Danh mục Chủ Nhật, 05/01/2025

Tiêu điểm \

Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ?

21:09 02-01-2025
Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0
Chiều ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025. Quyết định này thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của Quốc hội và Nhà nước trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu tệ nạn xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho đất nước.
Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0
Từng gắn bó với thuốc lá điện tử từ những năm cấp 3, anh A – một bạn trẻ tại Hà Nội – đã quyết định từ bỏ thói quen này sau khi Quốc hội thông qua lệnh cấm. “Cấm cái này không sớm thì muộn cũng phải làm, hút đến giờ cũng là đủ rồi” anh chia sẻ.
Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0

17 tuổi – độ tuổi hiếu kỳ, dễ sa vào cạm bẫy. Với anh A, hình ảnh một người đàn ông trưởng thành luôn là tay cầm ly rượu, miệng ngậm điếu thuốc. Giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử, anh A đã chọn cái "tiện" -  hiện đại, gọn nhẹ, dễ dàng qua mặt những quy định nghiêm ngặt ở trường. Anh nói: "Thuốc lá thì phải có bao, bật lửa, mà hút trong phòng kín rất dễ, đứng cách xa cả mét cũng biết. Còn thuốc lá điện tử thì khói bay nhanh, tan nhanh. Hút trong lớp, trong phòng, mở cửa, quạt là chẳng ai phát hiện."

Không chỉ dừng lại ở sự tiện lợi, thuốc lá điện tử còn mê hoặc giới trẻ bởi sự đa dạng trong hương vị. “Hôm nay vị táo, mai vị coca, thích đổi lúc nào thì đổi. Vừa thơm vừa không nhàm”, anh kể. Những chiếc thuốc lá điện tử nhỏ gọn, chỉ bằng một hai ngón tay, khiến sản phẩm này dễ dàng "len lỏi" vào túi áo hay balo của nhiều người trẻ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ vị thành niên sử dụng TLĐT gia tăng nhanh chóng: năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi sử dụng TLĐT. Đến năm 2022, tỷ lệ sử dụng ở trẻ vị thành niên là học sinh 13-15 tuổi là 3,5% (4,3% nam và 2,8% nữ). Theo kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh/thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng ở học sinh 13-17 là 8,1%; tỉ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn; sử dụng ở nữ giới cao (4,3% ở nữ giới tuổi 11-18, 11 tỉnh/thành phố năm 2023). Những con số này không chỉ phản ánh xu hướng mà còn là lời cảnh báo về sự phổ biến ngày càng rộng rãi của loại sản phẩm này.

 

Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0

Biểu đồ tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của nhóm tuổi 13-15 và 13-17 từ2019 - 2023 theo khảo sát tại 11 tỉnh (Nguồn thông tin: Bộ Y tế).

Sử dụng thuốc lá điện tử khiến anh A cảm thấy phấn chấn hơn. A coi đó là “liều thuốc” giúp mình có cảm hứng trong học tập, công việc và cuộc sống. Càng dùng càng nghiện, anh A trở thành nạn nhân của thuốc lá điện tử. 

Không chỉ có nhiều loại, nhiều hương, thuốc lá điện tử còn có nhiều liều lượng từ thấp đến cao tùy vào nhu cầu khách hàng. Khi đã quá quen với hương vị của thuốc lá điện tử loại hay dùng, A có dấu hiệu “nhờn thuốc” nhưng vẫn không tìm đến những loại “nặng đô” hơn: “Giờ có nhiều loại nặng hơn, nhưng cũng chỉ quen cái loại nhẹ trước giờ, không dám thử mấy cái đó." anh A chia sẻ. 

Cuối năm nay, sức khỏe của anh A bắt đầu giảm sút rõ rệt. Anh thường xuyên ho có đờm, khó thở, nhưng lại chủ quan tự điều trị tại nhà. Đến khi nhập viện, anh được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Căn bệnh này, cùng với lệnh cấm của Quốc hội, đã trở thành "giọt nước tràn ly," thức tỉnh anh khỏi cơn say thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0

Anh K - chủ một cửa hàng thuốc lá điện tử tại Hà Nội đang đối mặt với những ngày tháng “chơi vơi”. Nghề từng giúp anh có thu nhập ổn định, chăm lo cuộc sống, giờ đây phải chấm dứt khi Quốc hội thông qua nghị quyết cấm mua bán và tàng trữ thuốc lá điện tử từ năm 2025. 

"Trung bình, một người dùng 2-3 tuần là thay đầu thuốc, còn tinh dầu thì 1-2 tháng đổi một lọ. Có người cầu kỳ, mua liền mấy loại về để trộn. Giờ họ thích đủ kiểu thì mình cũng phải theo thị trường mà nhập hàng thôi". Anh K chia sẻ về thói quen tiêu dùng của khách hàng. Theo anh, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, cửa hàng buộc phải nhập đủ loại sản phẩm. 

