Danh mục Thứ Bảy, 04/01/2025
Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0
Cuộc sống luôn đầy ắp âm thanh, nhưng có những âm thanh không cần lời, chỉ cần sự hiện diện của nghị lực. Với cộng đồng người khiếm thính, hành trình tìm kiếm công việc là hành trình của sự kiên cường và khát khao thể hiện bản thân. Mỗi bước đi, mỗi nỗ lực đều là lời khẳng định giá trị, không phải bằng lời nói, mà qua những hành động đầy mạnh mẽ và ý nghĩa. flow-ee, với sứ mệnh hỗ trợ những người khiếm thính tìm kiếm cơ hội việc làm, đã trở thành nhịp cầu nối giúp họ vươn lên, khẳng định vị trí trong xã hội.

 

Mô hình quán cafe đặc biệt

Ẩn mình giữa nhịp sống hối hả của thành phố, quán cà phê flow-ee tại số 7 Thể Giao (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mang đến cho khách hàng một không gian ấm cúng, nhẹ nhàng. Tên gọi "flow-ee" không chỉ đơn giản là một từ ngẫu nhiên, mà là sự kết hợp giữa "flow" (dòng chảy) và "ee" (phái sinh từ tổ chức We-edit) không viết hoa - tượng trưng cho một không gian nơi mọi người có thể giao tiếp và kết nối một cách tự do và bình đẳng, không có sự phân biệt. Đây không chỉ là nơi dừng chân cho những ai yêu thích sự yên bình mà còn là mô hình giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Mở cửa từ hơn một năm trước, flow-ee nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng không chỉ bởi cách phục vụ tận tình, mà còn bởi câu chuyện đầy cảm xúc đằng sau. Khách hàng khi bước vào vẫn sẽ nghe thấy giai điệu nhạc nhẹ bao trùm cả không gian ấm áp. Ở đây, không có tiếng gọi món ồn ào hay vội vã, thay vào đó khách hàng sẽ chọn đồ uống qua menu rồi ghi lại tên món vào giấy note, chỉ vào tên món hoặc dùng ngôn ngữ ký hiệu. Từng thao tác đơn giản ấy trở thành cầu nối giao tiếp giữa hai thế giới tưởng như khác biệt.

Anh Ngô Quốc Hào và chị Hoàng Thị Thu Thuỷ (người sáng lập quán cafe flow-ee), đã cùng nhau xây dựng quán với mong muốn tạo ra một không gian để cộng đồng người điếc có thể tự tin làm việc và giao tiếp. Chị Thuỷ đã chia sẻ: “Khi mà chúng mình mở quán cà phê này, thứ nhất là muốn tạo công ăn việc làm cho nhóm người khuyết tật, thứ hai là cũng muốn để cho nhóm người khuyết tật họ có cơ hội để họ thể hiện năng lực của mình, cũng như là chia sẻ và giúp cho mọi người hiểu hơn về văn hóa của người khuyết tật, và cụ thể ở đây là người điếc.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0
“Flower” cũng thể hiện là các bạn nhân viên ở quán flow-ee, chúng mình gọi các bạn là bông hoa, bởi vì nón người tiếp thì các bạn không phát ra âm thanh, mà các bạn sẽ thể hiện cái vẻ đẹp của mình. Khi mà người khác nhìn vào thì cũng giống như bông hoa, sẽ tỏa hương, và khi mà mọi người tiếp xúc với các bạn nhân viên cũng sẽ thấy cái năng lượng của các bạn.”
Không chỉ dừng lại ở mô hình cà phê thông thường, flow-ee còn là nơi lan tỏa ngôn ngữ ký hiệu và những hoạt động cộng đồng ý nghĩa. Vào mỗi tối thứ Tư hàng tuần, quán tổ chức các workshop miễn phí để dạy ngôn ngữ ký hiệu hoặc những chủ đề xoay quanh các dịp lễ lớn. Gần đây, quán đã tổ chức hai buổi workshop làm cây thông Noel từ kẽm nhung – một hoạt động đơn giản nhưng mang lại niềm vui và sự kết nối cho đông đảo bạn trẻ tham gia.
Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Từ không gian yên tĩnh, cách phục vụ đặc biệt cho đến những hoạt động giàu ý nghĩa, flow-ee không chỉ là quán cà phê, mà còn là cánh cửa mở ra một thế giới im lặng. Ở đó, mọi khác biệt được trân trọng, và mọi cuộc giao tiếp đều được lắng nghe bằng cả tấm lòng.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

