Điểm “nghẽn” giấc mơ an cư
Thị trường bất động sản tại Việt Nam tại thành phố lớn như Hà Nội đã chứng kiến xu hướng tăng giá không ngừng trong nhiều năm qua. Hồi tháng 3/2023, kênh thông tin Batdongsan.com.vn đã công bố thông tin giá rao bán trung bình các loại hình nhà ở Hà Nội đạt 22,8 tỷ đồng/căn với nhà mặt phố; 17,8 tỷ đồng/căn với biệt thự; 6,3 tỷ đồng/căn với nhà riêng và 3,1 tỷ đồng/căn đối với chung cư. Ước tính, thu nhập bình quân của người lao động ở Hà Nội năm 2023 là 135 triệu đồng/năm.
Như vậy, để sở hữu một căn nhà mặt phố tại Hà Nội, người dân thủ đô cần "cày cuốc" 169 năm, muốn sở hữu nhà riêng thì cần 132 năm, còn mua căn hộ chung cư mất 23 năm (với giả thiết người lao động dùng toàn bộ thu nhập để mua nhà).
Sự leo thang này không chỉ bắt nguồn từ nhu cầu sở hữu nhà ở cao, mà còn do sự khan hiếm quỹ đất, chi phí xây dựng ngày càng tăng và tình trạng đầu cơ bất động sản. Những yếu tố này đã khiến giá nhà vượt xa khả năng chi trả của phần lớn người lao động và người có thu nhập thấp. Đối với họ, việc sở hữu một căn nhà tại các khu vực trung tâm hoặc thậm chí ngoại ô thành phố trở thành mục tiêu ngày càng xa vời. Điều này dẫn đến hệ lụy là nhiều người buộc sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, điều kiện không đảm bảo, hoặc phải chấp nhận di chuyển xa hơn để tìm nơi ở phù hợp với túi tiền.
Nhà ở xã hội được xem là giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ người lao động thu nhập thấp và người nghèo tại các đô thị. Tuy nhiên, nguồn cung quỹ nhà ở xã hội hiện nay lại rất hạn chế so với nhu cầu thực tế. Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, nhận định rằng trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam cần khoảng 1,1 triệu căn nhà ở xã hội, nhưng thực tế chỉ mới đáp ứng được 400.000 căn, tương đương 36% nhu cầu của người lao động. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chỉ ra rằng: “Phân khúc nhà ở xã hội đang đối diện với năm "điểm nghẽn" chính: quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc triển khai”.
Ngoài ra, thủ tục tiếp cận nhà ở xã hội khá phức tạp, đòi hỏi người mua đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe về thu nhập, hộ khẩu và công việc. Sự cạnh tranh cao giữa những người có nhu cầu cũng là một rào cản lớn, khiến cơ hội sở hữu nhà ở xã hội càng trở nên khó khăn đối với những người thực sự cần.
Tháo gỡ nút thắt
Mức lương trung bình của công nhân tại các khu công nghiệp dao động từ 4 - 7 triệu đồng/tháng, trong đó chi phí sinh hoạt và nuôi con chiếm 80%, mua được nhà là ngoài khả năng của họ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chính sách cụ thể tăng lương cho người lao động tại khu công nghiệp để hướng đến mục tiêu an cư. Bao giờ còn phải lo nghĩ về miếng cơm manh áo thì lúc đấy chỗ ở với họ chỉ cần là nơi “tạm bợ”.
Nhà ở xã hội là một giải pháp có thể cân nhắc đối với người lao động vì sự phù hợp về chi phí và chính sách hỗ trợ. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hà Nội, thành phố hiện có 69 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đã và đang được triển khai.
Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã hoàn thành khoảng 0,64 triệu m² sàn NƠXH, cung cấp hơn 10.270 căn hộ qua 8 dự án hoàn thiện toàn bộ và 3 dự án hoàn thiện một phần. Trong giai đoạn 2024-2025, khoảng 5.923 căn hộ thuộc 11 dự án dự kiến được bàn giao. Đặc biệt, trong tháng 12/2024, dự án NƠXH Hạ Đình (quận Thanh Xuân) đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng và sẽ chính thức khởi công vào ngày 5/12.
Hiện tại, UBND TP. Hà Nội đang tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 4 trong 5 khu NƠXH độc lập, tập trung tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, và Mê Linh. Các dự án này có tổng diện tích hơn 200ha, dự kiến cung cấp hơn 12.000 căn hộ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NƠXH, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).
Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 656/QĐ-TTg ngày 16/7/2024 thành lập Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Quỹ này được thiết kế nhằm huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước, tạo ra một nguồn tài chính bền vững để hỗ trợ các chương trình xây mới và sửa chữa nhà ở cho các đối tượng yếu thế.
Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU với mục tiêu “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo từ Trung ương đến địa phương được thực hiện đầy đủ, đúng quy định và kịp thời, thể hiện sự ưu tiên của thành phố trong việc bảo đảm an sinh xã hội và hướng đến giảm nghèo bền vững.
Song song với chính sách của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, hỗ trợ các hộ nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Hà Nội đã sử dụng hơn 103 tỷ đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.232 căn nhà Đại đoàn kết, giúp đỡ các gia đình khó khăn có nơi ở ổn định.
Giúp đỡ người lao động nghèo an cư là hành trình dài hơi cần sự góp sức của chính quyền, nhân dân. Tất cả cùng chung tay để người lao động có chốn trở về.
Phản hồi