắn với xóm trọ, bà Ba trở thành người thuê nhà lâu nhất tại đây.
Lục lại quá khứ, bà Ba rớm nước mắt kể về những ngày tháng lênh đênh trên thuyền, bám nước mưu sinh. “Không có tiền, tôi xin làm thuê trên thuyền sông Hồng để được ở nhờ. Hồi ấy túng thiếu, thuyền là ngôi nhà mơ ước của những người dân như chúng tôi. Chỉ cần có chỗ ở, vất vả đến đâu tôi cũng chấp nhận”, bà Ba tâm sự.
Chấp nhận thì chấp nhận, tuy nhiên, những ký ức sống trên thuyền đến bây giờ vẫn luôn ám ảnh mẹ con bà Ba. Theo bà, việc sinh hoạt thường ngày trên thuyền rất khó khăn và không đảm bảo vệ sinh. Nhiều lần, mẹ con bà Ba dùng phải thứ nước mà người khác vừa thải ra từ việc tắm giặt, giải quyết nhu cầu… Bên cạnh đó, việc ngủ chung với đủ loài vật như lợn, gà, chó… cũng là chuyện “cơm bữa” đối với bà khi ấy.
“Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn rùng mình”, bà Ba bộc bạch.
Sinh sống lâu ngày trong môi trường ô nhiễm khiến bà Ba mắc phải nhiều loại bệnh ngoài da. Có đợt, bà nổi mẩn đỏ toàn thân, ngứa ngáy suốt mấy tháng trời. Tuy nhiên, không có điều kiện khám chữa, bà chỉ tự mày mò ở nhà, ai mách gì dùng nấy với hy vọng bệnh tình sẽ thuyên giảm.
Khi đã bớt khó khăn hơn, mẹ con bà Ba quyết định lên bờ kiếm sống. Bà thuê một căn trọ ọp ẹp rộng chừng 10m2, chỗ là tường gạch, chỗ là tôn. Mùa đông thì rét cắt da cắt thịt. Mùa hè thì nóng như chảo lửa. Chưa kể đến mùa nước nổi, mẹ con bà cứ cách mấy hôm lại phải chạy đồ đạc, tránh nước ngập.
“Mùa đông tới, ngày nào tôi cũng phải xông nước lá lốt để ấm người và tránh cúm, sốt. Mùa hè thì dễ hơn, chăm chỉ xát chanh vào mặt và hóng gió là cái nóng cũng đỡ đi phần nào”, bà Ba chia sẻ.
Đặc biệt, trong trận lũ lịch sử tháng 9 vừa qua, cả khu trọ chìm trong biển nước, cuộc sống vốn vất vả của bà nay lại càng gian nan hơn. Gần như toàn bộ đồ đạc trong nhà đều hỏng hóc, không thể sử dụng được nữa. Từ đó đến nay, bà Ba chỉ có thể trông chờ vào các đồ tài trợ, các suất cơm tình nguyện từ nhà hảo tâm.
Một tháng trở lại đây, vì một số lý do, bà Ba chuyển sang căn trọ mới, có phần “sang” hơn phòng trọ cũ. “Ngôi nhà” này của bà đã có nền nhà, có phòng vệ sinh được xây tách biệt, và có giá gấp đôi căn trọ cũ - 2 triệu đồng/tháng - vừa khít với thu nhập của hai mẹ con. Với bà Ba, được ở trong căn trọ thế này là quá mãn nguyện.
“Ở đây kín và ấm hơn. Mẹ con tôi đủ tiền thuê căn trọ thế này là quá hạnh phúc rồi”, bà Ba vừa cười vừa vui vẻ nói.
Để đủ tiền thuê trọ mỗi tháng, mẹ con bà Ba hàng ngày chỉ dám ăn cháo đậu xanh, đồ “người ta” cho hoặc mót được ở chợ Long Biên. “Bao giờ cũng phải giữ được nhà đã, còn ăn uống thế nào chẳng được”, bà Ba cho hay.
Khi được hỏi về khát khao có một chỗ ở đàng hoàng, bà Ba chỉ ngậm ngùi gạt đi. Biết bản thân không bao giờ có thể chạm tay tới, bà chưa bao giờ dám mong ước đến một căn nhà của riêng mình trên đất Hà Nội.
Chọn nhà hay chọn chữa bệnh?
Sống cùng nhà với bà Ba hiện tại là bà Nguyễn Thị Liên (65 tuổi). Bà Liên mới chuyển vào xóm trọ được vài tháng. Thương cảnh bệnh tật lại không có chỗ ở, bà Ba cho bà Liên tá túc nhờ gần một tháng nay.
Trước đây, mẹ con bà Liên là người dân sống tại phố An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) - một trong những khu vực sầm uất của thành phố. Sau một thời gian lao động vất vả, không may, bà mắc phải căn bệnh tim quái ác. Dồn hết tiền đi phẫu thuật, cộng thêm việc con gái có chứng bệnh về tâm thần, gia đình bà Liên không còn đủ điều kiện định cư tại phố An Dương. Bà buộc chuyển xuống xóm trọ nghèo kiếm sống.
“Tất cả tài sản bấy lâu nay tôi làm lụng, dành dụm được đều dồn cho ca phẫu thuật. Mỗi khi nhìn vào vết sẹo khâu ở ngực, tôi không khỏi chua xót. Hậu phẫu, sức khỏe tôi kém đi nhiều: không đi xa, không bê nặng. Tôi không biết phải làm gì để nuôi hai mẹ con”, bà Liên bộc bạch.
Từng sở hữu một chỗ ở tử tế, ổn định, hiện tại, ở tuổi 65, bà Liên một lần nữa tay trắng. Trong xóm trọ, hơn ai hết, bà là người khao khát an cư nhất. Khi thấy chúng tôi, bà Liên vội vàng “cấu víu”, mong câu chuyện của mình được nhiều người biết đến và ra tay giúp đỡ.
Được biết, bà Liên dự định thuê một căn trọ giá 500.000 đồng, rộng bằng 1/3 ngôi trọ của bà Ba. Bà bẽn lẽn chia sẻ: “Ở nhờ nhiều quá cũng ngại. Tôi thì không ngại bà Ba nhưng rất mắc cỡ với con trai bà. Hai con của chúng tôi là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Ở chung lâu ngày không sớm thì muộn sẽ phát sinh vấn đề. Lúc đó thì lại không hay”.
Trong bức tranh về giấc mơ an cư tại khu trọ nghèo ven sông Hồng, có người buộc chấp nhận phận lênh đênh như bà Ba, cũng có người khao khát ngôi nhà một cách mãnh liệt như bà Liên… Vậy, ai sẽ hiện thực hóa giấc mơ an cư của họ?
Phản hồi