"Chúng minh là người điếc, không phải người khiếm thính.”

Anh Vũ Thế Dương, nhân viên trẻ tuổi nhất trong số năm người điếc làm việc tại flow-ee, đã gắn bó với quán từ những ngày đầu tiên. Hiện nay, Dương là một trong hai trưởng ca của quán, đảm nhận nhiều công việc quan trọng từ pha chế, thu ngân đến phục vụ. Tuy còn trẻ nhưng Dương đã thể hiện sự tự tin vượt qua những thử thách, khẳng định được giá trị và năng lực của bản thân tại một môi trường làm việc đặc biệt.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0
Chia sẻ về công việc của mình, Dương không hề cảm thấy khó khăn khi giao tiếp với khách hàng: "Mình không gặp khó khăn gì khi giao tiếp với khách hàng. Mình không e sợ, thấy rất vui. Cảm giác thật tuyệt khi khách hàng viết note hoặc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp, vì cả hai bên đều có thể hiểu nhau hơn." Đối với Dương, việc giao tiếp bằng ký hiệu không chỉ là một phương thức giúp anh thể hiện mình mà còn là một cách để xây dựng những mối quan hệ chân thành và gắn kết với mọi người.
Khoảnh khắc đầu tiên Dương cảm nhận được sự đặc biệt của công việc này là khi anh nhận được lời cảm ơn từ một khách hàng qua ngôn ngữ ký hiệu. Anh nhớ lại: "Đó là lần đầu tiên, khi mình giao tiếp thành công với khách hàng, nhận được sự cảm ơn qua một cái vẫy tay hoặc một động tác ký hiệu đơn giản. Mặc dù không nói chuyện bằng miệng, nhưng mình cảm thấy mình và khách hàng đang ở trong cùng một không gian, chia sẻ cùng một cảm xúc. Đó là điều mình cảm thấy rất tự hào."
Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Thông qua ngôn ngữ ký hiệu, Dương không chỉ tìm thấy cách giao tiếp hiệu quả mà còn nhận ra tầm quan trọng của việc thay đổi cách mọi người nhìn nhận về cộng đồng người điếc. "Chúng mình là người điếc, không phải người khiếm thính" Dương khẳng định. "Khiếm thính" theo từ điển Hán Việt có 2 nghĩa. Một là "mất khả năng nghe", nghĩa thứ hai là "thiếu khả năng nghe". Khi chúng ta gọi họ là "thiếu khả năng nghe" đồng thời cũng có nghĩa là chúng ta tự cho mình - "người nghe được" là người có đầy đủ khả năng hơn họ.  

"Chúng mình không thiếu thốn gì cả, chỉ cần tạo ra không gian mà chúng mình có thể giao tiếp bình đẳng như những người khác." Anh không cảm thấy khó chịu khi bị gọi là người điếc, trái lại, anh tự hào vì danh xưng này thể hiện sự tự lập và mạnh mẽ của cộng đồng người điếc. Đó là một phần trong bản sắc của Dương và các đồng nghiệp tại flow-ee.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Ngoài vai trò là trưởng ca và nhân viên tại quán, Dương còn là người đứng lớp trong các buổi workshop ngôn ngữ ký hiệu diễn ra vào mỗi tối thứ Tư hàng tuần. Anh chia sẻ: "Khi mình dạy ngôn ngữ ký hiệu cho những người mới bắt đầu, mình cảm thấy rất hạnh phúc. Mình muốn chia sẻ với họ rằng ngôn ngữ ký hiệu không phải là một công cụ chỉ dành riêng cho người điếc mà nó còn là cầu nối giúp mọi người hiểu nhau hơn." Trong các buổi workshop này, Dương không chỉ giảng dạy những từ ngữ cơ bản mà còn chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống của người điếc, những khó khăn và những niềm vui mà họ trải qua.

