Danh mục Thứ Ba, 07/01/2025

Tiêu điểm \

Vỡ mộng trả góp mua nhà

20:41 02-01-2025
Rao bán khắp nơi ngôi nhà đất, chị Dung tiếc nuối nhưng cũng “đành” vì tình hình khó khăn, thu nhập giảm, lãi suất tăng cao, không thể tiếp tục gồng gánh.

Lao tâm khổ tứ vì giấc mộng an cư

Ba mươi lăm tuổi, tài sản lớn nhất của chị Dung là ngôi nhà mặt đất ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau khi xây được ngôi nhà cấp bốn ở quê cho bố mẹ an dưỡng tuổi già, chị quyết định mua trả góp cho mình một căn nhà ở Hà Nội. Căn nhà bốn tầng giá 5 tỷ, chị trả trước 3,5 tỷ, số còn lại vay ngân hàng, lãi suất 6%/ năm, trả trong 25 năm.

 Căn nhà đất mà chị Dung dành hết tiền để mua trả góp. (Ảnh: Thủy Tiên)

Thời gian đầu làm ăn dư dả, một tháng thu nhập của chị là 45 triệu/tháng, chi tiêu của hai mẹ con nhiều nhất chỉ 15 triệu/tháng nên chị nhẩm tính có thể trả đủ trong thời hạn. “Có được căn nhà ở Hà Nội là ước mơ của mình, vì an cư mới lạc nghiệp được. Mình chưa từng mua chỉ vàng hay có một cuốn sổ tiết kiệm nào. Tất cả tiền bạc đều dành hết để mua nhà” - chị Dung bày tỏ.

Hai năm đầu, theo chính sách của ngân hàng chị vay, được hỗ trợ lãi suất, cuộc sống không có nhiều áp lực. Tuy nhiên, sau đấy lãi suất ngân hàng thả nổi lên đến 10%/ năm, vị chi 20 triệu đồng/tháng khiến chị phải “đau đầu” xoay sở. Áp lực nhân đôi khi chị là người mẹ đơn thân, một mình nuôi con mà không có ai hỗ trợ. Tiền ăn, tiền học, chi phí sinh hoạt, khám bệnh,... một lúc đổ dồn lên đôi vai chị.

Cùng lúc đó, việc buôn bán của chị gặp khó khăn. Thu nhập hằng tháng chỉ còn 30 triệu đồng/tháng, đành cắt giảm chi tiêu trong gia đình. “Mình phải vay chỗ nọ đắp chỗ kia. Một tháng làm không dư mà còn phải nợ. Cứ nghĩ nợ mãi như thế này thì không ổn, mình tính đến việc bán nhà”. 

Năm nay con chị bước vào cấp trung học, mọi chi phí cho con đều tăng lên nhưng chị “không đành” phải cắt bớt. Cắt từ những bữa ăn hàng quán đến phương tiện học tập của con. “Bé đến lúc cần laptop để học nhưng mình lại không đủ tiền để mua, nghĩ lại thấy thương”. 

Ngoài kinh doanh ở cửa hàng, chị Dung hằng đêm vẫn tranh thủ nấu các món ăn vặt để bán online nhằm kiếm thêm thu nhập để trụ được đến lúc bán nhà. Dành phần lớn thời gian để kiếm tiền, thời gian chăm sóc con cái ắt ít đi. Nhưng chị vẫn luôn động viên con, hai mẹ con dựa vào nhau để vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Thời buổi kinh tế gặp nhiều biến động, đặc biệt sau dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang chịu những “cú đánh bồi”. Người làm công ty thì bị cắt giảm nhân sự, người kinh doanh thì gặp trắc trở, dẫn đến thu nhập bấp bênh, người người mua nhà trả góp cũng lao đao trước cơn sóng này. Chị Vũ Thu Ngân (32 tuổi) không phải trường hợp ngoại lệ.

Chị mua trả góp một căn chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, vay một nửa, trả trước một nửa. Không may sau đó, đại dịch Covid-19 ập tới, khiến chị không xoay sở kịp. “Hai cửa hàng thời trang của mình ế ẩm, không có đồng vào nhưng hằng tháng vẫn phải gồng mình trả lãi. Mình sợ không trả nổi sẽ bị ngân hàng thanh lý nên bán tháo gấp”. 

Giờ đây, chị ra ngoài thuê trọ với hai bàn tay trắng. Tiền mất sạch vì phải trả nợ cho ngân hàng. Một tháng 12 triệu, cộng thêm chi phí sinh hoạt, chị chán chường “không biết đến bao giờ mới thoát cảnh nhà thuê”. “Ở nhà của mình bao giờ cũng ổn định, thích cái gì mua cái đó, muốn trang trí cái gì cũng không phải đắn đo. Giờ ở nhà thuê, mình vẫn có cảm giác tạm bợ”.  Không chỉ không có ngôi nhà như dự định mà bây giờ chị phải làm lại từ đầu. Giấc mộng có ngôi nhà cho riêng mình trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Giải pháp tối ưu cho người lao động

Theo Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, mua nhà trả góp gần như là lựa chọn bắt buộc đối với người lao động mong muốn sở hữu nhà ở thành phố. Những người này thường là lao động trẻ, thu nhập không cao, trong khi việc mua nhà lại là một khoản chi tiêu rất lớn.

Tình hình lãi suất cho vay gần đây đã có dấu hiệu giảm nhẹ, nhiều ngân hàng đã cho phép hộ gia đình vay vốn mới để trả nợ tại các ngân hàng khác. Phó Giáo sư Đinh Trọng Thịnh cho rằng đây là một lựa chọn hợp lý cho những ai đang gặp khó khăn tài chính. "Các gia đình có thể tìm đến khoản vay với lãi suất thấp hơn để trả nợ cho các khoản vay lãi cao" ông đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng nhấn mạnh rằng việc vay mượn từ người thân vẫn là giải pháp tốt nhất. Nếu phải vay ngân hàng, người mua nhà cần tính toán cẩn thận, vì lãi suất ưu đãi thường chỉ áp dụng trong giai đoạn đầu để thu hút khách hàng. Khi hết giai đoạn này, lãi suất sẽ "thả nổi" theo quy định của từng ngân hàng, khiến nhiều người rơi vào tình trạng lao đao vì không lường trước được chi phí phát sinh.

Một khu đô thị ở Bắc Từ Liêm. (Ảnh: Thủy Tiên) 

Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC), ông Nguyễn Quốc Bảo, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông khuyến nghị những người lao động làm công ăn lương, nếu đang có ý định mua nhà trả góp, nên cân nhắc chọn nhà ở xã hội gần nơi làm việc để tận dụng chính sách ưu đãi giá và lãi suất. Nếu chưa có cơ hội mua ngay, nên tích lũy tiền gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào các quỹ uy tín.

"Việc thuê nhà gần nơi làm việc hiện nay vẫn hiệu quả hơn, khi chi phí thuê chỉ khoảng 0,5% giá trị căn nhà mỗi tháng," ông Bảo nhận định. Trong thời gian này, người lao động có thể tiếp tục tiết kiệm để sau này mua nhà ở vùng ven hoặc ngoại ô, nơi giá bất động sản vẫn tăng trưởng ổn định theo thời gian mà không phải chịu áp lực trả lãi suất và nợ gốc hàng tháng.

An cư là giấc mơ cả đời của người lao động. Song hành trình đó lại chật vật và khó khăn, nhất là an cư ở thành phố lớn. Vòng xoáy an cư, lạc nghiệp, bao giờ mới dừng lại?

Thủy Tiên - MĐT CLC K42

Phản hồi