Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Hành trình tìm kiếm vẻ đẹp nguyên sơ lối hát Ả đào

17:14 25-09-2024
Kết quả nghiên cứu quy luật hệ thống âm luật Ca trù của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền mới công bố tháng 4 vừa qua là điểm đột phá trong việc bảo tồn bộ môn nghệ thuật đã được đưa vào danh sách Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại UNESCO. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sự thật rằng để được hái quả ngọt này là hành trình tìm kiếm gian truân của ông Hiền kéo dài gần thập kỷ.

Khó khăn trong hành trình truy tìm vẻ đẹp vang bóng một thời

 Hình ảnh một buổi diễn thể loại ca trù truyền thống. (Ảnh sưu tầm)

Ngược dòng lịch sử, Ả đào là một thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp ở tầng bậc kỹ thuật cao với hệ âm luật phức tạp nhất, bao phủ khắp các vùng từ miền Bắc trở vào cho đến Thanh Nghệ Tĩnh. Năm Quang Hưng (1578-1599), Phạm Đình Hổ viết: “...Từ đấy, lối tục nhạc ở chốn giáo phường mới thịnh hành, tế giao miếu và lễ triều hạ hay chốn dân gian tế thần, cũng dùng nhạc ấy..."

Cũng có người thích chơi âm nhạc thì lại phải theo học bọn ca công; bọn ấy đắc chí, chỉ bịa đặt ra để làm cho người nghe hoảng sợ. Ta thường thấy các con nhà thế gia phải dịu lời tươi mặt nịnh nọt kẻ ca công, cầu học lấy giọng hát, bắt chước bộ đi đứng của họ để khoe với chúng bạn” (Ca công - tên gọi khác của Ả đào). Có hai chi tiết nổi bật đáng chú ý từ đoạn trích.

Thứ nhất, việc “người yêu âm nhạc phải theo học bọn ca công (Ả đào)” cho thấy sự thẩm định khắt khe về nghệ thuật. Điều này cũng phản ánh nỗi bức xúc của cụ Phạm Đình Hổ trước hệ âm luật phức tạp của Ả đào, khiến người học cảm thấy hoang mang. 

Thứ hai, câu chuyện “con nhà thế gia phải dịu lời tươi mặt nịnh nọt kẻ ca công” cho thấy vị thế của đào kép trong xã hội. Họ không chỉ là nghệ sĩ mà còn là những biểu tượng văn hóa, khiến lớp thanh niên phải cố gắng học hỏi, bắt chước để khẳng định bản thân trước bạn bè.

Sang đến nửa sau của thế kỷ 20, trước những biến cố lịch sử, cuộc chơi nghệ thuật nghìn năm tuổi này đã dần mai một. Khắp các vùng miền, giáo phường Ả đào giải tán, nhà hát Cô đầu chốn thị thành buộc phải đóng cửa, đào kép mai danh ẩn tích, khuất dần theo bóng xế chiều. Người yêu nghệ thuật ca trù chỉ có thể tìm được những giai điệu quen thuộc thông qua số lượng ít ỏi đầu đĩa hát ca trù do nghệ nhân Quách Thị Hồ thể hiện. 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, việc tiếp cận ca trù thời kỳ đầu là vô cùng khó khăn. Băng đĩa chính thức có mỗi “Thề non nước” của bà Quách Thị Hồ. Những người có băng đĩa cổ thì giấu kỹ. Nghệ nhân vốn đã ít lại e dè khi nói về nghề nghiệp từng bị cấm đoán của họ.

Hơn nữa, giấu nghề đã trở thành một “bản năng”, được đưa vào luật tục của giáo phường. “Ả đào không được phép trao truyền cho người ngoài. Người ngoài giáo phường phải nhận thầy làm con nuôi có lễ đàng hoàng mới được ông trùm giáo phường cho phép dạy”, anh Hiền nói.

Vì thế nhà nghiên cứu họ Bùi từng tham gia xây dựng hồ sơ ca trù trình UNESCO cùng ông Đặng Hoành Loan từ năm 2005, nhưng rồi bỏ giữa chừng bởi: “Nản kinh khủng. Nói ví dụ tôi từng đến quỳ ở lều tranh 3 ngày 3 đêm người ta không thèm tiếp, thôi về đi làm việc khác”. 

Những người yêu ca trù chỉ có thể học “vẹt”, không hiểu sâu bản chất và sự độc đáo, tinh tế của hệ âm luật. Ông Hiền đã chia sẻ câu chuyện khi được chấm thi hát ca trù với nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc: “Tôi ngồi đấy cứ nghe cụ nói cô này hát không được luyến chỗ này, chỗ kia chưa luyến mà không hiểu tại sao như thế. Lúc tôi hỏi thì các cụ lắc đầu không giải thích”.

