Trong thời đại số, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, đằng sau những kết nối ảo, một thực tế đáng báo động đang diễn ra: Mua bán thận đã trở thành một "thương vụ" được rao bán công khai trên các diễn đàn, mạng xã hội. Những thông tin rò rỉ và các vụ án được phanh phui gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về một vấn đề đạo đức và pháp lý nghiêm trọng.
Mạng xã hội - Sàn giao dịch chợ đen mua bán thận
Các diễn đàn, mạng xã hội trở thành chợ đen mua bán thận: Chỉ cần một cú click chuột, hàng loạt các nhóm, trang cá nhân với những dòng quảng cáo mua bán thận xuất hiện. Từ những bài viết công khai đến các hội nhóm kín, những thông tin này được chia sẻ một cách chóng mặt, thu hút sự chú ý của cả người mua và người bán.
Mạng xã hội, với tính kết nối rộng lớn, đã trở thành một thị trường chợ đen sôi động cho hoạt động mua bán thận. Đằng sau những dòng quảng cáo hấp dẫn là những con người với những số phận trớ trêu. Người mua, mang trong mình nỗi tuyệt vọng vì căn bệnh hiểm nghèo. Đa phần là những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối, cần ghép thận để duy trì sự sống. Vì lý do kinh tế hoặc không thể tiếp cận được nguồn thận hiến tặng hợp pháp, họ buộc phải tìm đến chợ đen, sẵn sàng trả giá cao để có được một cơ hội sống sót.
Trong khi đó, người bán, vì nghèo khó hoặc nợ nần, đã chấp nhận hy sinh một phần cơ thể để đổi lấy một khoản nhanh chóng. Họ không hề hay biết về những rủi ro khôn lường mà họ đang phải đối mặt, như suy thận mãn tính, nhiễm trùng, thậm chí tử vong hoặc thậm chí đã biết nhưng vẫn quyết định làm liều để có được tiền một cách nhanh nhất.
Đằng sau những giao dịch này là những đối tượng môi giới. Đây là những đối tượng đứng giữa, kết nối người mua và người bán. Họ thường thu một khoản hoa hồng rất cao từ mỗi giao dịch. Họ luôn tìm cách trục lợi từ nỗi đau của người khác.
Quy trình mua bán thận: Đơn giản đến rùng mình
Việc mua bán thận trái phép thông qua các trang mạng xã hội đang diễn ra một cách đáng lo ngại. Quy trình trở nên đơn giản đến mức khiến người đọc phải rợn người khi các thông tin về mua bán thận xuất hiện ngày càng nhiều.
Môi trường trực tuyến đang trở thành "chợ đen" mua bán thận một cách đáng báo động. Các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn, trang web rao vặt đã bị lợi dụng để trở thành công cụ đắc lực cho các đối tượng môi giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán trái phép bộ phận cơ thể người.
Với những chiêu trò đa dạng và tinh vi, các đối tượng này đã xây dựng nên những mạng lưới mua bán bất hợp pháp. Chúng thường sử dụng những quảng cáo hấp dẫn, hứa hẹn mức giá cao, thủ tục đơn giản và đảm bảo an toàn để thu hút người bán.
Trong vai một người cần tiền, có nhu cầu bán thận gấp, phóng viên vào Hội hiến thận nhanh và Hội hiến thận không pháp lý thấy dòng rao môi giới mua bán thận có tên M.T: “Anh chị có ý định muốn hiến thận để trang trải cuộc sống đồng ý inbox mình tư vấn cụ thể cho các bạn nhé. Làm cả có pháp lý và không pháp lý. Được bảo mật uy tín liên hệ và kết bạn Facebook với mình qua nick này để mình tư vấn kỹ hơn.”
Phóng viên đã liên hệ với nick Facebook trên và được hướng dẫn chi tiết. Theo đó, để bán được thận, không cần biết tình trạng sức khỏe người hiến như nào, người môi giới đã lên giá của một quả thận. Được biết, tùy theo nhóm máu mà giá tiền khác nhau. “Nếu người bán thận có nhóm máu O thì mức giá càng cao. Giả sử người có thận nhóm máu O sẽ được mua thận với 1,1 tỷ đồng/quả thận, còn ở các nhóm máu A hay B thì mức giá sẽ thấp hơn, khoảng 900 triệu đồng/quả thận với nhóm máu A và 1 tỷ đồng/quả thận với nhóm máu B. Ngoài ra còn được bồi dưỡng thêm 300 triệu đồng.” - Môi giới này cho biết.
Liên hệ với một môi giới bán thận khác có tên là A.T: “Em chỉ cần đem ít đồ dùng cá nhân thôi còn bao nhiêu qua đây chị lo cho hết. Chị hỗ trợ toàn bộ chi phí hồ sơ ăn uống ngủ nghỉ và thuê xe đưa đón em từ Sài Gòn qua viện và ngược lại.”
Những người môi giới này hướng dẫn làm theo hình thức không pháp lý. Và hình thức này sẽ được bên môi giới hỗ trợ làm tại viện quốc tế Bumrungrad Bangkok, Thái Lan. Trong quá trình di chuyển thì bên này sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Những người môi giới thông tin thêm cách làm hồ sơ khi hiến thận theo hình thức không pháp lý: “Về hồ sơ pháp lý sẽ được mua giả của người khác nhưng chữ ký của em. Người nhà bệnh nhân sẽ đến ký pháp lý cho bộ hồ sơ của em.”
Khi được hỏi về vấn đề an toàn sau khi thực hiện hiến thận, những người môi giới này chắc chắn là an toàn, không có biến chứng gì. Tuy nhiên, đây là một lời hứa hoàn toàn thiếu căn cứ khoa học và mang tính lừa dối. Hiến thận là một ca phẫu thuật lớn, dù được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như nhiễm trùng, chảy máu, hình thành cục máu đông, thậm chí là tử vong. Việc các đối tượng môi giới khẳng định chắc chắn an toàn là nhằm mục đích che giấu thông tin, dụ dỗ người hiến thận để thu lợi bất chính.
Những người môi giới luôn khẳng định bên mình uy tín, an toàn, không biến chứng và sẽ nhận được tiền đầy đủ, nhanh chóng nhưng lại không có bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh. Tuy vậy, nhiều người vì hoàn cảnh đã túng quá hóa liều, tin vào những lời giả dối này để rồi đi đến bước không thể quay đầu.
Đằng sau mỗi giao dịch là một con người với những ước mơ, hy vọng và nỗi đau. Họ trở thành nạn nhân của một hệ thống bất công, nơi mà sức khỏe và cuộc sống có thể được mua bán như một món hàng. Kỳ 1 đã hé lộ một góc khuất đáng sợ của xã hội. Vậy đâu là ranh giới giữa sự sống và cái chết? Liệu có còn tia sáng nào le lói ở cuối đường hầm? Kỳ 2 sẽ đưa bạn đến gần hơn với câu trả lời.
Phản hồi