Đạo diễn Dương Diệu Linh, sinh năm 1990, từng học điện ảnh tại Singapore và đã ra mắt rất nhiều phim ấn tượng như: Mother, Daughter, Dreams, Ngọt, mặn, Chuyện săn giai, Thiên đường gọi tên… Gần đây, bộ phim “Mưa trên cánh bướm” của đạo diễn Dương Diệu Linh đã nhận 2 giải tại Tuần lễ Phê bình phim Quốc tế (Settimana Internazionale della Critica) trong khuôn khổ Liên hoan phim Venice lần thứ 81 bao gồm giải “Bộ phim sáng tạo nhất” (Most Innovative Film) và giải “Phim hay nhất” (IWONDERFULL Grand Prize).
PV: Trong quá trình làm phim ngắn và gần đây nhất là phim “Mưa trên cánh bướm”, theo chị, điều gì làm nên sự khác biệt của thế hệ đạo diễn trẻ so với các thế hệ trước?
Dương Diệu Linh: Tôi là một đạo diễn trẻ nên không so sánh mình với thế hệ đi trước, bản thân tôi nhận thấy thế hệ trẻ hiện nay rất may mắn khi có Internet, đó là công cụ giúp họ tiếp cận nhiều thông tin và kiến thức. Ngày nay, các bạn trẻ sử dụng những chiếc máy quay hiện đại hơn rất nhiều so với trước đây. Khi tôi còn đi học, máy quay rất to, phải dùng băng và chuyển từ băng sang máy tính để dựng phim. Đèn chiếu cũng cồng kềnh và nóng, phải chuyển bằng tay. Giờ đây, mọi người đã chuyển sang sử dụng đèn LED, thậm chí cả đèn nhỏ bằng bàn tay cũng đủ sáng để quay phim.
Năm 2020, tôi hoàn thành một bộ phim và tất cả các cảnh quay đều được thực hiện bằng điện thoại. Điều đó chứng minh rằng, hiện nay chúng ta có rất nhiều công cụ dễ dàng để làm phim hơn.
PV: Theo chị, các đạo diễn trẻ hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức nào?
Dương Diệu Linh: Thách thức đầu tiên là làm thế nào để sáng tạo ra những điều mới mẻ khi dường như mọi chủ đề, mọi cách thể hiện đều đã được khám phá. Tôi phải tìm ra cách kể chuyện riêng, vừa giữ được bản sắc cá nhân, vừa mang đến sự thú vị cho khán giả. Bài toán này trở nên đặc biệt khó khăn trong bối cảnh hiện nay, khi mỗi năm có hàng trăm bộ phim ra mắt. Thêm vào đó, đoàn phim còn phải đối mặt với thách thức từ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sáng tạo, đặc biệt là AI.
Sự sẵn có của công cụ và tài nguyên hiện nay khiến nghệ sĩ đối diện với thách thức chọn lọc và khám phá giá trị thật sự của bản thân mình. Làm nghệ thuật không chỉ là sáng tạo, mà còn là hành trình tìm hiểu "mình là ai", "mình muốn kể câu chuyện gì", và "mình đóng góp được gì cho nền nghệ thuật". Đây là câu hỏi mà đôi khi cả đời một nghệ sĩ cũng chưa thể trả lời trọn vẹn.
Một khó khăn khác là sự thay đổi trong cách làm phim. Trước đây, quy trình làm phim đòi hỏi sự tỉ mỉ, nghiêm ngặt, và chuẩn mực. Ngày nay, công nghệ hiện đại giúp việc làm phim dễ dàng hơn, nhưng đồng thời cũng khiến các thế hệ trẻ ít có cơ hội tiếp cận với những kỹ thuật truyền thống đầy thử thách đó. Việc quay phim nhựa ở Việt Nam giờ đây gần như không khả thi nữa, vì chi phí cao và sự khan hiếm đội ngũ sản xuất chuyên nghiệp.
Tôi luôn cố gắng duy trì sự cân bằng trong sáng tạo nghệ thuật. Điều này bao gồm việc xem phim, đọc sách, quan sát cuộc sống, học hỏi ngôn ngữ nghệ thuật và kết nối với các loại hình nghệ thuật khác. Nghệ thuật điện ảnh đặc biệt ở chỗ nó không chỉ là nghệ thuật, mà còn là phương tiện giao thoa giữa các lĩnh vực khác nhau. Chính sự phức tạp đó tạo nên nét độc đáo nhưng cũng là một thử thách lớn.