Vén màn sương mù của quá khứ sâu thẳm

Tưởng chừng mọi cố gắng bị đổ bể thì một bất ngờ xảy ra vào năm 2018 đã thay đổi hoàn toàn hành trình tìm kiếm đầy mù mịt kia. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền được mời làm giám khảo liên hoan ca trù ở Viện  m nhạc. Với ông Hiền đó là sự kiện có tính lịch sử. Trong suốt cả 3 ngày chấm thi,ông nghe nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ chê đào kép trên sân khấu mà không hiểu gì.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền trong ngày ra mắt sách. (Ảnh: Mỹ Giang) 

“Khi đó tôi chợt bừng tỉnh. Cụ là người cuối cùng có thể giải đáp được tất cả câu hỏi về ca trù”, ông nhớ lại. Sau đó ông lập tức lên đường về Hải Dương, ăn nằm tại nhà cụ Đẹ nghiên cứu ca trù để “vén màn sương mù của quá khứ thẳm sâu”.

Rồi ông Hiền phát hiện ra cụ Đẹ còn nhớ toàn bộ thể thức hát cửa đình nên tức tốc thuyết phục cụ truyền dạy cho CLB Ca trù Hải Phòng. Rất kịp thời vì chỉ hơn một năm sau là cụ không còn minh mẫn do tai biến. Tiếp theo ông vào TP.HCM gặp GS.Trần Văn Khuê xin toàn bộ tư liệu âm thanh, đặc biệt là cuốn băng gốc thu bà Quách Thị Hồ năm 1976. Giáo sư cũng cho biết đây là tất cả những gì mà ông đã lục tìm được khắp các thư viện ở Pháp.

Bùi Trọng Hiền còn được nhà nghiên cứu Jason Gibbs (Mỹ) tặng một số bản thu ca trù được phục dựng từ đĩa than 78 vòng. Ông Gibbs cũng kết nối cho một nhà sưu tập ở TPHCM chuyển cho anh Hiền các bản thu của bà Chu Thị Năm. 

Bên cạnh đó, ông Hiền nhớ ra một nguồn tài liệu âm thanh quý báu chưa được khai thác hết vào khoảng thời gian đầu nghiên cứu là 10 băng cát-sét mốc trắng mà nhà nghiên cứu họ Bùi nhận được từ GS. Vũ Nhật Thăng vào năm 2015. Đây là số còn lại từ những gì mà Viện Âm nhạc chuyển cho nhạc sĩ Vũ Nhật Tân (con trai GS. Vũ Nhật Thăng) để anh Tân ký âm từ năm 1996. 

Bùi Trọng Hiền mất 2 tuần thức trắng đêm đêm để lau mốc và cứu được nhiều bản ghi âm quý giá. “Tất cả tư liệu đều giá trị. Họ đều là dân nhà nghề, những danh ca, danh cầm. 

Tôi kiểm soát được nguồn tư liệu sớm nhất từ cuối những năm 1920 thu ở Hong Kong (Trung Quốc) cho đến gần nhất là của cụ Đẹ, cụ Chúc và cô Kim Đức. Nếu không có tư liệu vang, không làm gì được. Cụ Đẹ khi đó quá yếu, trí nhớ và sức lực không đủ cho tôi khai thác”, ông khẳng định.    

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - tiền bối trong nghề và cũng là người theo dõi xuyên suốt hành trình nghiên cứu lối hát ả đào của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã có những lời khen và chúc mừng đến đồng nghiệp của mình: "Dưới góc nhìn của người làm nhạc như tôi, công trình “Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” có đóng góp vô cùng lớn. Đây là cơ sở nghiên cứu cơ bản rất quan trọng để các nhà nghiên cứu, đào tạo và giáo dục âm nhạc sử dụng cho nhiều công việc khác nhau, mở ra nhiều khía cạnh khác trong âm nhạc ca trù".

Phải nói rất rõ chưa có công trình nào nghiên cứu nào sâu và toàn diện đến như thế về âm nhạc ca trù. Tôi đánh giá rất cao công lao, tư duy và thành quả nghiên cứu của tác giả. Bùi Trọng Hiền đã mất rất nhiều công sức nghiên cứu  và đưa ra một thành quả có thể nói là khổng lồ. Có lẽ về sau cũng ít có người nào dám xông vào mặt trận khó như thế này.” 

Sau khi tìm hiểu vén màn được sự thật hệ thống âm điệu của lối hát ả đảo, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã có những buổi truyền dạy đến các câu lạc bộ ca trù. Những nghệ nhân ca trù hiện nay được vỡ lẽ và biết ơn sự dũng cảm và nỗ lực không ngừng của nhà nghiên cứu trong việc bảo tồn lối hát đầy nghệ thuật đầy trí tuệ của dân tộc ta.

“Cuốn sách “Ả đào- một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật” gồm 7 chương. Đặc biệt, chương số 3 “Cung điệu nhạc Ả đào” với phương pháp tiếp cận mới, hệ thống cung điệu nhạc Ả đào đã được định nghĩa theo cách nhìn khoa học âm nhạc đã trả lời câu hỏi có bao nhiêu loại cung điệu trong thể loại, cấu tạo các cung điệu ứng với hệ thống bài bản Ả đào như thế nào đã làm đau đầu các nhà nghiên cứu ca trù suốt thời gian dài.”

Đặng Mỹ Giang

Phản hồi