Thôn Minh Khai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và thôn Xà Cầu (huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội) là hai trong nhiều “thủ phủ” tái chế rác thải nhựa lớn nhất miền Bắc. Tại đây, hiện trạng rác thải ùn ứ, ngổn ngang khắp các đường làng, ngõ xóm cùng bầu không khí chìm trong khói bụi, hôi thối đã diễn ra từ nhiều thập kỷ qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và tàn phá sức khỏe của người dân sinh sống ở khu vực này.
Dù phải sống chung với rác và bầu không khí ô nhiễm, song nhiều hộ dân vẫn quyết bám trụ với nghề vì lợi ích kinh tế đáng kể mà công việc tái chế nhựa này mang lại. Tất cả những loại vật dụng bằng nhựa đã qua sử dụng từ chai lọ, xô chậu, dây điện, ống nước đến cả kim tiêm, dây truyền dịch từ các bệnh viện,... đều đổ về những làng nghề này để tái chế xoay vòng thành sản phẩm mới.
Chạy xe khoảng 25km từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi đến với làng nghề tái chế nhựa tại thôn Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Ngay khi bước đến con đường dẫn vào làng, chúng tôi bắt đầu cảm thấy khó thở bởi bầu không khí bức bối, xám xịt. Khói bụi bốc lên mù mịt, mùi nấu nhựa khét lẹt hòa cùng mùi hôi thối thoát ra từ những núi rác chưa được phân loại xộc thẳng vào mũi.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tiếp cận khu vực làm việc của các công nhân phân loại rác. Giữa những đống phế liệu chất cao như núi, hai người phụ nữ người dân tộc Mường, Thái vóc dáng gầy gò, lấm láp mồ hôi đang miệt mài phân loại từng bao rác moi ra từ đống phế thải mới được đổ xuống. Vừa làm, bà N.Q.M (65 tuổi) vừa ngán ngẩm trả lời chúng tôi: “Rác ở đấy thì cứ để đấy, khi nào làm thì bới ra làm, chả biết đến khi nào cho hết…”.
Nơi “hồi sinh” rác thải nhựa, hóa ra lại như khu tập kết rác số lượng lớn, đổ thải tràn lan không kiểm soát: “Rác chỗ này làm 3 năm nữa cũng chả hết, cứ vãn vãn tí xe nó lại đổ về, nhưng vẫn phải làm, vì ở đây có camera chủ theo dõi cả, không trốn việc được đâu” - bà M. cho hay.
Đi sâu vào bên trong, chúng tôi gặp hai vợ chồng là công nhân phân loại rác cũng đang làm công việc tương tự. Vẫn là giữa những núi rác, nhưng lần này, nhóm phóng viên bị vây kín bởi ruồi nhặng, côn trùng cùng mùi chua tanh, hôi thối của đồ ăn hỏng còn sót lại trong các loại túi ni-lông, chai lọ, hộp nhựa,... đã qua sử dụng. Nhiệt tình tiếp chuyện chúng tôi, ông N.V.B (52 tuổi) thừa nhận: “Nói chung ở đây cũng gọi là ô nhiễm đấy, chứ không gì cả. Mấy chỗ này toàn thuê người dân tộc xuống làm thôi, dân người ta làm chủ, không cho con họ làm đâu. Bẩn lắm!”.
Ông B. cùng vợ làm việc giữa những “núi” phế thải đang chờ được phân loại. (Ảnh: Ngọc Vi)
Cũng theo ông B., cả thôn Minh Khai có hơn 400 hộ làm nghề tái chế rác. Các loại rác nhựa này được nhập về từ khắp nơi, trong đó có cả hàng nước ngoài. “Ở đây bọn tôi sẽ phân loại rác theo màu, hàng màu nào thì chuyển đến xưởng xay thành hạt nhựa xong kéo lại thành sản phẩm mới có màu đấy. Những loại trắng tinh là nhập từ Nhật, Úc hay Hàn Quốc gì đấy…”.
