Danh mục Chủ Nhật, 05/01/2025

Tiêu điểm \

Sơn mài khảm trai Bối Khê - Cái nôi của nghệ thuật sơn mài truyền thống

22:59 29-12-2024
Người ta thường ví sơn mài là “quốc hồn quốc túy” của nền nghệ thuật Việt Nam. Khi nhắc đến nghề chế tác tranh sơn mài khảm trai không thể không nhắc đến cái nôi sinh ra nghề khảm trai, đó là làng nghề Bối Khê (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội).

Nét đẹp truyền thống "khó chiều" của nền nghệ thuật Việt Nam

Nghệ thuật sơn mài - khảm trai yêu cầu độ chính xác trong từng chi tiết. (Ảnh: Minh Trang) 

Sơn mài và khảm trai là hai nghề mỹ thuật truyền thống đã tồn tại lâu đời, hình thành từ chất liệu sơn ta đặc biệt chỉ có tại Việt Nam. Tranh sơn mài khảm trai là một trong những chất liệu tranh sơn mài truyền thống của nước ta, nổi bật với sự kết hợp giữa sơn mài và kỹ thuật khảm trai. 

 Sơn mài là kỹ thuật sử dụng lớp sơn mài để tạo ra bề mặt sáng bóng. Quá trình này bao gồm nhiều lớp sơn và mài nhẵn, tạo ra độ sâu và bề mặt bóng mượt cho sản phẩm cuối cùng. Khảm trai là kỹ thuật gắn những mảnh vỏ trai (hay còn gọi là xà cừ) lên bề mặt của tranh hoặc sản phẩm sơn mài. Những mảnh vỏ trai có ánh sắc độc đáo, tạo ra hiệu ứng phản chiếu ánh sáng lấp lánh, thêm phần sinh động cho sản phẩm. Kỹ thuật khảm trai thường yêu cầu sự tỉ mỉ và chính xác, vì các mảnh trai phải được cắt gọt và đặt vào đúng vị trí để đạt được hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất.

Từ xa xưa, những vật dụng khảm trai chỉ được sử dụng và trang trí phổ biến trong triều đình, các nhà quan dòng dõi quý tộc hoặc các thương gia giàu có. Sau này đến thời kỳ Pháp thuộc, những biến đổi chính trị lúc bấy giờ đã tác động nhiều đến văn hóa nghệ thuật, trong đó có ngành chế tác tranh sơn mài khảm trai, khiến cho ngành khảm trai phát triển hơn, sử dụng nguyên liệu linh hoạt và đa dạng hơn. Những bức hoành phi, câu đối, tôn tượng Phật Thánh cổ xưa còn tồn tại đến ngày hôm nay đã cho ta thấy một sức sống bền bỉ của nghệ thuật sơn mài. 

Bà Vũ Thị Oanh, một người thợ sản xuất sản phẩm sơn mài - khảm trai lâu năm tại làng nghề Bối Khê. (Ảnh: Minh Trang) 

Theo những người thợ lâu năm tại làng Bối Khê, sơn mài là chất liệu “khó tính khó chiều”. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh cần phải trải qua hàng chục bước khác nhau. Bà Vũ Thị Oanh, một người thợ sản xuất sản phẩm sơn mài - khảm trai lâu năm cho biết, các sản phẩm thời xưa đều làm bằng tay và phải trải qua các bước như mộc, hom, lót,... để tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh và công phu nhất. 

Từ sự tỉ mỉ, khéo léo của những người thợ lành nghề, các sản phẩm sơn mài khảm trai tinh xảo đã được ra đời với nhiều hình dạng, mẫu mã khác nhau. Tuy các sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao, nhưng nghề sơn mài khảm trai tại Bối Khê cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của nhiều làng nghề truyền thống.

Sự đấu tranh của những nét đẹp truyền thống trong thời kỳ hiện đại

Bước vào thời kỳ hiện đại, khi thị hiếu của khách hàng dần thay đổi, nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại làng phải loay hoay tìm cách tồn tại. Trước những khó khăn mới, nhiều người thợ thuộc thế hệ trẻ tại làng nghề Bối Khê đã dày công nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để tạo nên những sản phẩm mới dựa trên chất liệu truyền thống.

