Danh mục Thứ Bảy, 04/01/2025

Tiêu điểm \

Mạng xã hội - "Mê cung số" phía sau màn hình

16:08 01-01-2025
5-7 giờ mỗi ngày là thời gian trẻ em Việt Nam dành cho việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội, trong khi chỉ có 36% được dạy về đảm bảo an toàn trên không gian mạng theo khảo sát của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội năm 2022. Sự chênh lệch đặt ra dấu hỏi lớn về tình trạng sử dụng mạng xã hội ở lứa tuổi thanh thiếu niên trong thời đại số ở nước ta.

Muôn vàn tiện ích trong một cú nhấp chuột

Sự bùng nổ công nghệ, đặc biệt là thiết bị di động và Internet đã đưa mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của thanh thiếu niên. Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF năm 2022 công bố, có đến 82% trẻ em Việt Nam từ 12 – 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14 - 15. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5 - 7 giờ mỗi ngày. 

Ảnh minh họa các nền tảng mạng xã hội. (Nguồn: Internet)

Ở phương diện tích cực, mạng xã hội được sử dụng rộng rãi mang đến cơ hội lớn để trẻ em học hỏi và phát triển. Với khả năng tiếp cận nguồn thông tin phong phú và đa dạng, các em không chỉ được mở rộng kiến thức vượt ra khỏi giới hạn về lãnh thổ, văn hóa, mà còn có cơ hội tham gia vào các cộng đồng học tập trực tuyến, nơi khuyến khích sự tương tác và chia sẻ. Mạng xã hội đồng thời thúc đẩy khả năng sáng tạo thông qua các công cụ và nền tảng kỹ thuật số, giúp trẻ phát triển kỹ năng quan trọng cho tương lai, như tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và làm việc nhóm từ xa. Hơn thế nữa, mạng xã hội cũng cung cấp nhiều cơ hội cho thanh thiếu niên khám phá thông tin mới, thúc đẩy quá trình xã hội hóa lành mạnh, giúp các em tham gia vào các vấn đề và được lắng nghe tiếng nói của mình. Các em có cơ hội thực hiện một nhiệm quan trọng của tuổi vị thành niên là khám phá bản sắc cá nhân của mình. Tuy nhiên, những lợi ích đó chỉ đạt được khi trẻ có kỹ năng an toàn trên môi trường số và dành lượng thời gian hợp lý cho môi trường Internet. 

Môi trường ảo - Nguy cơ thật

Bên cạnh lợi ích, mạng xã hội đặt ra thách thức về an toàn ở trẻ. Tính riêng tháng 12/2024, cả nước ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em gặp tai nạn thương tích do học theo mạng xã hội tự chế pháo ở TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Sóc Trăng,... Các trào lưu nguy hiểm như “bắt pen”, “hít dầu gió,... với sự tham gia của nhiều trẻ em hồi tháng 10 hay chỉ trong năm 2023 và quý I/2024, hơn 400 vụ việc lợi dụng mạng xã hội tiến hành hành vi xâm hại tình dục trẻ hơn theo số liệu của Bộ Công an,... cho thấy sự nguy hiểm của mạng xã hội với thanh thiếu niên.

Nhiều thanh thiếu niên tham gia trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội. (Nguồn: Internet) 

Mạng ảo nhưng nguy cơ là thật! “Sự ẩn danh" và "mất kiểm soát thời gian" trên không gian mạng tạo ra cảm giác an toàn giả tạo, dẫn đến tình trạng trẻ dần mất kết nối với thực tại. Trong trạng thái này, các em dễ thực hiện những hành vi rủi ro mà bình thường có thể không xảy ra, chẳng hạn như chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm, tham gia vào các thử thách nguy hiểm trên mạng, hoặc tiếp cận nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng ngay lập tức mà còn để lại hậu quả lâu dài cho sự phát triển tâm lý, xã hội và nhận thức của trẻ trong tương lai.

