Danh mục Thứ Hai, 06/01/2025

Tiêu điểm \

Cồng chiêng Tây Nguyên: Nỗ lực giữ gìn di sản văn hóa trước nguy cơ mai một

21:15 03-01-2025
Cồng chiêng, một loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, từ lâu đã là linh hồn của các lễ hội, nghi lễ, và những buổi sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, nghệ thuật cồng chiêng đang đối diện với nhiều thách thức và có nguy cơ mai một, khi ngày càng ít người trẻ tìm đến và gìn giữ những giá trị văn hóa quý báu này.

 Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là “Kiệt tác Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” năm 2005.

Nỗi lo cồng chiêng mai một

Cồng chiêng không chỉ đơn thuần là một nhạc cụ trong các buổi lễ hội mà là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên. Với âm thanh riêng biệt và đặc sắc, cồng chiêng gắn liền với những câu chuyện về cuộc sống, phong tục, tôn vinh sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên. Chúng được dùng trong những dịp quan trọng, từ lễ hội mừng mùa màng đến các nghi lễ cầu thần linh, hay những cuộc gặp gỡ cộng đồng trong các buổi sinh hoạt. Cồng chiêng còn có ý nghĩa thiêng liêng trong việc kết nối tâm linh và mang lại sự bình an, may mắn cho cả cộng đồng.

Với vai trò như vậy, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là yếu tố gắn kết văn hóa, là phần hồn của các cộng đồng dân tộc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây,nghệ thuật cồng chiêng bắt đầu đối diện với sự mai một. Từ những tác động của quá trình giao lưu văn hóa, hiện đại hóa đến sự thay đổi về lối sống, không gian và môi trường diễn xướng văn hóa cồng chiêng đang ngày càng bị thu hẹp.

 Âm thanh của chiêng trống là một phần không thể thiếu trong lễ hội. (Ảnh: NVCC)

Các nghệ nhân, những người gìn giữ và phát huy truyền thống cồng chiêng, đã và đang chứng kiến sự suy giảm đáng lo ngại về số lượng người chơi nhạc cụ này. Theo ông K'Tiền, trưởng đội cồng chiêng xã Đinh Trang Hoà (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), trước kia, âm thanh của cồng chiêng là điều không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội, trong mỗi cuộc tụ tập của cộng đồng.

"Ngày xưa, cồng chiêng là âm thanh quen thuộc trong mỗi buổi lễ hội, mỗi cuộc gặp gỡ của cộng đồng. Nhưng giờ đây, những buổi lễ hội, những dịp tụ tập ít dần, thanh niên bây giờ mải mê với công việc và các phương tiện giải trí hiện đại, ít quan tâm đến việc học và gìn giữ cồng chiêng. Tôi cảm thấy rất lo lắng, vì nếu thế hệ sau không học và tiếp nối, truyền thống này sẽ dần mai một," ông K'Tiền chia sẻ.
Những lý do mà ông K'Tiền nêu ra không phải không có cơ sở. Ngày nay, một số bộ phận bạn trẻ có xu hướng không quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống mà thay vào đó là sự yêu thích, hâm mộ những trào lưu âm nhạc hiện đại, các trò chơi điện tử, hay những chương trình giải trí hấp dẫn trên mạng. Chính điều này khiến cho nghệ thuật cồng chiêng dần trở thành một phần quá khứ, xa vời đối với thế hệ trẻ.

Thực tế cho thấy, các lớp học cồng chiêng được tổ chức nhưng lại không thu hút được sự tham gia của nhiều học sinh. Thầy Nguyễn Lương Chiến, hiệu trưởng trường Tiểu học Đinh Trang Hòa 1, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: "Trường chúng tôi từng tổ chức các lớp học về cồng chiêng, nhưng số học sinh tham gia không nhiều. Họ không thấy được giá trị và sự thiêng liêng của cồng chiêng, chỉ quan tâm đến những thứ như thể thao, âm nhạc hiện đại hay công nghệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì các hoạt động để giới thiệu về cồng chiêng đến các em học sinh, hy vọng sẽ có một số em hiểu và yêu thích loại hình văn hóa này."

Đây chính là một trong những vấn đề lớn trong việc bảo tồn nghệ thuật cồng chiêng. Để gìn giữ và phát huy di sản này, ngoài sự nỗ lực từ các nghệ nhân, còn cần có sự quan tâm và ý thức trách nhiệm từ cộng đồng, đặc biệt là từ chính những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, với những thay đổi về thói quen và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, việc thu hút thế hệ trẻ quay lại với cồng chiêng là một bài toán không dễ dàng.