Ngoài các thiết bị hỗ trợ hút thuốc lá điện tử như thân máy, đầu đốt, phụ kiện, mặt hàng chính anh K bán gồm ba loại: tinh dầu “juice” - loại chất đốt cơ bản nhất, chủ yếu là nicotine kết hợp cùng hương liệu. Tùy thuộc vào độ nicotine cao hay thấp sẽ đem lại cảm giác khác nhau. Kế đến là những sản phẩm nặng hơn, được liệt vào danh sách các hoạt chất gây nghiện không được sử dụng là CBD hay còn được giới trẻ gọi là "tinh dầu cần" và Pod Chill. “Loại này thì khác, hút xong là phê pha, nhưng bị cấm bán từ lâu rồi. Nhiều người vẫn hỏi, mình có cũng chẳng dám trưng ra”.

 

Thị trường cạnh tranh khiến anh K quảng bá cả trên mạng xã hội, các hội nhóm kín với những lời mời chào như "juice xịn, rõ nguồn gốc."

"Đằng nào cũng hại, nhưng chọn cái hại ít còn hơn cái hại nhiều. Juice xịn ít nhất cũng phải 200 nghìn một lọ. Vậy mà có đứa bán phá giá chỉ 90-120 nghìn, không dám thử, ai biết trong đó có những gì. Nhiều người bán hàng giả giá ngang ngửa hoặc cao hơn hàng thật". Anh K phản ánh về thị trường thuốc lá điện tử đầy rẫy những chiêu trò, lừa lọc.

 

Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0

Khi được hỏi có tư vấn cho khách hàng biết về tác hại của thuốc lá điện tử không, anh trả lời: “Khách vào hỏi, anh tư vấn rõ ràng, cũng bảo có hại ra sao, nhưng họ đã chốt thì có điên mới không bán”.

Những ngày gần đây, thông tin Quốc hội thông qua nghị quyết cấm sử dụng, mua bán và tàng trữ thuốc lá điện tử từ năm 2025 khiến anh không khỏi trăn trở. Anh đã dự đoán sẽ có ngày Nhà nước cấm, nhưng không nghĩ tới là trong năm nay. Hiện tại, anh đang trong nỗi trăn trở không biết làm sao để xử lý số hàng tồn do ôm hàng vì nhu cầu thị trường trước đó: “Giờ có lỗ không thu hồi được vốn thì cũng đành thôi. Tôi không có ý định bán chui vì nhỡ bị lộ ra thì coi như xong”. 

Không riêng gì anh K, những người bán hàng như kẻ đi trên dây, một bên là vực sâu của pháp luật, một bên là cám dỗ của đồng tiền. Không phải ai trong ngành cũng nghĩ như anh. Với nhiều người, đứng trước hai lựa chọn: từ bỏ hay tiếp tục đối mặt với rủi ro pháp lý, không phải ai cũng đủ dũng cảm để dừng lại.

 

Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0
Nghị quyết của Quốc hội là lời cảnh báo về những hệ lụy của thuốc lá điện tử. Song, lại đặt ra bài toán khó cho những người đang mưu sinh nhờ mặt hàng này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có những định hướng mới nhằm chuyển đổi sang lĩnh vực kinh doanh khác, đảm bảo an sinh xã hội.
Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0

Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng – được quảng cáo là thế hệ mới an toàn hơn – thực chất vẫn chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khỏe. Các sản phẩm này hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch chứa nicotine hoặc các hương liệu hòa tan trong propylen glycol hay glycerine. Theo nghiên cứu, ít nhất 60 hợp chất hóa học được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử, cùng với nhiều chất độc hại khác xuất hiện trong khí hoặc khói mà sản phẩm tạo ra.

Theo Bộ Y tế, mặc dù không sử dụng nguyên liệu thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện mạnh do hàm lượng nicotin cao. Việc sử dụng lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, tổn thương phổi cấp tính, các vấn đề về hô hấp và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Đáng lo ngại hơn, các sản phẩm này thường được thiết kế dưới dạng đồ chơi hoặc các vật dụng nhỏ gọn, dễ dàng qua mặt sự kiểm soát. Chính yếu tố này khiến thuốc lá điện tử trở thành "cạm bẫy ngọt ngào" thu hút giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Với sự đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, hình thức đội lốt, thuốc lá điện tử đã và đang đặt ra thách thức lớn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát. Bộ Y tế khẳng định, việc phát hiện và ngăn chặn sử dụng thuốc lá điện tử là nhiệm vụ không dễ dàng, đặc biệt khi đối tượng sử dụng ngày càng trẻ hóa và tinh vi trong cách tiếp cận sản phẩm.

Là sản phẩm thế hệ mới nhưng những nguy cơ mà thuốc lá điện tử mang lại không hề "mới mẻ." Đây không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là lời cảnh báo về trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ thế hệ trẻ trước những hiểm họa tiềm ẩn.