Sau khi phân loại, rác được vận chuyển vào các xưởng sản xuất phía trong ngôi làng. Lần theo những con đường ngổn ngang phế liệu đủ loại, chúng tôi tìm đến một cơ sở tái chế dây điện, ống nước,... Bên trong xưởng, những người công nhân làm việc trong không khí ngột ngạt, khét lẹt từ nhựa nung chảy cùng tiếng ồn của máy móc.
Tại đây, chúng tôi gặp bạn B.V.M (20 tuổi) là công nhân vác hàng, đang dùng nước rửa đi những mảng đen sì do nhựa bám vào. M. chia sẻ khi được hỏi về vấn đề ô nhiễm của công việc này: “Ảnh hưởng sức khỏe thì tất nhiên là giờ trẻ mình chưa thấy như nào, độc hại hay không thì sau mới biết được”. Dù biết làm việc với khói bụi từ lò nung nhựa lâu, về sau sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng vì mưu sinh, M. và những người công nhân làm thuê tại đây không có sự lựa chọn khác.
Người lao động làm việc tại xưởng sản xuất không đeo khẩu trang, găng tay hay bất kỳ đồ bảo hộ lao động nào. (Ảnh: Ngọc Vi)
Cùng chung tình cảnh này, tại làng nghề tái chế rác thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội), những người được thuê làm công việc phân loại rác thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm cùng “mầm mống” bệnh tật.
Đi vào một ngõ nhỏ của làng Xà Cầu, chúng tôi gặp bà N.T.H (70 tuổi) - người được thuê xử lý và phân loại rác nhựa dùng trong y tế như ống tiêm, dây truyền dịch,.... Theo quan sát của phóng viên, trong những dây truyền được bà H. xử lý vẫn còn dính máu và thuốc truyền dư. Bỏ qua nguy cơ lây nhiễm các loại bệnh nguy hiểm, vì mưu sinh, bà H. đã quen tiếp xúc với những loại rác y tế này: “Già rồi, con cái đi làm hết, tôi ra làm cái này cho khuây khỏa. Lây bệnh thì không làm sao đâu, tôi đi làm mãi chả thấy bệnh gì…”.
Dây truyền được chị H. phân ra một túi riêng vẫn còn dính máu và thuốc truyền. (Ảnh: Ngọc Vi)
Cũng vì để trang trải cuộc sống nên chị L., ông B., bà M.,..., những người đi làm thuê và cả các hộ dân sinh sống tại hai khu vực tái chế rác thải nhựa này đang cùng chịu chung số phận về nguy cơ bị “tàn phá” sức khỏe vì tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Chúng tôi đến làng nghề tái chế phế liệu Xà Cầu vào một ngày hanh khô. Khắp nơi, chai lọ, xi lanh, kim tiêm cũ và vỏ thuốc tẩy chất thành những đống rác nhựa cao hơn đầu người, tạo nên không gian ngột ngạt và nặng nề. Tôi gặp chị P.T.L (48 tuổi) khi chị đang hối hả soạn những bao rác đầu tiên của ca chiều. Công việc chính của chị là phân loại rác thải sơ bộ theo màu sắc, chất liệu để chuyển vào quy trình tái chế. Lau vội những giọt mồ hôi, chị chia sẻ: “Đi hai lớp găng tay nhưng nhiều lúc vẫn bị xước tay chân. Nghề này phải đứng cả ngày, làm không ngơi tay”.
Làng Xà Cầu lúc nào cũng chật chội bởi đủ loại rác nhựa. (Ảnh: Ngọc Vi)
Chị L. đã làm nghề này hơn chục năm, mỗi ngày làm tám tiếng với mức thu nhập 200 nghìn đồng. Những người làm cùng chị phần lớn là lao động dân tộc Nùng, Mường,... từ vùng Tây Bắc, sống tạm tại các nhà xưởng để vừa làm việc, vừa trông coi cơ sở. “Giờ người trẻ trong làng không còn ai theo nghề vì bẩn và độc hại, toàn phải thuê người ngoài,” chị nói thêm.