Nỗ lực bảo tồn và phát huy nghệ thuật cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Dù đối mặt với nhiều thách thức, trong nỗi lo về sự tồn tại của cồng chiêng, vẫn le lói những hy vọng và nỗ lực không ngừng để bảo tồn loại hình di sản này. Các chương trình bảo tồn văn hóa và những lớp học truyền dạy cồng chiêng vẫn được duy trì ở một số địa phương. Những nghệ nhân, những người giàu kinh nghiệm trong việc chơi cồng chiêng vẫn tiếp tục dạy cho các thế hệ trẻ, mặc dù số lượng học viên ngày càng ít.  

Mới đây, vào chiều ngày 28/12, Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) xã Đinh Trang Hòa đã tổ chức lễ khai mạc lớp truyền dạy sử dụng cồng chiêng và ra mắt mô hình điểm của TTHTCĐ xã tại UBND xã Đinh Trang Hòa. 

 Lễ khai mạc lớp truyền dạy sử dụng cồng chiêng và ra mắt mô hình điểm của TTHTCĐ xã tại UBND xã Đinh Trang Hòa. (Ảnh: Phương Anh)

Đây là một hoạt động ý nghĩa, đánh dấu sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật cồng chiêng. Lớp học này không chỉ giúp các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cồng chiêng mà còn là cơ hội để truyền dạy những kỹ năng quý báu từ các nghệ nhân cho những người tham gia.

Ông Bùi Khánh Hưng (phó chủ tịch xã Đinh Trang Hòa, trưởng ban chỉ đạo lớp truyền dạy cồng chiêng) chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc : “Việc tổ chức lớp học nhằm giúp học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số Đinh Trang Hoà tiếp tục kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, đưa hoạt động sinh hoạt giao lưu văn hóa cồng chiêng ở địa phương ngày càng phát triển sâu rộng, phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là người đồng bào DTTS.”

 Ông Bùi Khánh Hưng, phó chủ tịch xã Đinh Trang Hòa, trưởng ban chỉ đạo lớp truyền dạy cồng chiêng phát biểu khai mạc. (Ảnh: Phương Anh)

Ông K'Tiền cho biết: "Dù thế hệ trẻ không còn nhiều người theo đuổi cồng chiêng, nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta tiếp tục tổ chức các hoạt động, giới thiệu cồng chiêng đến gần với cộng đồng hơn, thì di sản này sẽ không mất đi. Đó là trách nhiệm của chúng ta, của những người đã sống với cồng chiêng." Những hoạt động này, tuy nhỏ bé nhưng cũng góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống cho mai sau. Điều quan trọng là cần có những sáng kiến mới, những phương thức truyền tải phù hợp với xu thế và nhu cầu của giới trẻ ngày nay.

Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhiều trường học đã tổ chức đưa học sinh đến tham gia các chương trình ngoại khóa đặc biệt tại Đà Lạt. 

Một trong những hoạt động nổi bật là các buổi giao lưu văn hóa cồng chiêng tại khu vực Langbiang, nơi học sinh có cơ hội trực tiếp trải nghiệm và khám phá những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Tây Nguyên.

Học sinh trường THPT Trần Nhân Tông (TP Hồ Chí Minh) tại buổi giao lưu cồng chiêng “Bản sắc Langbiang”. (Ảnh: Trần Nhân Tông High School) 

Thầy Nguyễn Lương Chiến cũng bày tỏ một cách tiếp cận tích cực về vấn đề này: "Giới trẻ bây giờ thích những cái mới mẻ, nhưng nếu chúng ta biết cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thì cồng chiêng vẫn có thể tiếp tục phát triển. Quan trọng là chúng ta có thể truyền cảm hứng cho các em yêu thích và gìn giữ những giá trị của dân tộc." 

Chính việc kết hợp những yếu tố hiện đại vào trong các hoạt động bảo tồn cồng chiêng có thể giúp di sản này sống động hơn trong mắt giới trẻ, tạo ra một sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Các chương trình bảo tồn văn hóa, như lớp học truyền dạy cồng chiêng vừa được tổ chức, cùng những mô hình điểm của TTHTCĐ tại xã Đinh Trang Hòa,  đã  góp phần quan trọng trong việc giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Những nỗ lực này mang theo hy vọng hồi sinh âm vang  cồng chiêng trong nhịp sống hiện đại và tiếp tục vang lên trong các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng của địa phương.

Phương Anh - BMĐT CLC K42

Phản hồi