 

Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0

Infographic về tác hại của thuốc lá điện tử

Kể từ ngày 1/1/2025, lệnh cấm của Quốc hội chính thức có hiệu lực. Tất cả các quá trình sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng, hoặc các hoạt động liên quan đến thuốc lá điện tử đều có quy định xử phạt nghiêm ngặt. 

Để lệnh cấm đạt hiệu quả triệt để, bên cạnh Nghị quyết của Quốc hội, các cơ quan chức năng cũng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Ông Phó Lương Nhân - Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất và định kỳ tại các điểm kinh doanh có nguy cơ cao như chợ, cửa hàng tạp hóa, quán bar, karaoke...; kiểm tra chặt chẽ các lô hàng nhập khẩu và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng khác để rà soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt trên không gian mạng.

Tuy nhiên, công tác kiểm soát cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Thuốc lá điện tử với hình dạng, mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú, được ngụy trang tinh vi gây khó khăn cho việc kiểm tra, phát hiện. Các đối tượng kinh doanh thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng mạng xã hội và các ứng dụng chat để giao dịch, vận chuyển hàng hóa.  Bên cạnh đó, một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ, chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của thuốc lá điện tử nên vẫn có nhu cầu sử dụng và dễ dàng mua được sản phẩm này.

“Để lệnh cấm đạt hiệu quả tối đa, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử cần được đẩy mạnh, đặc biệt là đối với giới trẻ”. Ông Nhân chia sẻ. Thông qua truyền thông, người dân không chỉ hiểu rõ tác hại của thuốc lá điện tử mà còn nhận thức được việc buôn bán trái phép là hành vi vi phạm pháp luật.

Bạn Nguyễn Thị Huyền Thương, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã chia sẻ những quan điểm thiết thực về vai trò của báo chí, truyền thông trong việc hỗ trợ thực thi lệnh cấm thuốc lá điện tử của Quốc hội. Theo chị, báo chí, truyền thông cần xây dựng chiến lược truyền thông dựa trên ba yếu tố then chốt: giáo dục, lan tỏa, và khuyến khích hành động, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và đảm bảo hiệu quả của lệnh cấm.

 

Thuốc lá điện tử - Cấm liệu có đủ? -0

Trước hết, các bài viết và chương trình cần làm rõ những tác động tiêu cực của thuốc lá điện tử dựa trên dữ liệu khoa học đáng tin cậy, như nguy cơ gây nghiện nicotine ở giới trẻ, các bệnh lý về hô hấp và tim mạch, cũng như hậu quả lâu dài đối với sức khỏe cộng đồng. Thông tin này nên được trình bày một cách dễ hiểu, sinh động, đi kèm hình ảnh trực quan hoặc câu chuyện thực tế để tăng tính thuyết phục.

Bên cạnh đó, báo chí cần phối hợp chặt chẽ với mạng xã hội và các nền tảng số để tạo chiến dịch truyền thông đa kênh, giúp thông điệp lan tỏa sâu rộng hơn, đặc biệt đến nhóm đối tượng trẻ tuổi. Việc mời các bác sĩ, chuyên gia sức khỏe, hoặc những người có ảnh hưởng tích cực tham gia truyền tải thông điệp sẽ làm tăng độ tin cậy và thu hút sự quan tâm của công chúng. 

Ví dụ, một chiến dịch video ngắn trên TikTok kể về câu chuyện của một người trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề từ thuốc lá điện tử, sẽ dễ dàng tạo hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ.

Cuối cùng, truyền thông cần tạo điều kiện để cộng đồng hành động, từ việc tham gia hội thảo, tọa đàm nâng cao nhận thức đến việc báo cáo các hành vi vi phạm lệnh cấm qua các nền tảng dễ tiếp cận như hotline hoặc ứng dụng online. Chỉ khi kết hợp đồng bộ giữa giáo dục, lan tỏa và kêu gọi hành động, chúng ta mới có thể tạo ra một thay đổi bền vững, hỗ trợ hiệu quả cho chỉ thị của Quốc hội trong việc bảo vệ sức khỏe người dân.

Lệnh cấm thuốc lá điện tử, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng môi trường sống lành mạnh. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự đi vào đời sống, cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, sự vào cuộc quyết liệt của truyền thông và ý thức tuân thủ của mỗi người dân.

Trong bối cảnh những thách thức từ thị trường ngầm và thói quen sử dụng đã ăn sâu vào một bộ phận giới trẻ, công tác kiểm soát và tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là cuộc chiến chống lại một sản phẩm độc hại, mà còn là cam kết mạnh mẽ của cả xã hội vì tương lai của thế hệ trẻ và sức khỏe quốc gia. Lệnh cấm không chỉ là một quy định pháp lý mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc: bảo vệ thế hệ tương lai chính là bảo vệ giá trị cốt lõi của đất nước.

 

 

Phản hồi