Danh mục Thứ Ba, 07/01/2025

Tiêu điểm \

“Bỏ phố về quê” - Cuộc hành trình không phải ai đi cũng đến

21:28 02-01-2025
Khoảng 3 năm trở lại đây, có đến hơn 2,2 triệu người lao động từ thành phố đã quay trở lại quê, đặc biệt là sau bối cảnh đại dịch Covid 19. Một số người tìm thấy cơ hội mới ở quê, trong khi một số khác lại gặp khó khăn và phải quay lại thành phố tìm kiếm công việc mới.

Cơ hội mới, cuộc đời mới

Tốt nghiệp ngành Khoa học cây trồng của Học viện Nông Nghiệp ở Hà Nội, anh Đỗ Khắc Khoa, 29 tuổi đã có 2 năm làm việc dưới vai trò là quản lý công trình với mức lương ổn định từ 10 - 15 triệu đồng. Mặc dù bản thân có nhiều cơ hội được thăng tiến trong công việc, song, đối với anh, môi trường sống ở Hà Nội khá áp lực, không khí bị ô nhiễm, bữa ăn hàng nhiều hơn bữa tự nấu, chi phí sinh hoạt cũng đắt đỏ. Chính vì vậy, anh Khoa đã quyết định rời thủ đô vào năm 23 tuổi, quay về Tuyên Quang, thử sức mình trong một môi trường làm việc khác. 

Xuất thân từ một gia đình làm nông và tận dụng lợi thế ngành trồng trọt của quê hương, anh Khoa đã phát triển sự nghiệp của mình trong vòng 4 năm, mở rộng diện tích đất trồng trọt từ 5ha lên 10ha và có mức thu nhập “khủng” từ 800 triệu đến 1 tỷ/ năm như hiện tại. Anh Khoa bày tỏ: “Thấy bố mẹ ở quê làm nông vất vả, mình muốn về để giúp đỡ phần nào. Hơn nữa, làm việc ở Hà Nội quá áp lực khi luôn phải chạy theo các mục tiêu lớn, nên mình chọn về quê để có cuộc sống thoải mái và cân bằng hơn”.

  Anh Khoa bên vườn bưởi tự trồng tại nhà. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về hành trình khó khăn đi được đến thành công như ngày hôm nay, anh Khoa tâm sự: “Lúc đầu, bố mẹ khá buồn và lo lắng vì không ai muốn con mình học hành ở Hà Nội xong lại quay về quê làm. Nhưng mình rất quyết tâm với công việc này và mong muốn phát triển nó theo một hướng đi mới, vừa xây dựng thương hiệu, vừa khẳng định bản thân. Vì thế, mình đã kiên trì thuyết phục bố mẹ”. Ngoài ra, anh cũng cho biết thời gian đầu về quê, anh phải vừa học, vừa thực hành, cũng gặp không ít lần thất bại vì cây mắc bệnh nhiều nhưng may mắn là đã khắc phục được thành công.

 Vợ chồng anh Khoa chụp ảnh tại vườn nhà. (Ảnh: NVCC)

Sau khoảng 7 năm kể từ khi anh quyết định “bỏ phố về quê”, anh Khoa đã xây dựng được một cuộc sống ổn định. “Cuộc sống ở quê rất thoải mái, yên bình. Mình được ở gần người thân mà không phải lo nghĩ quá nhiều về cơm áo gạo tiền. Đồ ăn, thức uống chủ yếu là tự cung, tự cấp nên vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa tiết kiệm được chi phí sinh hoạt. Đấy là môi trường sống mà mình luôn hướng đến” - anh Khoa bày tỏ. Ngoài ra, anh cũng chia sẻ thêm được sống trong chính ngôi nhà của mình là niềm hạnh phúc lớn lao, không còn cảm giác bấp bênh khi phải thuê trọ như trước đây.

Vòng lặp luẩn quẩn “bỏ phố về quê, rời quê lên phố”

Khác với anh Khoa, chị Trịnh Như Thảo (26 tuổi, quê Nam Định) đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những năm đầu của cuộc sống tự lập. Ra trường với bằng tốt nghiệp cử nhân kế toán của Học viện Tài chính, chị Thảo bất ngờ rẽ hướng sang lĩnh vực marketing cho một công ty thời trang tại Hà Nội. Vì kiếm tiền khá sớm nên ngay từ năm đầu sau khi ra trường, chị Thảo đã có thu nhập hơn 10 triệu đồng. 

Chị cho biết bản thân rất thích môi trường sống tại Hà Nội, tuy nhiên năm 2019 vì dịch bệnh nên chị phải về quê sinh sống và làm việc. Chị Thảo chia sẻ: “Năm đó dịch Covid bùng phát, công ty mình làm phải cắt giảm nhân sự do kinh tế gặp khó khăn. Mình cũng cố gắng ở lại thêm 1 - 2 tuần để tìm công việc mới nhưng không tìm được nên đành phải về quê”.

Dù thử sức với công việc kế toán gần một năm ở quê, thế nhưng chị Thảo đã phải “rời quê lên phố” vì nhận thấy bản thân không thực sự phù hợp với cuộc sống nơi đây: “Về quê thì mình được sống gần gia đình hơn nhưng mình thấy bản thân bị gò bó, không có nhiều cơ hội để phát triển. Mình đang quen với môi trường năng động ở Hà Nội nên là lúc đầu về, thấy hơi ngợp”. 

Chia sẻ thêm về khó khăn giai đoạn này, chị cho biết thu nhập công việc không cao, cuộc sống buồn tẻ và nhàm chán khi 10 giờ tối đã đi ngủ. Bản thấy cảm thấy chán nản bởi không có động lực để phát triển. 

Chị Thảo trong chuyến đi công tác làm việc. (Ảnh: NVCC) 

Hiện tại, sau năm năm trở lại Hà Nội, cuộc sống của chị đã thoải mái và đầy đủ hơn. Chị Thảo bày tỏ: “Bây giờ ngoài làm cho công ty ra thì mình còn kinh doanh quần áo riêng nữa nên thu nhập khá hơn nhiều”. Ngoài ra chị cũng chia sẻ đang ấp ủ dự định mua nhà để yên tâm ổn định cuộc sống hơn.

Dù phải về quê với lí do khách quan, thế nhưng chị Thảo cho rằng đó là một trải nghiệm quý giá: “Nhờ trải qua thời gian sống ở quê, mình mới hiểu rõ mình thực sự hợp với môi trường nào. Giờ mình rất trân trọng cuộc sống ở Hà Nội” - chị Thảo bày tỏ. 

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP.HCM, khoảng 20% lao động tại thành phố này đã quyết định quay về quê vào năm 2022, chủ yếu do chi phí sinh hoạt cao và áp lực đô thị. Tại Hà Nội, mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng trong nửa đầu năm nay, nhu cầu tìm mua đất ở các khu vực ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức đã tăng từ 4% đến 24% so với cuối năm 2023, phản ánh phần nào sự thay đổi trong xu hướng sống của người dân.

Ngọc Anh - MĐT CLC K42

Phản hồi