Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Nhà báo Văn Chung và những tác phẩm nổi bật

11:25 25-09-2024
Nhà báo Văn Chung, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, nguyên Phó Tổng Biên tập Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam (QPVN), khi được hỏi về những tác phẩm báo chí ấn tượng trong sự nghiệp cầm bút của mình, đã chia sẻ về 3 bài báo cùng chủ đề người lính. Mỗi bài báo lại khắc hoạ vẻ đẹp người lính theo những cách rất riêng. Đời lính và đời viết - cả 2 như cùng thăng hoa qua ngòi bút của Đại tá, nhà báo Văn Chung.

Người lính cầm bút 

Thời học sinh phổ thông, Văn Chung từng là học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc với sở thích đọc các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, các bài nghiên cứu trên Báo Văn Nghệ. Mùa Xuân năm 1975, anh tạm gác lại giấc mơ đại học để đi bộ đội.  

Trong môi trường quân đội, người lính trẻ Văn Chung sớm bộc lộ năng khiếu báo chí. Ngay sau khóa huấn luyện chiến sĩ mới, anh đã có bài viết được đăng trên Báo Quân đội nhân dân. Và đó cũng là bước khởi đầu cho cuộc đời người lính - người cán bộ tuyên huấn, rồi người làm báo chiến sĩ - một phóng viên chiến trường của Quân đoàn 14 trên mặt trận biên giới Lạng Sơn. Những năm sau này, anh lần lượt được đảm trách các nhiệm vụ của một phóng viên - phụ trách tòa soạn Báo Kỹ thuật Quốc phòng,  sau là Trưởng Ban Biên tập Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế, đến khi được điều chuyển về làm biên tập viên của Truyền hình Quân đội, rồi 12 năm liên tục giữ chức Phó Trưởng Ban biên tập Truyền hình Quân đội nhân dân.

 Nhà báo Văn Chung.

Sau này, với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (phụ trách truyền hình), Phó Tổng Biên tập Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Văn Chung được phân công cùng với đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm và Ban Biên tập kênh phấn đấu sớm nhất đưa kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam vào hoạt động. Các anh đã nỗ lực hết mình, làm việc không ngơi nghỉ để hoàn tất “một núi” việc cần thiết, bảo đảm đủ điều kiện cho Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam chính thức phát sóng vào ngày 19/5/2013. Đây là dấu mốc có ý nghĩa đặc biệt khi quân đội ta chính thức có một kênh truyền hình phát sóng độc lập, cùng các chương trình của Truyền hình Quân đội nhân dân phát sóng trên các kênh của VTV, giữ vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, giáo dục trên sóng truyền hình về nhiệm vụ quân sự quốc phòng, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.  

Những năm gần đây, dù đã nghỉ hưu song nhà báo Văn Chung vẫn chưa hết đam mê với các hoạt động nghề nghiệp. Kể từ năm 2000 đến 2021, liên tục 21 năm anh được mời tham gia hội đồng sơ khảo Giải báo chí toàn quốc (sau này là  Giải báo chí quốc gia), Giải Búa liềm vàng (7 năm chấm liên tục) cùng nhiều cuộc Liên hoan truyền hình của quân đội, công an, giải báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai… 

Những tác phẩm - câu chuyện không thể quên của một nhà báo - chiến sĩ 

Tác phẩm “3 lần tuyển quân, 3 lần bắn giỏi” (đăng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân, tháng 5/1975) là bài báo đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút của nhà báo Văn Chung, khi đó anh đang là một Binh nhất. Bài báo nhỏ khắc họa tấm gương một người đồng đội cùng quê, cùng đơn vị, cùng tham gia huấn luyện, 3 lần kiểm tra bắn đạn thật đều đạt 3 vòng mười. Người đồng đội năm ấy tên là Nguyễn Hùng Minh, sau này trở thành một bác sĩ phẫu thuật tài hoa - PGS, TS, TTƯT Nguyễn Hùng Minh, Chủ nhiệm Bộ môn khoa phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y. 

Ngày ấy, sau thời gian huấn luyện tân binh, cả đại đội có hơn 100 người nhưng chỉ có 2 chiến sĩ mới  3 lần bắn đạn thật đều bắn được 3 điểm 10, Nguyễn Hùng Minh là một trong số đó. Người còn lại chính là chiến sĩ trẻ Văn Chung (chi tiết này tất nhiên không xuất hiện trong bài báo). Cả hai chiến sĩ đều có vóc dáng nhỏ bé, vẻ thư sinh, thường được anh em gọi là “lính phố huyện” nhưng đã nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Khi bài báo này được đăng trên trang nhất báo Quân đội nhân dân, cả đại đội đều rất vui mừng, phấn khởi khi đơn vị được biết đến. Đồng chí chính trị viên đã tập hợp cả đại đội để đọc bài báo ấy cũng như biểu dương đồng chí Hồng Minh. Còn tác giả bài báo, cũng được cơ quan tuyên huấn của trung đoàn “để mắt” đến. Lúc ấy, Văn Chung vẫn còn là binh nhất nhưng kể từ đó, anh đã được giao làm những việc tưởng như quá sức với một người lính mới chưa được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào (như viết báo cáo thi đua, biên tập bản tin thi đua, rồi sau đó là viết về các gương điển hình tiên tiến…). 