 Anh Đinh Văn Huy, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm sơn mài - khảm trai tại làng nghề Bối Khê. (Ảnh: Minh Trang)

Theo anh Đinh Văn Huy, hiện nay nhiều mẫu mã sản phẩm biến chuyển theo thời gian. Những sản phẩm không còn phù hợp với nhu cầu của khách hàng đã phải chỉnh sửa để theo kịp thị hiếu ngày nay. Chính vì vậy, anh cùng những người thợ tại Bối Khê cần phải có thật nhiều cảm hứng và đúc kết từ những sản phẩm thời xưa để sản xuất ra các sản phẩm mới lạ hơn.

Họa sĩ Nguyễn Quang Minh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. (Ảnh: Hồng Minh)

Với hình thức đa dạng, mẫu mã đẹp mắt, các sản phẩm sơn mài khảm trai tại làng không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn được nhiều chuyên gia đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ. Theo chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Quang Minh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, sự thay đổi của nghệ thuật phải luôn gắn liền với sự phát triển của xã hội. Ông cho rằng, những giá trị bất biến là nghệ thuật trong dân gian mang giá trị không gì có thể đánh đổi được. Tuy nhiên, để những sản phẩm mỹ nghệ đó đáp ứng được nhu cầu của con người ngày nay, những người thợ thủ công phải mang những giá trị và kiến thức truyền thống vào trong những sản phẩm của cuộc sống hiện đại.

Tiếp lửa cho hành trình giữ gìn nét đẹp truyền thống 

Sinh ra và lớn lên tại Bối Khê, mỗi người con nơi đây đều mang trong mình tình yêu quê hương, yêu nghề. Ngày nay, nhiều người trẻ tại làng vẫn quyết tâm theo nghề sơn mài khảm trai không chỉ với mục đích làm kinh tế, mà còn để tiếp nối và gìn giữ những giá trị truyền thống mà cha ông để lại.

Tình yêu quê hương, yêu nghề chính là ngọn lửa tiếp thêm động lực cho những người thợ trẻ tuổi tại nơi đây. (Ảnh: Hồng Minh)

Anh Đinh Văn Long, một trong những người thợ trẻ tuổi chia sẻ: “Quá trình theo đuổi nghề tuy vất vả, nhưng đã là nghề truyền thống thì phải có trách nhiệm gìn giữ và kế thừa”. Cũng trên tinh thần tiếp nối và phát huy những nét đẹp truyền thống, anh Đinh Văn Huy vẫn chọn nghề sơn mài - khảm trai trong số nhiều ngành nghề ngày nay.

Sự sáng tạo của những người thợ lành nghề đã tiếp nối những giá trị xưa, tạo nên sức sống bền bỉ cho những sản phẩm nơi đây. Những năm gần đây, các sản phẩm của làng nghề Bối Khê dần được nhiều khách hàng ưa chuộng hơn. Đặc biệt, rất nhiều bạn trẻ yêu thích và lựa chọn các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để trang trí và kinh doanh.

 Nhiều bạn trẻ tìm về các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. (Ảnh: Minh Trang)

Anh Phan Thắng, người kinh doanh một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho biết, thấy các mặt hàng sơn mài nhập từ làng Bối Khê bán chạy, anh đã nhiều lần về tận xưởng để xem thêm các mẫu mới.

Sự tỉ mỉ của những người thợ sản xuất sơn mài - khảm trai. (Ảnh: Hồng Minh) 

Anh Đinh Văn Huy cho biết, các sản phẩm mỹ nghệ hiện nay đang rất có triển vọng, không chỉ ở trong nước mà còn trên các thị trường quốc tế lớn như Anh, Anh Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc. Chính vì sự cạnh tranh khốc liệt nên các khâu sản xuất và hoàn thiện sản phẩm cần phải rất tỉ mỉ và cẩn thận.

Các tác phẩm sơn mài - khảm trai ngày nay là minh chứng cho sự tồn tại bền bỉ của những giá trị truyền thống mà cha ông đã để lại. Và chính những người thợ luôn tận tâm với nghề tại làng Bối Khê đã một lần nữa nhen nhóm lên những ngọn lửa cho nền nghệ thuật sơn mài - khảm trai truyền thống, cũng như trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa lâu đời của đất nước ta.

Hồng Minh - Minh Trang

Phản hồi