Dân ca quan họ - di sản vùng Kinh Bắc
“Trên quê hương Quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca”. Tới vùng đất Kinh Bắc, ta được đắm chìm trong không gian đậm chất truyền thống với những làn điệu dân ca Quan họ mộc mạc mà sâu lắng, đi vào tâm thức của biết bao thế hệ. Ngôn ngữ, ca từ của dân ca Quan họ mang tính độc đáo, tạo nên nét văn hóa riêng có của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc. Năm 2009, dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không chỉ đơn thuần là những làn điệu dân ca, Quan họ còn là sự kết tinh của một nền văn hóa, chứa đựng đủ đầy nét sinh hoạt với những tín ngưỡng, phong tục của vùng quê Bắc Ninh.
Nép mình trong thành phố Bắc Ninh, phường Thị Cầu được biết đến là 1 trong 49 làng Quan họ gốc hiện còn hoạt động. Phong trào gìn giữ, bảo tồn làn điệu Quan họ cổ ở nơi đây luôn được đề cao, coi trọng. Kiên trì nuôi dưỡng tình yêu, niềm say mê với những câu ca Quan họ từ thời cha ông xưa để lại cho đến nay, các anh hai, chị hai, liền anh liền chị phát triển hoạt động hát Quan họ thành câu lạc bộ có quy mô, tổ chức tại phường Thị Cầu từ năm 2007.
Đều gắn bó với tiếng hát Quan họ từ thuở còn thơ, nên các liền anh, liền chị phường Thị Cầu vẫn giữ lối 'chơi' Quan họ cổ, sâu sắc, thấm thía. Không có nhạc đệm, không chơi nhạc cụ, Quan họ truyền thống khiến người nghe lưu luyến bởi tiếng hát vang, rền, nền, nảy và tinh thần mà người Thị Cầu gửi vào trong từng câu ca. "Chơi Quan họ" cổ không có khán giả, người hát đồng thời là người thưởng thức, họ thưởng thức “cái tình” của bạn hát.
Sứ mệnh của làn điệu Quan họ cổ giờ đây không chỉ dừng ở việc gìn giữ tinh hoa ông cha để lại, mà nó còn mang trong mình những giá trị văn hóa, xã hội đối với vùng đất Bắc Ninh.
Nhìn nhận về vị trí của Quan họ trong cuộc sống của mỗi người dân nơi đây, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Cầu cho biết: “Quan họ mang lại nhiều giá trị về văn hóa, đời sống. Tính chân - thiện - mỹ được đề cao khi Quan họ góp phần giúp các gia đình thêm hiểu và có ý thức thực hiện nếp sống văn minh của xã hội hiện tại”.
Trong cuộc sống hằng ngày, Quan họ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Bà Nguyễn Thị Hoa, một thành viên của Câu lạc bộ Quan họ phường Thị Cầu bày tỏ: “Quan họ là thú vui mà tôi đam mê nhất trong cuộc sống. Từng ngày, từng giờ, lúc nào tôi cũng ngâm nga hát. Nhiều đêm không ngủ được, lại dậy đọc thơ Kiều hoặc những lời thơ khác để xem có đặt thành được một bài Quan họ không.”
Lối đi của Quan họ trong thời đại 4.0
Sự phát triển của công nghệ, truyền thông, mạng xã hội đem đến cho con người những hình thức giải trí đa dạng. Thêm vào đó, thế hệ gạo cội của làng Quan họ không còn nhiều, bởi vậy những canh hát Quan họ mộc tinh quý này đang phải đối mặt với những thách thức của thời đại. Bên cạnh việc việc gìn giữ, các nghệ nhân còn mang trong mình trách nhiệm truyền dạy cho thế hệ sau để Quan họ cổ mãi trường tồn.
Trải qua 26 năm thành lập, đến nay, Câu lạc bộ Quan họ phường Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninh, vẫn hằng ngày ươm mầm tình yêu dân ca Quan họ cho lớp lớp các thế hệ, góp phần bảo tồn di sản phi vật thể nhân loại. Hiện nay, các lớp truyền dạy Quan họ cho cả người lớn và trẻ em do câu lạc bộ tổ chức vẫn thường xuyên diễn ra.
Anh Đinh Văn Minh - Bí thư Đoàn Thanh niên phường Thị Cầu chia sẻ:” Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá của quê hương, đặc biệt là Quan họ Bắc Ninh, Đoàn Thanh niên tích cực vận động bà con nhân dân tham gia các lớp truyền dạy Quan họ. Bên cạnh đó, Đoàn phường cũng đã triển khai ứng dụng thư viện số để lưu giữ lại những làn điệu Quan họ cổ, cung cấp thông tin về các nghệ nhân để mọi người, đặc biệt là người trẻ có thể dễ dàng tiếp cận văn hóa Quan họ Bắc Ninh”.
Những người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống Quan họ, những đoàn viên thanh niên phường Thị Cầu cũng mang trong mình sứ mệnh cao cả, trách nhiệm bảo tồn, lan tỏa nét đẹp văn hóa đến thế hệ trẻ mọi miền Tổ quốc. Được bảo tồn bởi những người yêu canh hát Quan họ cổ, trong đó có sự đồng hành của chính quyền, các ban ngành đoàn thể, câu Quan họ dù được cất lên ở đâu cũng đáng tự hào và trân trọng. Đó là tiếng ca được nhiều thế hệ gìn giữ, là nét văn hóa đặc trưng của quê hương Bắc Ninh. Hơn tất cả đó là tình đoàn kết, tình đồng bào cùng dựng xây miền quan họ cổ giàu văn hóa, giàu tình người.
Phản hồi