"Buổi workshop là một không gian tuyệt vời để học hỏi và kết nối." Dương nói. "Được dạy ngôn ngữ ký hiệu cho những người không điếc, mình cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng của họ dành cho cộng đồng người điếc. Những khoảnh khắc khi mọi người cùng học và cùng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp là những ký ức đáng quý." Cả Dương và những người tham gia workshop đều cảm thấy hạnh phúc khi thấy mọi người dần dần vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, kết nối với nhau một cách chân thành và đầy ý nghĩa.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Trong quán, không có sự phân biệt, không có sự kỳ thị. Tại flow-ee, những khác biệt không chỉ được chấp nhận mà còn được tôn trọng và nâng niu. Dương chia sẻ rằng, qua việc làm việc tại quán cà phê này, anh cảm thấy mình như được sống trong một cộng đồng đặc biệt, nơi mọi người đều có thể bộc lộ bản thân mà không cần phải lo lắng về việc bị đánh giá hay phân biệt. "Mỗi ngày làm việc ở đây là một ngày mình học hỏi thêm về chính bản thân và về những người xung quanh. Chúng mình vẫn là những con người bình thường với những ước mơ và hoài bão riêng."

Dương cảm thấy tự hào và vui mừng khi được là một phần trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về người điếc, đặc biệt là khi anh và các đồng nghiệp tại flow-ee đã góp phần xây dựng một mô hình cà phê giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu, nơi mà những khác biệt giữa người điếc và người không điếc không còn là vấn đề. "Cảm giác khi nhận được sự hiểu biết từ khách hàng qua những cử chỉ đơn giản, như một cái vẫy tay, là điều tuyệt vời. Nó không chỉ là lời cảm ơn mà còn là sự công nhận về sự nỗ lực của chúng mình ." Dương chia sẻ.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Trải nghiệm mới nhưng không khó khăn

Khi đặt chân đến flow-ee, khách hàng không chỉ bước vào một quán cà phê mà còn khám phá một không gian giao tiếp độc đáo, nơi mọi tương tác đều mang lại cảm giác gần gũi và mới mẻ. Nhiều người đến quán, lần đầu tiên nhìn thấy nhân viên sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp, nhưng không có ai cảm thấy bất tiện hay khó chịu. Thậm chí, họ còn thấy sự tương tác này khá thú vị và tự nhiên. Đơn giản chỉ là gọi đồ uống bằng cách ghi ra giấy, nhưng dần dần họ nhận ra rằng, đây không chỉ là phương thức giao tiếp, mà là một cách để kết nối, để hiểu nhau sâu sắc hơn.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Bạn Nguyễn Minh Ngọc (khách hàng lần đầu tiên đến quán) chia sẻ: "Mình tìm thấy quán qua mạng xã hội, thấy việc gọi đồ ra giấy là bình thường, không bất tiện hay khó chịu một chút nào cả. Không gian ấm cúng, các bạn nhân viên thân thiện." Đó cũng là cảm giác của nhiều người khi lần đầu đến flow-ee – mọi thứ diễn ra thật tự nhiên, không có gì kỳ lạ hay khó hiểu. Ngay khi bước vào, họ đã cảm nhận được sự thoải mái và ấm áp từ không gian quán đến cách giao tiếp của các nhân viên. Những người đến đây không chỉ đến để thưởng thức cà phê, mà còn đến để cảm nhận sự đặc biệt trong mỗi câu chuyện, trong mỗi động tác ký hiệu.