Nhớ về những tháng ngày ấy, nhà báo Văn Chung tự hào kể về khả năng đi tác nghiệp bằng hệ thống “căng hải” của mình và 4 anh em trong ban biên tập tờ tin Binh đoàn Chi Lăng (Quân đoàn 14). Thời ấy cả tòa soạn chỉ có 4 anh em vừa phụ trách trình bày, in ấn, phát hành lẫn đi lấy tin từ quân đoàn đến các đơn vị đóng quân dọc tuyến biên giới Lạng Sơn (từ Đình Lập đến huyện Tràng Định). Với niềm đam mê dành cho công việc, năng khiếu báo chí sẵn có cùng tình yêu dành cho Tổ quốc và nhiệm vụ được giao, phóng viên Văn Chung cùng những đồng nghiệp - đồng đội không coi địa hình núi non hiểm trở, đèo dốc hay việc phải đi bộ 20km – 30km/ngày để đi lấy tin là vất vả.

Có lẽ, sự trưởng thành của người phóng viên trẻ bắt nguồn từ chính sự tin tưởng của cấp trên và khả năng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của chàng lính trẻ. Tác phẩm “3 lần tuyển quân, 3 lần bắn giỏi” chính là bước khởi đầu trong cuộc đời làm báo của anh. Cho đến tận bây giờ, khi gặp lại những người đồng đội từng cùng nhau chiến đấu, công tác, họ vẫn hân hoan nhắc về bài báo ấy, về một thời hăng say học tập, lao động và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tác phẩm "Người mang thẻ Đoàn số…”

Niềm vui với những người làm báo chân chính, say nghề có lẽ đến từ việc tác phẩm của bản thân được độc giả đón nhận, tạo được hiệu ứng xã hội, lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng. Khi nhớ lại để chia sẻ về nhân vật Nguyễn Duy Đảo được khắc họa trong bài báo “Người mang thẻ Đoàn số…” ánh mắt của nhà báo Văn Chung vẫn tràn đầy sự cảm phục, tự hào. Phải chăng, cảm xúc chân thành dành cho nhân vật phản ánh trong bài báo chính là chất xúc tác để ngòi bút của tác giả thăng hoa? 

Nguyễn Duy Đảo là một trong những đoàn viên trẻ trong danh sách được phát thẻ Đoàn đợt đầu tiên của sư đoàn 347 (Quân đoàn 14), mặt trận Lạng Sơn. Những tấm thẻ Đoàn của cả chi đoàn đại đội 10 khi ấy được mang về đơn vị nhưng chưa kịp tổ chức buổi lễ phát thẻ thì đại đội 10 được lệnh lên đường chiến đấu ở bình độ 400 - nơi từng diễn ra nhiều cuộc giao tranh căng thẳng giữa ta và địch. 

Ngay sau trận đánh, khi trận địa còn khét mùi thuốc súng, phóng viên Văn Chung đã gặp được số ít anh em trong tổng số gần 100 cán bộ, chiến sĩ của đại đội 10 còn lại sau trận chiến. Họ xúc động kể lại tấm gương chiến đấu dũng cảm của Nguyễn Duy Đảo cùng với đồng đội để chiếm lĩnh trận địa. Anh là chiến sĩ nuôi quân, vốn không có tên trong danh sách đi chiến đấu hôm đó. Nhưng trước khi bước vào cuộc chiến đấu cam go, anh đã chủ động xin đi chiến đấu và được chỉ huy đồng ý. Quá trình chiến đấu, đồng chí đại đội phó bị thương nặng trong lúc pháo địch bắn tới tấp, Duy Đảo đã chủ động lấy thân mình che chở cho đại đội phó. Rồi cả 2 đồng chí  đã hy sinh anh dũng… Bài viết này được Văn Chung gửi về Báo Quân đội nhân dân và Báo Nhân Dân. 

