Danh mục Thứ Ba, 07/01/2025

Tiêu điểm \

Đa văn hóa: Bản giao hưởng của những giá trị khác biệt

19:43 29-12-2024
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Văn hóa còn thì đất nước còn, văn hóa mất thì đất nước mất”. Việt Nam với nền văn hóa đa dạng và phong phú của nhiều dân tộc, đang bước vào thời kỳ hội nhập toàn cầu mạnh mẽ. Trong bối cảnh ấy, việc thế hệ trẻ hòa nhập với các nền văn hóa khác mà không bị “hòa tan” vào những giá trị mới là cực kỳ quan trọng. Trả lời phỏng vấn của phóng viên, anh Kim Nguyên Bảo - Tiến sĩ Quan hệ quốc tế, người dẫn chương trình và là người luôn quan tâm đến sự vận hành của văn hóa - xã hội đã có những góc nhìn sâu sắc về vấn đề này.

 Tiến sĩ, MC Kim Nguyên Bảo. (Ảnh: Kênh Sao)

PV: Việt Nam là một quốc gia đa văn hoá, vậy theo anh đa văn hoá ngắn gọn là gì?

Tiến sĩ Kim Nguyên Bảo: Đa văn hoá đầu tiên là phải gắn với số lượng người, tộc người, các dân tộc đang sinh sống. Việt Nam có 54 dân tộc anh em và thời gian vừa qua, chúng ta cũng có quá trình hội nhập lớn, số lượng người nước ngoài sống ở Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Yếu tố thứ hai đó là tôn giáo hay quá trình mở rộng bờ cõi tự nhiên. Trong khu vực Đông Nam Á có nhiều nước thuần về tôn giáo, trong khi Việt Nam chúng ta là nước đa tôn giáo và có cùng một lúc 6 tôn giáo lớn và hàng chục những cái tôn giáo nhỏ và tôn giáo bản địa. Thêm vào đó, 3 miền đất nước chúng ta thì mỗi một khu vực lại có đặc trưng riêng gắn với từng cộng đồng người. Đó là hai trong số rất nhiều lý do vì sao Việt Nam được xem là quốc gia đa văn hóa so với nhiều nước khác ở chỗ khu vực và trên thế giới.

PV: Là một Tiến sĩ Quan hệ Quốc tế và là người quan tâm tới các vấn đề toàn cảnh trong xã hội, theo anh, yếu tố nào đã góp phần cho sự phát triển đa văn hóa tại Việt Nam? 

Tiến sĩ Kim Nguyên Bảo: Một yếu tố vô cùng đặc biệt ở dân tộc Việt Nam chúng ta đó là khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hay nói cách khác là yếu tố bảo thủ của nền văn hóa so với một số nước khác. Kể cả những nước có trình độ phát triển cao hơn, có quá trình hội nhập trước chúng ta nhưng thực tế rất khó để họ dung nạp những giá trị văn hóa mới. Còn ở Việt Nam thì chúng ta có khả năng tiếp biến những điều mới khá tốt mà không hề bị hòa tan hay bị mất đi những giá trị truyền thống.

PV: Nhiều bạn trẻ thích nền ẩm thực nước ngoài, sử dụng đồ nhập ngoại,... Anh có nghĩ là chúng ta đang hòa nhập với văn hóa quốc tế thậm chí là còn nhanh hơn là văn hóa vùng miền trong nước không? 

Tiến sĩ Kim Nguyên Bảo: Việc thích nghi với văn hóa của các nước ở trên thế giới là chúng ta tiếp nhận và có chịu ảnh hưởng. Thế nhưng, nếu nói rằng người Việt Nam của chúng ta tiếp thu cái mới rồi sau đó là lãng quên những giá trị cũ thì không phải. Trên thực tế, kể cả các bạn trẻ Gen Z bây giờ họ vẫn giữ được những khí chất ở trong con người mình, những khả năng tương thông tương giao với các giá trị truyền thống rất tốt. Còn những sản phẩm của thế giới mà thực sự hấp dẫn, có tiếng nói thời đại, nói được cái tính cá nhân trong một xã hội hiện nay là xã hội cổ vũ cá nhân, thì người trẻ sẽ thích thú và tiếp thu thôi. Vậy nên ẩm thực, phim ảnh nước ngoài phần nào phản ánh được những tâm trạng và cảm xúc của chúng ta nên ta sẽ cảm thấy được sự đồng điệu, còn không phải chúng ta hoà nhập với văn hoá quốc tế nhanh hơn văn hoá vùng miền.

PV: Là người nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực này, ba kỹ năng theo anh là cần thiết để người trẻ học và làm trong xã hội đa văn hóa là gì? 

Tiến sĩ Kim Nguyên Bảo: Đầu tiên, chúng ta phải có được không nhiều thì ít những giá trị bản địa ở trong con người của mình. Thứ hai là chúng ta cũng phải có kỹ năng sàng lọc những cái giá trị văn hóa mà chúng ta tiếp thu. Điều thứ ba nữa là một kỹ năng cần thiết để chúng ta thực sự sống trong một xã hội đa văn hóa lại chính là yếu tố đa văn hoá của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng phải biết tôn trọng nền văn hóa các nước khác chứ không thể nói rằng tôi đến từ Việt Nam và tôi chỉ có biết những cái điều của Việt Nam muốn.

PV: Việt Nam là một quốc gia đa văn hóa, vậy thì một người Việt ra nước ngoài chắc chắn sẽ còn tiếp xúc với nhiều nền văn hóa hơn nữa. Vậy thì họ có cần chuẩn bị thêm hành trang gì để vừa hội nhập đa văn hóa nhưng, vừa giữ gìn và quảng bá văn hóa nước mình?

Tiến sĩ Kim Nguyên Bảo: Bất cứ một người Việt Nam nào khi mà rời khỏi lãnh thổ đất nước thì đều gắn theo cả một nền văn hóa mà chúng ta được nuôi lớn. Thực ra trên thế giới hiện nay cũng có nhiều bạn trẻ hay là người Việt Nam làm rất thành công việc này. Không còn xa lạ nếu chúng ta nhìn thấy những quán phở, quán bánh mì hay những quán cà phê nổi tiếng của Việt Nam đang ngày càng dày đặc hơn tại Hàn Quốc hay là ở một số nước khác. Cũng không còn xa lạ khi gặp những khu chợ của người Việt Nam tại nước ngoài. Rõ ràng là chúng ta đều vẫn có thể lan tỏa giá trị văn hóa gắn với lại những nhu cầu cơ bản nhất là nhu cầu kinh doanh hay nhu cầu kiếm tiền. Câu chuyện chính là chúng ta biết chọn lựa sản phẩm nào để bán, để kinh doanh. Nếu biết được tâm lý khách hàng ở cái khu vực cụ thể thì ta sẽ chọn những món ăn vừa phù hợp với địa phương nhưng lại mang đặc sắc văn hoá Việt Nam. Từ đó, chúng ta vẫn dung hòa được hai yếu tố đó là vẫn có thể đảm bảo về mặt kinh tế mà còn truyền tải một cách rất nhẹ nhàng những giá trị văn hóa của mình, trước khi nói đến những câu chuyện đao to búa lớn. Chung quy lại, chúng ta cứ dựa trên những nhu cầu và khả năng của bản thân rồi lồng ghép những thông điệp mang tính dân tộc của chúng ta vào trong đó.

PV: Xin trân trọng cảm ơn anh.

Thu Minh - Hải Yến - TH CLC K41

Phản hồi