Danh mục Thứ Bảy, 04/01/2025

Tiêu điểm \

Tái hiện nét xưa: Quá trình phỏng dựng cổ phục Việt

12:16 01-01-2025
Việc phỏng dựng lại một bộ cổ phục không chỉ đòi hỏi sự khéo léo trong kỹ thuật may mặc mà còn là một hành trình khám phá văn hóa, lịch sử đầy công phu. Đây là quá trình tái hiện không gian và thời gian, nhằm mang đến một hình ảnh chân thực nhất về trang phục của một thời kỳ đã qua.

Từ việc nghiên cứu tài liệu lịch sử, tranh ảnh, hiện vật, đến lựa chọn chất liệu, màu sắc, và kỹ thuật may truyền thống, mỗi bước đều cần sự tỉ mỉ và lòng đam mê. Không chỉ dừng lại ở việc tái tạo hình thức, phỏng dựng cổ phục ngày nay còn kết hợp thêm phần sáng tạo, là cách để tái hiện hồn cốt văn hóa, giúp thế hệ hôm nay cảm nhận được tinh hoa của cha ông qua từng đường kim mũi chỉ. 

Lấy cảm hứng từ bức tranh minh họa người An Nam cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 trong cuốn sách “Đại Sách Tranh Về Muôn Vật” (Banbutsu Ehon Daizu) của danh họa Katsushika Hokusai, Đồng Creative đã tái hiện bộ trang phục trên chất liệu lụa xanh xám đổi màu, với viền áo và tay được đính hạt màu đen, kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại.

 Chị Hồng Hạnh - người sáng lập Đồng Creative đang nghiên cứu cấu trúc bộ trang phục từ hình ảnh người An Nam cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 trong cuốn sách “Đại Sách Tranh Về Muôn Vật” (Banbutsu Ehon Daizu) của danh họa Katsushika Hokusai.

 Từ việc nghiên cứu và hiểu cấu trúc, chị sẽ lên thiết kế hoàn chỉnh cho bộ trang phục bao gồm: áo bên trong, áo ngoài, 1 cái túi và 1 dây đai.

 Người may căn cứ vào nguồn gốc bộ trang phục, đối tượng khách hàng và màu sắc khách hàng yêu cầu để chọn loại vải và hoa văn phù hợp.

 

 Bước đo cắt vải đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, cẩn thận. 

 Chị khéo léo, tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ để may ghép các tấm vải với nhau.

 Sau mỗi đường may đều cần phải là phẳng lại để tránh bị xô lệch, ảnh hưởng đến các đường may sau.

 Quan trọng nhất là bước làm viền áo; chị Hạnh phải đo, gấp mép và là vải sao cho thật phẳng và chính xác vì tính chất vải mềm, khó vào nếp.

 Áo giao lĩnh dùng để mặc lót bên trong bộ trang phục. 

 Bộ trang phục được hoàn thành sau 2-3 ngày thực hiện (Ảnh: NVCC)

Thanh Hương

Phản hồi