Người gốc Xà Cầu vẫn bám trụ với nghề chủ yếu là những người từ 40 tuổi trở lên, trong đó không ít người đã cao tuổi. Trong không gian chật chội giữa những “núi rác”, chúng tôi bắt gặp người phụ nữ 65 tuổi, Đ.T.T, đang ngồi cặm cụi phân loại các chai, lọ nhựa với “thập cẩm” hình dáng và nguồn gốc. “Mỗi người sẽ phụ trách phân loại những mặt hàng khác nhau như: chai lọ, rổ rá, hộp nhựa,..., cứ làm hết việc là nghỉ, không bị ràng buộc giờ giấc”, bà cho biết.
Dẫu vậy, hằng ngày, do phải cúi gập người trong nhiều giờ để phân loại và bóc vỏ nhựa, bà thường xuyên bị đau nhức lưng. “Nghề này ô nhiễm, làm thì chẳng ai khỏe nổi đâu”, bà T. chia sẻ. Dù biết hại cho sức khỏe nhưng bà vẫn làm vì mưu sinh.
Giữa những lán tái chế rác thải nép sau “núi” rác nhựa cao hơn đầu người, chúng tôi thấy có cả lán tái chế các vật dụng như bơm kim tiêm hay dây chuyền y tế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe mà những người lao động nơi đây dường như không mấy quan tâm. Bà N.T.H, người phụ nữ đã gắn bó lâu năm với nghề phân loại kim tiêm cũ, không ngần ngại chia sẻ về công việc hằng ngày của mình: “Phân loại những cái này, người ta tái chế đi thì vẫn còn dùng được”, bà vừa nói, đôi tay vừa thoăn thoắt phân tách từng chiếc bơm kim tiêm cũ từ đống rác hỗn tạp.
Dù đã ở tuổi xế chiều, bà H. vẫn chọn công việc này với lý do đi làm cho khuây khỏa và kiếm thêm thu nhập để không phụ thuộc vào con cái. Một ngày bà kiếm được 100 nghìn đồng từ việc phân loại bơm kim tiêm, với bà, đó là công việc “quen rồi” và “làm thì lựa thôi, không có vấn đề gì” và không hề lo ngại về những rủi ro sức khỏe.
Cũng giống như bà N.T.H, bà B.T.H, dù đã 90 tuổi những vẫn miệt mài với công việc phân loại bơm kim tiêm. Không găng tay bảo hộ, không khẩu trang, bà nhanh nhẹn tách và phân loại từng bộ phận của bơm kim tiêm, với mức thu nhập chỉ 35000 nghìn đồng/yến. Khi gặp những dây chuyền hoặc kim tiêm còn dính máu, bà thản nhiên: “Nếu bơm tiêm dính máu thì cho nước vào rửa đi, là nó lại trắng tinh”.
Dù bà khẳng định sức khỏe mình không bị ảnh hưởng và vẫn “ăn khỏe, ngủ khỏe”, nhưng thực tế, việc tiếp xúc trực tiếp với kim tiêm cũ mà không có bảo hộ, hoặc chỉ dùng găng tay vải, dễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh nguy hiểm như HIV hay viêm gan.
Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), mỗi năm có tới 160 triệu người trên toàn cầu mắc các bệnh nghề nghiệp, trong đó 438.000 trường hợp tử vong do tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm. Những con số này không chỉ phản ánh một thực trạng đáng báo động mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về sự đánh đổi giữa mưu sinh và sức khỏe của hàng triệu lao động, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường ô nhiễm như tại các làng nghề tái chế nhựa.
Nhiều người lao động tại làng nghề Xà Cầu phân loại mà không có đồ bảo hộ chuyên dụng. (Ảnh: Khánh Ly)
Tại những nơi này, không khí bị bão hòa bởi bụi nhựa, hơi hóa chất, và các khí độc hại phát sinh từ việc đốt rác thủ công, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như viêm phổi mãn tính, hen suyễn, hoặc suy giảm chức năng phổi, làm tổn thương tim mạch, ung thư,... cho người dân địa phương và các khu vực lân cận, đe dọa đến cả cộng đồng. Những chiếc kim tiêm cũ, xi lanh hoặc bơm kim tiêm dính máu có thể chứa các mầm bệnh nguy hiểm, như HIV, viêm gan B, C, hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Khi không có bảo hộ theo quy định, như găng tay chuyên dụng hay khẩu trang,... người lao động có nguy cơ cao bị nhiễm trùng và các bệnh truyền nhiễm qua máu.
