Danh mục Chủ Nhật, 29/09/2024

Tiêu điểm \

Chợ đen mua bán thận nhức nhối (Kỳ 2): Mặt trái của đồng tiền và những hệ lụy khôn lường

18:21 25-09-2024
Đồng tiền, thứ mà ai cũng khao khát, đã trở thành nguyên nhân chính khiến chợ đen mua bán thận ngày càng nhộn nhịp. Tuy nhiên, đằng sau những đồng tiền kiếm được dễ dàng là những hệ lụy khôn lường mà không phải ai cũng lường trước được. Vậy, chúng ta cần làm gì để chấm dứt tình trạng này?

Đằng sau những đồng tiền: Cái giá quá đắt của sự dại dột

Anh Nguyễn Viết Tài (tên của nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ câu chuyện của mình trên kênh TikTok: “Năm nay mình mới 24 tuổi, nói chung tầm này làm ăn vất vả biết bao giờ mới  bằng được người ta nên thôi nghĩ bán luôn quả thận để đi, để tiêu xài mấy cái mình cần với  để khởi nghiệp luôn. Lúc ấy ấu trĩ có nghĩ được cái gì đâu thế nên ở trên Facebook có thằng  nó bán quá thận, nó trả cho 400 triệu nên mình cũng nhảy vào luôn. Nó nuôi mình trong cái  nhà như nhà thổ ý, mấy ông chuẩn bị bán cái gì trên cơ thể là ở hết đấy, nhìn ghê. Mình tự trấn an, nghĩ thôi một tí ti nữa là ăn 400 triệu rồi. Lúc ấy làm ăn phát đạt rồi thì lắp thêm quả  thận nữa vẫn kịp nhưng ai ngờ sau khi cắt xong quả thận thì nó đuổi về. Mấy hôm sau thấy bank cho mình 100 triệu, mình sốc và dự định 400 triệu tiêu xài cái gì rồi, giờ nó lừa mình như này là chịu rồi. Lúc đấy mình ức, ức lắm luôn ấy. Tầm này mất một bên thận, người mệt mỏi, chán nản, muốn đi chạy Grab cũng chẳng nổi.” 

Một trường hợp tương tự được Truyền hình Hưng Yên phát hiện, chị Quyên chỉ vì hoàn cảnh khó khăn với số tiền lớn nên đã tìm mọi cách để có tiền trả nợ. Thông qua mạng xã hội, chị Quyên đã vào các hội nhóm về mua bán thận bán thận với giá thỏa thuận 350 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi thực hiện phẫu thuật xong thì chị Quyên chỉ nhận được 170 triệu đồng. Số tiền còn lại đã bị đối tượng cò chiếm đoạt. 

Việc bán thận không theo quy định của pháp luật để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe người bán. Mất đi một quả thận đồng nghĩa với việc giảm đáng kể khả năng lọc máu, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như cao huyết áp, suy tim, thậm chí là tử vong. Nhiều người sau khi bán thận phải sống chung với những căn bệnh mãn tính, chất lượng  cuộc sống giảm sút nghiêm trọng. 

Bên cạnh những hậu quả về sức khỏe, việc mua bán thận trái phép còn gây ra gánh nặng  kinh tế cho cả người bán và người mua. Người bán, dù nhận được một số tiền lớn ban đầu, nhưng sau đó phải đối mặt với chi phí điều trị cao, ảnh hưởng đến khả năng lao động, gây khó khăn cho cuộc sống gia đình. Người mua cũng phải đối mặt với chi phí ghép thận rất lớn, chưa kể đến các chi phí thuốc men, theo dõi sau phẫu thuật. 

Mua bán thận trái phép là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức. Việc xem cơ thể con người  như một món hàng để mua bán là hành động vô nhân đạo, đi ngược lại các giá trị nhân văn. Ngoài ra, việc mua bán thận còn tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm như buôn bán  người, rửa tiền. 

Con đường nào để chữa lành những vết thương? 

Để giải quyết vấn nạn mua bán thận, cần phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về những nguy hại của việc này. Các chiến dịch truyền thông cần được triển khai rộng rãi, nhằm giúp  mọi người hiểu rõ hậu quả của việc mua bán thận, từ đó thay đổi hành vi và thái độ.

Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện ghép thận. (Ảnh: TTXVN) 

Việc hoàn thiện khung pháp lý là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn mua bán thận. Các quy định pháp luật cần được bổ sung, cụ thể hóa, nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện và xử lý các đường dây mua bán thận. 

Việc xây dựng ngân hàng thận quốc gia là một giải pháp lâu dài và bền vững. Ngân hàng thận sẽ giúp cung cấp nguồn thận cho những người cần ghép, giảm nhu cầu mua bán thận trái phép. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ tài chính để người dân có thể tiếp cận được  dịch vụ ghép thận. 

Nhiều người bán thận vì hoàn cảnh khó khăn, thiếu việc làm. Vì vậy, cần có những chính sách hỗ trợ người nghèo, tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định, cải thiện cuộc sống. Điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ người dân phải bán thận để trang trải cuộc sống. Các tổ chức xã hội cần tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho những người có nguy cơ bán thận; cần phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua bán thận.

Điều 154 Bộ luật Hình sự 2015 quy định 04 khung hình phạt đối với người  phạm tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người như sau: 
1. Khung hình phạt phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người nào mua bán, chiếm đoạt  mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. 
2. Khung hình phạt phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi người phạm tội thuộc một trong các  trường hợp: Có tổ chức; Vì mục đích thương mại; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề  nghiệp; Đối với từ 02 người đến 05 người; Phạm tội 02 lần trở lên; Gây thương tích hoặc  gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Khung hình phạt phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi người phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau: Có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích hoặc  gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Đối với  06 người trở lên; Gây chết người; Tái phạm nguy hiểm. 
4. Khung hình phạt bổ sung, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định  từ 01 năm đến 05 năm.

Hiền

Phản hồi