Tuy nhiên, đối với nhiều khách hàng, việc nhận ra rằng ngôn ngữ ký hiệu không chỉ là một công cụ giao tiếp mà còn là một cách để lắng nghe bằng tâm hồn, là một trải nghiệm đặc biệt và đầy cảm xúc. Bạn Nguyễn Phương Linh chia sẻ: "Mình rất là thích giao tiếp và nói chuyện với mọi người. Khi gặp những người bị khiếm khuyết một khả năng nào đấy, thì mình thật sự là cảm thấy rất là tiếc. Và mình muốn học thêm ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp được cả với họ nữa. Hôm nay là lần đầu tiên mình sẽ tham gia workshop và mình rất là háo hức và mong chờ không biết là workshop sẽ diễn ra như thế nào." Đối với khách hàng này, việc học ngôn ngữ ký hiệu không chỉ đơn giản là một sự học hỏi, mà còn là một cách để kết nối với cộng đồng người điếc, để hiểu và đồng cảm với họ hơn.

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Bất ngờ và cảm động là cảm giác mà nhiều khách hàng cảm nhận được sau khi tham gia các buổi workshop ngôn ngữ ký hiệu tại flow-ee. Đó là không chỉ là cơ hội để học một ngôn ngữ mới, mà còn là cơ hội để thay đổi cách nhìn nhận về người điếc và về ngôn ngữ ký hiệu. Chị Đỗ Anh Thư (một khách hàng quen của quán) chia sẻ: "Mình tới flow-ee lần này là khoảng lần thứ 10. Mình nghĩ thì bất kỳ ai khi bắt đầu đến quán thì mình cũng sẽ thấy rằng cái không gian ở đây rất dễ chịu và ấm cúng. Nhưng mà điều đó không đủ, bởi vì cái thứ giữ chân mình ở lại nhiều nhất chính là các bạn nhân viên và cái văn hóa của quán. Cách họ đối xử với cảm giác rất là dễ thương và mọi người rất hòa thuận với nhau." Chính sự thân thiện, cởi mở của nhân viên cùng với văn hóa quán cà phê đã tạo ra một không gian thân thiết, nơi mà sự giao tiếp không chỉ diễn ra bằng lời nói mà còn bằng sự chân thành, bằng những cử chỉ ngọt ngào, ấm áp.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Mỗi lần tham gia workshop, các khách hàng không chỉ học được cách giao tiếp qua ngôn ngữ ký hiệu mà còn học được cách cảm nhận sự im lặng, cách lắng nghe qua cử chỉ và ánh mắt. Họ nhận ra rằng, ngôn ngữ ký hiệu không chỉ là cách giao tiếp của người điếc, mà còn là cầu nối tình cảm giữa những người có thể nghe và những người không thể nghe. Nó là một ngôn ngữ của sự thấu hiểu, của tình yêu thương, và của sự đồng cảm.

Cảm giác tò mò và xúc động khi khách nhận ra sự đặc biệt trong giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu chính là một phần làm nên sức hút của flow-ee. Đây không chỉ là một quán cà phê, mà là nơi tạo ra sự kết nối giữa những con người khác biệt, là nơi mỗi cuộc trò chuyện đều có thể diễn ra, dù là bằng âm thanh hay qua những dấu hiệu lặng lẽ.

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Tín hiệu tích cực từ cộng đồng

Quán cà phê flow-ee, nơi mà ngôn ngữ ký hiệu không chỉ là phương thức giao tiếp mà còn là cầu nối thấu hiểu, đã không chỉ thu hút những người trong cộng đồng điếc mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng đến những người ngoài cộng đồng này. Đây là nơi mà khách hàng không chỉ dừng lại ở việc thưởng thức đồ uống, mà còn được tham gia vào hành trình tìm hiểu, giao lưu và kết nối thông qua ngôn ngữ ký hiệu. Đối với họ, đây không chỉ là một cách giao tiếp đơn thuần, mà là một trải nghiệm cảm nhận bằng tâm hồn.