Sau khi bài báo này được cả 2 tờ báo đăng, địa chỉ hòm thư 12A 5168 Lạng Sơn của nhà báo Văn Chung đã nhận được rất nhiều lá thư của các bạn trẻ trên khắp các tỉnh, thành gửi đến, bày tỏ sự cảm phục trước sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Duy Đảo cũng như cảm ơn tác giả bài viết. Chồng thư ấy được Văn Chung giữ gìn cẩn thận. Một đoàn phim của Điện ảnh Quân đội đã liên hệ với anh để tìm hiểu rõ hơn về  Nguyễn Duy Đảo, đoàn còn mượn chồng thư mà Văn Chung nhận được sau bài viết ấy. Đây chính là một trong những nguồn tư liệu quý để đạo diễn, biên kịch của Điện ảnh Quân đội sản xuất bộ phim nhựa “Tuổi trẻ biên giới” gồm 3 tập, được phổ biến rộng rãi trong cả nước. Phong trào học tập tấm gương Nguyễn Duy Đảo cũng được phát động ở nhiều đơn vị trong Quân đoàn 14 thời gian sau đó.

Tác phẩm “Bay trên biển” 

Công việc viết báo đòi hỏi người viết phải bám sát, hiểu sâu sắc thời cuộc, nhất là khi bàn đến lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội. Tiếp xúc với nhà báo Văn Chung và nghe anh chia sẻ về đời, về nghề, không ai nghĩ vị Đại tá về hưu đã lâu, bởi anh luôn học hỏi, nắm bắt mọi diễn biến mới nhất xảy ra trong đời sống xã hội, nhất là những việc liên quan đến nghề báo.

Văn Chung kể, tôi nghe những lần đi làm phóng sự truyền hình về hoạt động bay dịch vụ dầu khí của Tổng Công ty bay dịch vụ Việt Nam. Sau nhiều chuyến đi, được ngồi trên rất nhiều chuyến, nhiều loại trực thăng bay từ đất liền ra các giàn khoan, gặp gỡ nhiều phi công, thợ máy và công nhân ở các giàn khoan dầu khí, anh đã viết 1 ký sự đăng trên Báo Lao Động với tên gọi “Bay trên biển”. Bài ký viết về những người phi công tài hoa trên lĩnh vực bay dịch vụ dầu khí.  

Một chi tiết khá thú vị trong quá trình thực hiện bài ký sự này đó là lần được đi trên chuyến bay kiểm tra sau bảo dưỡng 1.500 giờ. Theo quy định, máy bay sau khi bay 1.500 giờ sẽ phải bảo dưỡng ở cấp độ như đại tu, các chi tiết được tháo dỡ gần hết để bảo dưỡng. Chiếc máy bay bảo dưỡng lần đó là lần đầu tiên cán bộ, công nhân của Công ty bay dịch vụ miền Nam tự thực hiện bảo dưỡng sau 1.500 giờ. Và chuyến bay sau bảo dưỡng 1.500 giờ sẽ không cho hành khách bay do phi công phải thực hiện nhiều kỹ thuật bay phức tạp để kiểm tra. Thế nhưng, cái máu “liều” của phóng viên và sự “linh động” dựa trên sự tự tin của kíp bay đã giúp cho phóng viên có những trải nghiệm tuyệt vời để cho ra đời bài ký sự báo in và phóng sự truyền hình phản ánh được trình độ, kỹ năng bay biển của người lính không quân Việt Nam phục vụ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí cũng như hoạt động bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Đầu những năm 1990, bay dịch vụ dầu khí trên biển còn là lĩnh vực rất mới mẻ ở Việt Nam, chỉ người lính không quân mới làm được, bởi nó đòi hỏi nghiệp vụ chuyên ngành và kỹ năng cao, hạ tầng kỹ thuật chuyên dùng chỉ ở các căn cứ sân bay không quân mới có… Thành công của những người lính bay dầu khí Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định thương hiệu không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra quốc tế. Qua bài ký sự này, độc giả đã có thêm một cách tiếp cận mới về người lính Việt Nam trong thời bình. Người lính tham gia xây dựng kinh tế không chỉ bằng cách thông thường hay “nước sông công lính” như nhiều người thường nghĩ, mà những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam với kỹ năng, trình độ cao đã đáp ứng được yêu cầu mới của nền kinh tế trong nước và xuất khẩu ra thế giới, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Lớp phóng viên trẻ chúng tôi hiểu báo chí là một ngành nghề đặc thù, rất vất vả. Nhưng với nhà báo Văn Chung, “mảnh đất” của những người lính -  được coi là gian nan, vất vả nhất - luôn là mạch nguồn cho sự sáng tạo, khám phá. Suốt buổi kể chuyện, Văn Chung không hề kể về những thành tích mình đã đạt được. Tôi hỏi thì anh trả lời: Vì đơn giản hình ảnh của người lính và khoảng thời gian hơn 40 năm chiến đấu, học tập, công tác có nhiều gian lao nhưng hào hùng ấy luôn giữ một vị trí quan trọng trong trái tim mình. Anh chia sẻ điều tâm đắc nhất trong cuộc đời làm báo - chiến sĩ của mình đó chính là lòng đam mê. Đam mê nghề nghiệp mới là yếu tố quyết định để đi tiếp những chặng đường mới. 

Nguyễn Hà Ngọc Minh

Phản hồi