Danh mục Thứ Tư, 01/01/2025

Tiêu điểm \

Vấn vương hương cốm Vòng trong lòng thế hệ trẻ

17:45 29-12-2024
Mang trong mình tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc nồng nàn, nhóm sinh viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện dự án “Cốm ơi”. Với thông điệp “Gói hương thủ đô, lan tỏa nét quà thơm truyền thống” dự án mong muốn đưa nét đẹp cốm làng Vòng đến gần hơn với thế hệ trẻ.

Cốm Vòng không chỉ chất chứa tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Thành mà còn nổi tiếng bốn phương bởi hương vị dẻo thơm mộc mạc. Truyền thuyết kể rằng năm ấy lúa đang độ uốn câu thì trời đổ mưa bão, đồng ruộng ngập trong biển nước. Dân làng Vòng hò nhau đi cắt những bông lúa non về chế biến làm lương thực. Ấy vậy mà món ăn từ lúa non chống đói năm đó lại mang một hương vị rất riêng và trở thành đặc sản mang tên cốm làng Vòng. 

 Vượt lên giá trị vật chất, cốm trở thành một sản phẩm chứa đựng giá trị tinh thần của đời sống văn hóa dân tộc. (Ảnh: Fanpage “Cốm ơi”)

Vượt qua khỏi lũy tre làng, cốm Vòng e ấp trong chiếc lá sen xanh, theo chân các gánh hàng rong đến với những người sành ăn, rồi trở thành đặc sản quý tiến vua các triều Lý (1009 - 1225). Từ thức quà tao nhã nổi tiếng của người Tràng An, trải qua hàng trăm năm với nhiều biến động thăng trầm, cốm vẫn luôn được người dân làng Vòng trân trọng, gìn giữ cho đến ngày nay. 

Để làm ra được những hạt cốm mẩy, xanh rờn, dẻo thơm, người làm cốm phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Không ai còn nhớ nghề làm cốm ở làng Vòng có từ bao giờ, chỉ biết đến nay, cốm đã trở thành món ăn thanh tao, nức tiếng của Hà Nội. 

 Ngoài cốm tươi, làng Vòng còn nổi tiếng với nhiều thức quà được chế biến từ cốm như xôi cốm, bánh cốm hay mochi cốm. (Ảnh: Fanpage “Cốm ơi”)

Có thể nói, cốm chính là báu vật hòa quyện giữa hương trời - sữa lúa và tài năng, tâm hồn người nông dân Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm phát triển, ở thời điểm hiện tại, thức quà quý giá này đã trở nên thân quen, gần gũi với bao thế hệ người Việt. Tuy nhiên, đối với một bộ phận thế hệ trẻ, giá trị văn hóa đẹp đẽ của thức quà ấy đang dần tàn phai, mai một. Ngày nay, nhiều người trẻ biết đến và thưởng thức cốm nói chung, cốm Vòng nói riêng với nhận thức đây là món ăn “trào lưu” mỗi độ Hà Nội vào thu. 

Mang trong mình sức trẻ và tình yêu nồng nàn với văn hóa truyền thống dân tộc, nhóm sinh viên Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện dự án “Cốm ơi”. Dự án mang theo niềm tự hào về hương vị cốm Vòng truyền thống và hy vọng lan tỏa món quà tao nhã ấy đến gần hơn với thế hệ trẻ hiện đại. Thông qua việc đổi mới cách làm truyền thông tiếp thị về cốm làng Vòng, tập thể sinh viên thực hiện dự án mong muốn các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về nét đẹp truyền thống mà cốm đang chất chứa. Hơn cả món ăn “trào lưu” sớm nở tối tàn, cốm mang nét đẹp gói trọn một hương vị dân tộc, một nét đẹp giản dị và thanh nhã của người Hà Thành. 

 Đằng sau những bài đăng hấp dẫn, thú vị là cả đội ngũ “Cốm ơi” đầy tâm huyết. (Ảnh: Fanpage “Cốm ơi”)

“Từ lúc ấp ủ ý tưởng cho đến giai đoạn bắt tay vào hiện thực hóa dự án “Cốm ơi” với mình là một hành trình đáng nhớ. Trước khi chính thức “trình làng” dự án, nhóm phải họp rất nhiều để có thể thống nhất định hướng truyền thông, chọn lọc ý tưởng sao cho vừa truyền tải được thông điệp bảo tồn giá trị văn hóa, vừa lồng ghép khéo léo để tiếp thị các sản phẩm từ cốm làng Vòng. Là những bạn trẻ yêu mến và trân trọng những nét ẩm thực truyền thống, chúng mình mong muốn thổi một làn gió mới để có thể tiếp cận tệp khách hàng trẻ tuổi hơn. Tuy rằng trong quá trình thực hiện dự án cũng gặp không ít khó khăn, nhưng cuối cùng chúng mình vẫn cố gắng và hoàn thành kế hoạch với thành quả khá ưng ý” - Nguyễn Hoàng Khánh Linh, Trưởng dự án “Cốm ơi” tâm huyết chia sẻ. 

Các bạn trẻ vô cùng hào hứng khi khám phá các sản phẩm cốm làng Vòng tại gian hàng của dự án. (Ảnh: Fanpage “Cốm ơi”)

Xuyên suốt quá trình thực hiện dự án, “Cốm ơi” với thông điệp “Gói hương thủ đô, lan tỏa nét quà thơm truyền thống” đã mang đến các tuyến bài đa dạng, xoay quanh nét đẹp và giá trị của cốm làng Vòng. Các bài viết được “Cốm ơi” truyền tải vừa gần gũi, vừa kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Nổi bật nhất trong dự án chính là gian hàng mang tên “Xuân hương cốm” được tổ chức tại khuôn viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong hai ngày 25 và 26/12/2024. Trong không khí Tết Nguyên đán đang gần kề, sự kiện mong muốn mang đến một không gian ẩm thực đặc biệt để cảm nhận mùa xuân về qua từng hạt cốm xanh mướt, đậm đà dấu ấn của đất trời Thủ đô.

 “Xuân hương cốm” của dự án Cốm ơi đã nhận được rất nhiều sinh viên ghé thăm trong suốt 2 ngày diễn ra sự kiện. (Ảnh: Fanpage “Cốm ơi”)

“Đây là lần đầu tiên mình thử xôi cốm và mochi cốm. Mình nghe về cốm làng Vòng đã lâu nhưng chỉ biết đây là một món ăn khá là nổi tiếng vào mùa thu. Nhưng sau khi theo dõi “Cốm ơi” và hôm nay được trực tiếp trải nghiệm tại gian hàng, mình đã có cái nhìn sâu sắc hơn, hiểu hơn về nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống chất chứa trong từng hạt cốm” - Bạn Nguyễn Quỳnh (lớp Triết học K42) - người đã theo dõi dự án “Cốm ơi” từ những ngày đầu hào hứng chia sẻ. 

“Cốm ơi” là một trong số rất nhiều các dự án của các bạn trẻ với mong muốn lan tỏa tình yêu cốm làng Vòng nói riêng và tình yêu văn hóa truyền thống nói chung. Mỗi bạn trẻ, mỗi dự án chính là một mắt xích quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. 

Kim Tuyến

Phản hồi