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Khách hàng khi đến flow-ee thường không cảm thấy khó khăn hay bất tiện khi giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Họ coi đó là một phần tự nhiên của không gian quán, nơi mà sự đồng cảm và tôn trọng lẫn nhau trở thành giá trị cốt lõi. Cô Hoàng Thị Quyên, khách hàng quen của quán chia sẻ: "Tôi rất thích không gian ấm cúng của quán và cách mà nhân viên giao tiếp với chúng tôi. Việc giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu là một trải nghiệm mới mẻ và tôi cảm thấy rất hào hứng, sẵn sàng học thêm về nó." Việc ghi chú ra giấy hoặc sử dụng ký hiệu để giao tiếp trở nên bình thường, không còn là sự khác biệt, mà là một cách thức dễ dàng để trao đổi thông tin và tạo ra sự kết nối sâu sắc hơn.

Một trong những điểm đặc biệt làm nên sự thành công của flow-ee chính là các buổi workshop ngôn ngữ ký hiệu hàng tuần. Đây là dịp để không chỉ khách hàng mà cả cộng đồng có cơ hội học hỏi, chia sẻ và thực hành ngôn ngữ ký hiệu, qua đó mở rộng mối quan hệ với cộng đồng người điếc. Các khách hàng tham gia đều cảm thấy hào hứng, cùng một suy nghĩ: “Mình muốn học thêm ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với các bạn điếc, giúp mình hiểu họ hơn."

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Bên cạnh đó, flow-ee còn có ảnh hưởng sâu rộng đến các dự án xã hội khác. Một trong những thành công đáng chú ý đó là dự án truyền thông về ngôn ngữ ký hiệu “Mở khoá lặng im”, “Kết nối ngôn ngữ”, podcast “Cánh cửa việc làm dành cho người khiếm thính”,... của các nhóm sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

Quán cà phê cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tổ chức và giải thưởng xã hội lớn, trong đó có Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize. Đây là sự công nhận cho những đóng góp của flow-ee trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng và tạo ra không gian giao tiếp hòa nhập. Điều này không chỉ khẳng định vai trò của quán trong việc lan tỏa ngôn ngữ ký hiệu mà còn mở ra cơ hội để nhân rộng mô hình này ra toàn xã hội.

 

Tiếng nói của sự im lặng: Chuyện đời, chuyện người ở quán cafe ký hiệu -0

Với những thành công đã đạt được, flow-ee đang đứng trước cơ hội lớn để nhân rộng mô hình quán cà phê ký hiệu này. Mô hình này không chỉ đơn thuần là việc mở rộng không gian, mà còn là cách tiếp cận và áp dụng ngôn ngữ ký hiệu vào trong đời sống xã hội một cách tự nhiên, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận và tham gia vào cộng đồng. Các tổ chức, quán cà phê, và các dự án xã hội khác có thể học hỏi từ flow-ee để mở rộng không gian giao tiếp và kết nối mọi người.

Quán cà phê ký hiệu có thể hợp tác với các tổ chức xã hội, tổ chức sự kiện lớn hơn để lan tỏa thông điệp hòa nhập và sẻ chia. Việc tổ chức các buổi học ngôn ngữ ký hiệu, như tại flow-ee, sẽ không chỉ giúp mọi người hiểu và giao tiếp tốt hơn mà còn tạo ra một cộng đồng đồng cảm, thấu hiểu. Mô hình này có thể được áp dụng rộng rãi, từ các quán cà phê đến các tổ chức văn hóa và giáo dục, mang lại những giá trị cộng đồng bền vững và đầy ý nghĩa.

Nội dung, video: Kiều Trang

Hình ảnh: Nguyễn Hạnh