Phóng viên: Thưa luật sư, hiện nay có những chính sách, luật nào mới nhằm hỗ trợ người lao động an cư?
Luật sư Trần Thị Mai: Ngày nay nhà nước càng quan tâm tích cực đến đời sống của người lao động nghèo, đặc biệt là vấn đề về chỗ ở. Có thể kể đến như Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2024 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động nghèo trong việc thuê, mua nhà ở xã hội khi bỏ một số điều kiện được thuê, mua nhà ở xã hội, tối giản các hành chính, hạ thấp chi phí cho người lao động nghèo.
Ngoài ra, Luật Đất đai 2024, Nghị định số: 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị quyết số: 33/NQ-CP của Chính Phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững ngày 11/03/2023 của Chính phủ,… cũng được ban hành với nhiều quy định, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ chỗ ở cho người lao động nghèo hiện nay.
Phóng viên: Theo luật sư, những chính sách nào hiện nay là quan trọng nhất đối với người lao động thu nhập thấp trong việc tìm kiếm nhà ở?
Luật sư Trần Thị Mai: Một trong những chính sách quan trọng và đáng chú có thể kể đến là chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị quyết số: 33/NQ-CP của Chính Phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững ngày 11/03/2023 của Chính phủ: Để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.
Phóng viên: Luật sư đánh giá như thế nào về tính hiệu quả và công bằng của các chính sách này đối với người lao động nghèo?
Luật sư Trần Thị Mai: Đây là chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội của Chính Phủ, đã được giao chỉ tiêu cho các địa phương triển khai thực hiện từ tháng 04/2023. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Nếu được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, đúng đối tượng, đây có thể xem là một trong những chính sách tốt nhất mà Chính phủ từng xây dựng, góp phần giúp người lao động nghèo sớm tiệm cận được nhà ở xã hội thông qua chương trình mục tiêu, tạo sự công bằng, bình đẳng, nâng cao chất lượng an sinh xã hội.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả và công bằng của chính sách này đối với người lao động nghèo, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Nhà nước, ngân hàng, nhà đầu tư và người lao động. Đặc biệt, các địa phương cần chủ động xây dựng quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; rà soát, thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch quỹ đất, chất lượng công trình dành cho nhà ở xã hội; trong đó đảm bảo các dự án nhà ở xã hội phải được quy hoạch đầy đủ hệ sinh thái liên quan gồm hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, chợ…
Ngoài ra, thủ tục tiếp cận nhà ở xã hội khá phức tạp, đòi hỏi người mua đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe về thu nhập, hộ khẩu và công việc. Sự cạnh tranh cao giữa những người có nhu cầu cũng là một rào cản lớn, khiến cơ hội sở hữu nhà ở xã hội càng trở nên khó khăn đối với những người thực sự cần.
Phóng viên: Dưới góc độ thực tiễn, luật sư có thấy việc triển khai các chính sách này gặp phải những mâu thuẫn hoặc bất cập nào hay không?
Luật sư Trần Thị Mai: Chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội với chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng mang lại nhiều kỳ vọng cho người lao động thu nghèo mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, với những vướng mắc về thủ tục, pháp lý, lãi suất khiến người mua nhà khó có thể tiếp cận dẫn đến việc thực tế hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội được giải ngân còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp. Luật Nhà ở năm 2023 đã bổ sung thêm nhiều đối tượng được tham gia xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, theo đó sẽ có nhiều đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên cơ quan chức năng chưa có những quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi Luật để có thể triển khai hiệu quả các chính sách trên khi Luật được thực thi.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng một số quy định về hỗ trợ nhà ở hiện nay vẫn tạo ra “cửa hẹp” với người lao động nghèo, đặc biệt là lao động tự do không có hợp đồng lao động. Luật sư nghĩ sao về điều này?
Luật sư Trần Thị Mai: Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về Phát triển và quản lý nhà ở xã hội: “Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 76 của Luật Nhà ở không có Hợp đồng lao động, nếu là người độc thân thì thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng, nếu đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xác nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc xác nhận điều kiện về thu nhập trong 01 năm liền kề tính từ thời điểm đối tượng quy định tại khoản này nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội”.
Như vậy, đối với người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị không có hợp đồng lao động có thể xác minh thu nhập mua nhà ở xã hội bằng cách nộp đơn đề nghị xác nhận cho Ủy ban nhân dân xã để thực hiện việc xác nhận điều kiện về thu nhập trong 01 năm liền kề tính từ thời điểm nộp hồ sơ hợp lệ cho chủ đầu tư để đăng ký mua nhà ở xã hội.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng một số chính sách hỗ trợ nhà ở không tính đến yếu tố lâu dài, như bảo trì nhà ở xã hội hay nguy cơ người được hỗ trợ lại bán suất để kiếm lời. Luật sư nghĩ gì về cách xử lý vấn đề này?
Luật sư Trần Thị Mai: Hiện nay, phân khúc nhà ở xã hội chưa đủ lớn để có vai trò định hướng hoặc dẫn dắt thị trường nhà ở nói chung. Trên thực tế vẫn có rất nhiều cách để người mua nhà ở xã hội rồi bán lại kiếm lời. Do đó, điều quan trọng là phải xây dựng được ở phân khúc thị trường chung phù hợp với đại đa số người dân có nhu cầu mua nhà ở, mà giá nhà ở này không chênh lệch quá nhiều so với phân khúc nhà ở xã hội. Về phương án xử lý, có thể cân nhắc bổ sung quy định pháp luật về biện pháp xử lý đối với các trường hợp người mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo Điều 76 Luật Nhà ở năm 2023 rồi bán lại kiếm lời là tịch thu số tiền vi phạm, hủy giao dịch mua bán nhà ở xã hội và xử phạt vi phạm hành chính.
Phóng viên: Với góc nhìn chuyên môn, luật sư dự đoán những xu hướng thay đổi nào trong tương lai có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến người lao động nghèo trong việc an cư?
Luật sư Trần Thị Mai: Với sự phân hóa trên, thị trường trong tương lai sẽ có khả năng hình thành theo hai hướng. Hướng thứ nhất là Chính phủ sẽ đẩy mạnh hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở của người lao động thấp đô thị. Hướng thứ hai là thị trường nhà cho thuê sẽ bùng nổ. Cả hai hướng trên đều có khả năng tạo động lực mới cho nền kinh tế quốc gia nói chung và tác động tích cực đến người lao động nghèo trong việc an cư.
Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn Luật sư về những chia sẻ trên!
Phản hồi