PV: Chị hãy chia sẻ những kinh nghiệm giúp vượt qua khó khăn về tài chính trong những bước đầu theo đuổi nghệ thuật khi còn là sinh viên?
Dương Diệu Linh: Khi bắt đầu làm nghệ thuật, thực sự rất tốn kém. Ngành nào trong nghệ thuật cũng vậy, bởi vì nó đòi hỏi phải thực hành, tốn thời gian và tiền bạc.
Tôi bắt đầu làm phim từ năm 2014. Thời điểm đó, tôi không có nhiều tiền nên dự án đầu tiên chỉ tốn dưới 10 triệu đồng. Tôi làm gần như tất cả mọi thứ và chỉ trả công cho một vài người. Đến năm 2015, bộ phim tiếp theo của tôi tăng chi phí lên 15 triệu, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè và một ekip trẻ. Đến năm 2016, khi tôi đã đi làm và tích lũy được một chút tài chính, tôi đầu tư 96 triệu đồng cho bộ phim “Mẹ, con gái và những giấc mơ”. Toàn bộ số tiền đó là tiền thưởng cuối năm và tiền tiết kiệm của tôi. Sau này, khi làm "Ngọt, mặn", tôi được CJ hỗ trợ một phần, chi phí đội lên tới 200 triệu đồng.
Qua từng năm, chi phí làm phim ngày càng tăng. Nhưng song song đó, chất lượng cũng được nâng cao. Từ những bộ phim đơn giản tự quay, không đèn, không thiết bị chuyên nghiệp, giờ đây tôi đầu tư nhiều hơn cho hình ảnh, âm thanh, và ekip sản xuất. Thời đại công nghệ hiện nay khiến khán giả đặt yêu cầu rất cao về hình thức, đòi hỏi nhà làm phim không chỉ kể câu chuyện hay mà còn phải trình bày một cách ấn tượng nhất.
Cách tôi vượt qua khó khăn tài chính là làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền. Tôi từng làm các công việc vất vả như chạy vặt, thiết kế, làm ánh sáng, sản xuất... không ngại mất mặt, miễn là có thêm thu nhập để làm phim. Đây cũng là cách tôi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm ở mọi khâu trong sản xuất phim. Bạn sẵn sàng hy sinh một phần sự thoải mái cá nhân, tiết kiệm, thậm chí chấp nhận sự giúp đỡ từ người khác. Những khó khăn này cũng chính là thử thách để kiểm chứng tình yêu và sự kiên định của bạn với nghệ thuật.
Với tôi, việc từng bước đầu tư nhiều hơn vào chất lượng hình ảnh, âm thanh không chỉ là yêu cầu của khán giả, mà còn là con đường để tôi phát triển nghề nghiệp. Từ những bộ phim ngắn đầu tay, đến khi phim của tôi được trình chiếu tại các Liên hoan phim, tôi hiểu rằng để hoàn thiện được một bộ phim là cả một hành trình dài, giống như việc mài một viên đá thô thành ngọc.
PV: Đạo diễn Dương Diệu Linh có thể đưa ra lời khuyên tới những bạn trẻ đang học và theo đuổi nghệ thuật hiện nay?
Dương Diệu Linh: Tôi hy vọng các bạn sẽ tìm được tiếng nói và ngôn ngữ riêng của mình. Đừng cố gắng chạy theo để tạo ấn tượng với bất kỳ ai. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là các bạn phải chân thành với chính mình và với câu chuyện mà các bạn muốn kể. Nghệ thuật không phải là cuộc chạy đua để làm hài lòng người khác. Những người làm phim chuyên nghiệp, họ xem hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bộ phim mỗi năm nên họ có thể dễ dàng nhận ra khi bạn cố gắng gồng mình để gây ấn tượng.
Hãy dành thời gian để tìm kiếm tiếng nói riêng của bản thân. Đó là một quá trình khó khăn, đôi khi đau đớn, nhưng là điều cần thiết. Khi bạn tìm được ngôn ngữ của mình, bạn sẽ cảm thấy tự tin và tự hào, ngay cả khi có người khác làm tốt hơn bạn. Bởi vì, bộ phim của bạn là sự phản ánh chân thật nhất về con người bạn, bằng ngôn ngữ của riêng bạn.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn Dương Diệu Linh!
Phản hồi