Danh mục Chủ Nhật, 05/01/2025

Tiêu điểm \

Quảng cáo “rác” chiếm dụng đường phố

13:11 30-12-2024
Quảng cáo được biết tới là một cách thức tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả và dễ dàng nhất. Thế nhưng, việc quảng cáo văn minh, lịch sử, sạch sẽ  lại là một vấn đề cần lưu tâm.

Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vì mục đích sinh lợi. Một hình thức quảng cáo nhanh chóng và gọn nhẹ là việc phát tờ rơi, dán những tấm áp phích vào bảng quảng cáo được cho phép. Nhưng hiện nay, thay vì lựa chọn những không gian được phép, nhiều người lại lựa chọn dán những tấm quảng cáo tại các trạm biến áp công cộng, các vị trí trước cửa nhà dân… gây mất mỹ quan đô thị.

Dọc tuyến đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy), nhiều trạm biến áp liên tiếp bị dán những tờ rơi quảng cáo chằng chịt, cái mới đè cái cũ. Thậm chí, số điện thoại của các dịch vụ vá xe, dịch vụ sửa chữa điện nước trực tiếp viết lên bằng sơn. 

Những tấm quảng cáo “rác” dán chằng chịt trên các trạm biến áp lớn dọc đường Nguyễn Khang. (Ảnh: Như Ý). 

Không chỉ riêng con đường Nguyễn Khang, nhiều trạm biến áp tại đường Kim Ngưu, Thanh Xuân cũng chịu chung số phận. Nội dung quảng cáo từ cho vay tiền không cần thế chấp, đến thuốc nam gia truyền chữa bệnh trĩ, thông hút bể phốt…tạo nên một khung cảnh lộn xộn, không đẹp trên các tuyến đường của thủ đô. 

Tại đường Kim Ngưu, Thanh Xuân, các trạm biến áp cũng chịu số phận, trở thành “bảng thông báo”. (Ảnh: Như Ý) 

Bên cạnh đó, vấn đề tờ rơi quảng cáo, phun sơn quảng cáo còn tồn tại ở vị trí trước cửa nhà dân, gây nhiễu loạn. Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, một dân cư sinh sống tại khu chung cư mini tại Cầu Giấy chia sẻ: “Tường nhà tôi lúc nào cũng trong tình trạng bị bẩn do những tờ rơi dán đè lên nhau, cái keo còn thừa lì lắm. Cứ gỡ là ngay hôm sau lại có tờ khác. Người ta sơn cả số điện thoại vào, không làm sao chấm dứt được”.

 

 

Vết bẩn loang lổ do việc dán tờ rơi, sơn mực quảng cáo bên ngoài bức tường chung cư mini. (Ảnh: Như Ý)

Tương tự, chị Hồng Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng nêu rõ ý kiến: “Những quảng cáo sau khi gỡ xuống sẽ có quảng cáo khác được dán chồng lên. Trong khu phố chúng tôi sẽ trả phí dịch vụ để các cô lao công dọn dẹp, cạo tường. Thế nhưng, tình trạng cứ lặp lại, không thể kết thúc được, rất mất mỹ quan”. Điều đáng buồn hơn, nhiều tờ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ còn giăng mắc trực tiếp trên các đường dây điện, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. 

Những tấm áp phích quảng cáo được treo trực tiếp trên đường dây điện. (Ảnh: Như Ý) 

Tại những địa điểm phù hợp, cho phép được dán áp phích quảng cáo lại xảy ra hiện tượng đáng buồn. Nhiều những tấm biển không phát huy được hết tác dụng, bị “bỏ quên”, che khuất bởi các xe chuyên chở rác hay phải nói rằng là chìm ngập trong “biển rác”.  

 Xung quanh bảng thông báo là một loạt tờ rơi đã xỉn màu, xấu xí. (Ảnh: Như Ý)

Hiện nay những hình phạt xử lý tình trạng dán quảng cáo “rác” đang được thực hiện nghiêm minh, nhưng lại chưa đủ mạnh để có thể chấm dứt tình trạng này. Các quảng cáo thường được dán vào ban đêm hoặc sáng sớm, khi vắng người qua lại, nên rất khó để kiểm soát. Trước tình trạng đó, các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, dứt khoát để trả lại một môi trường đô thị sạch đẹp giữa lòng thủ đô.

Điều 61 của Nghị định 28 về “Vi phạm quy định về quảng cáo làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội và trên phương tiện giao thông”: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 nghìn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội. Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng mỹ quan, trật tự giao thông, xã hội.
Như Ý

Phản hồi