Hơn nữa, mạng xã hội được thiết kế để giữ chân người dùng thông qua thuật toán cá nhân hóa nội dung, cơ chế phần thưởng từ lượt thích, bình luận, cùng tính năng “lướt” vô tận, khiến trẻ khó kiểm soát thời gian sử dụng. Khi đó, trẻ dễ bị giảm khả năng tập trung do não bộ quen với các kích thích liên tục, ngắn hạn, ảnh hưởng đến việc học tập. Đồng thời, thời gian dài ngồi trước màn hình chiếm chỗ các hoạt động thể chất quan trọng, hạn chế cơ hội phát triển sức khỏe toàn diện và khả năng giao tiếp trực tiếp.

 Muôn vàn cái "bẫy" được giăng sẵn trong mê cung mạng xã hội, giới trẻ có thể bị mắc vào bất cứ lúc nào. (Ảnh minh họa)

Nghiêm trọng hơn, thanh thiếu niên có thể tiếp xúc với thông tin sai lệch, ngôn từ kích động hoặc nội dung thúc đẩy hành vi nguy hiểm như ăn uống không điều độ, tự làm hại bản thân. Điều này có thể xuất phát từ việc các em so sánh bản thân với các hình ảnh được lý tưởng hóa trên mạng xã hội gây ra sự tự ti và áp lực tâm lý, về lâu dài sẽ niềm tin không lành mạnh về bản thân như “Tôi không đủ tốt”, “Tôi thiếu kỹ năng”,... khiến mức độ hài lòng suy giảm và các triệu chứng lo âu, trầm cảm tăng lên đáng kể.

Cần “la bàn” cho “mê cung số”

Mạng xã hội như một “mê cung” có thể đưa trẻ vị thành niên đến những vùng đất mới nhưng cũng có thể khiến trẻ lạc lối và mất phương hướng. Và chiếc “la bàn” để trẻ sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn đến từ ý thức của chính các em và sự quan tâm, định hướng của gia đình, nhà trường và xã hội.

Ở cấp độ xã hội, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ của mạng xã hội. Cụ thể, Thống đốc bang Florida, Mỹ tháng 3/2024 đã ký ban hành lệnh cấm trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng mạng xã hội. Trung Quốc hồi tháng 8-2023 đã ra quy định không cho phép người dưới 18 tuổi truy cập mạng Internet bằng thiết bị di động từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Tại Việt Nam, theo Nghị định 147, từ 25.12.2024, trẻ em (dưới 16 tuổi) muốn sử dụng mạng xã hội cần đăng ký tài khoản bằng thông tin của cha mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ. Cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Đây được coi là biện pháp quan trọng, cần thiết để bảo vệ thanh thiếu niên trên môi trường số

Bên cạnh biện pháp về kỹ thuật, hành chính, luôn cần sự đồng hành từ nhà trường và gia đình để đạt được hiệu quả bền vững trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ từ mạng xã hội. Các nội dung về kỹ năng an toàn và hiểu biết kỹ thuật số nên được đưa vào giảng dạy trong khung chương trình chung của nhà trường nhằm giúp các em có kỹ năng ứng phó lành mạnh, tối đa hóa cơ hội sử dụng mạng xã hội cân bằng, an toàn và ý nghĩa.

Song song với nỗ lực của nhà trường, thanh thiếu niên cần có sự đồng hành của cha mẹ trong việc đặt ra các giới hạn khi sử dụng mạng xã hội, kết hợp với thảo luận, hướng dẫn để trẻ có hiểu biết về nền tảng và kỹ năng an toàn khi sử dụng chúng. Thay vì hạn chế quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội mang tính trừng phạt, cha mẹ nên tập trung vào việc khuyến khích trẻ dành thời gian cho các hoạt động khác trong thực tế mà các em thấy yêu thích và có giá trị như thể thao, vận động hoặc nghệ thuật..

Ý thức tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội của trẻ cùng sự đồng hành của gia đình, nhà trường và xã hội chính là chiếc “la bàn” hữu hiệu giúp bảo vệ thanh thiếu niên trước những rủi ro trong “mê cung số”, từ đó xây dựng thế hệ công dân số thông minh, có trách nhiệm và phát triển toàn diện trong thời đại công nghệ.

Lê Linh Phương

Phản hồi