Thực trạng làng nghề Xà Cầu không chỉ đặt ra bài toán về sức khỏe của người lao động mà còn là mối lo ngại nghiêm trọng về môi trường. Những núi rác thải nhựa, kim tiêm, xi lanh đã qua sử dụng nằm ngổn ngang không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm tăng nguy cơ rò rỉ hóa chất độc hại xuống lòng đất, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Các lò đốt thủ công, không được trang bị hệ thống lọc khí thải, dẫn đến lượng lớn khí độc như CO, NOx, SO2 phát tán ra môi trường, gây ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, đe dọa đến sức khỏe của cả cộng đồng.
Từ tình hình thực tế tại hai địa phương Xà Cầu (Hà Nội) và Minh Khai (Hưng Yên), việc tổ chức hoạt động phân loại và tái chế rác thải nhựa tại các làng nghề tại Việt Nam cần có sự quản lý và chỉ đạo sát sao. Theo quy định, các làng nghề không tự đầu tư, áp dụng biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn quốc gia về môi trường phải di dời vào khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, số làng nghề được quy hoạch trong cụm làng nghề là rất ít (47 làng nghề), hoạt động xử lý chất thải tại các làng nghề còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra, nhiều hộ dân tại các làng tái chế này vẫn chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng khi thực hiện các hoạt động tái chế rác sai quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Anh Vũ Đức Anh (hiện đang làm việc trong ngành Luật) cho biết: “Theo Điều 4, Nghị định số 45/2022 NĐ/CP của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế, cụm công nghiệp, làng nghề có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức”.
Trong đó, cũng theo anh Đức Anh, hành vi không thực hiện các biện pháp thu gom, lưu giữ và quản lý an toàn chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy như rác thải nhựa, theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
Chia sẻ về giải pháp cân bằng giữa việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại các làng nghề tái chế với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng thư ký Mạng lưới Nhựa và sức khỏe (IHA) cho biết: “Đầu tiên, cần nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất trong làng nghề, giúp họ hiểu rằng việc tái chế về lâu dài có ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường xung quanh. Thứ hai, giúp các hộ tái chế tiếp cận nguồn hỗ trợ đầu tư ban đầu để thay đổi công nghệ, từ đó giảm thiểu ô nhiễm. Cuối cùng, phải có cơ chế thúc đẩy để chuyển đổi từ quy mô tự phát thành doanh nghiệp, giúp họ tham gia vào hệ thống tái chế chất thải theo quy định của luật Bảo vệ môi trường".
Nếu không muốn dần bị loại bỏ, các làng nghề tái chế cần chuyển hướng hoạt động bền vững và có hệ thống hơn, thông qua việc thành lập doanh nghiệp, đầu tư bài bản về hệ thống xử lý ô nhiễm, máy móc, trang thiết bị và đầu ra đạt chuẩn hoặc phải chuyển sang thu gom, phân loại và bán lại cho các doanh nghiệp tái chế. Theo đó, luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định trách nhiệm của các nhà sản xuất được mở rộng đến cả giai đoạn sau tiêu dùng tính theo vòng đời sản phẩm (EPR), tức là các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu gom, phân loại và tái chế, xử lý các sản phẩm bao bì được họ đưa ra thị trường đã qua sử dụng. Việc áp dụng EPR sẽ trực tiếp tác động đến sinh kế của người dân tại các làng nghề tái chế.
*Tên nhân vật đã được thay đổi để phù hợp
Ngọc Vi - Hải Ly - Khánh Ly (thực hiện)