Ngày 30/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Khóa XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025. Lệnh cấm được cho là một bước ngoặt cấp thiết, kịp thời trước những tác hại nghiêm trọng của thuốc lá điện tử cùng xu hướng “trẻ hóa” độ tuổi tiêu thụ. Quyết định được ban hành nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao nhận thức của người dân và thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Vì sao cần quyết liệt cấm thuốc lá điện tử?
Nhiều người tìm đến thuốc lá điện tử như một hình thức thay thế thuốc lá truyền thống bởi quan niệm sản phẩm này ít độc hại hơn, có mùi hương hấp dẫn hơn. Với những đối tượng là học sinh, sinh viên, việc hút pod, hút vape còn là cách khẳng định sự trưởng thành, thể hiện cá tính ăn chơi, sành điệu, bắt kịp xu hướng. Thuốc lá điện tử cứ thế len lỏi vào đời sống học đường, đầu độc những đứa trẻ chết dần chết mòn trong thứ hương liệu và làn khói đầy mê hoặc.
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Mức sử dụng thuốc lá điện tử cao thuộc nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.
Thuốc lá điện tử dù được quảng cáo là sản phẩm thay thế an toàn hơn nhưng thực chất vẫn chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khỏe. Thành phần chính của thuốc lá điện tử bao gồm dung dịch điện tử (e-liquid) chứa nicotine, propylene glycol, glycerin, hương liệu và các chất phụ gia khác. Khi được đốt nóng, hỗn hợp này tạo ra hơi để người dùng hít vào. Đặc biệt, nicotine là chất gây nghiện rất mạnh, đặc biệt đối với thanh thiếu niên, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim mạch, đột quỵ và các bệnh lý khác. Ngoài ra, các chất khác như propylene glycol và glycerin khi đốt nóng có thể tạo ra các chất độc hại, gây kích ứng đường hô hấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi.
Đáng chú ý, hương liệu trong thuốc lá điện tử có thể bị phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, bao gồm cả ma túy. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn nhiều loại ma túy và các chất kích khác vào các sản phẩm thuốc lá điện tử, đánh vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang diễn ra phức tạp. Trong một số vụ việc được điều tra, phát hiện, đã có những học sinh được đưa vào cấp cứu trong trạng thái vật vã, kích thích, loạn thần, ảo giác... do ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử chỉ sau một lần hút.
Năm 2024 liên tiếp ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc ma túy từ thuốc lá điện tử ở giới trẻ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc thuốc lá điện tử. Tiêu biểu trong tháng 7 năm 2024, 1 nam thanh niên 20 tuổi được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, có tổn thương não, tim, nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy thận do sử dụng thuốc lá điện tử chứa cần sa tổng hợp.
Việc mua bán thuốc lá điện tử, hương liệu diễn ra tràn lan, chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Hình thức kinh doanh, giao dịch này giúp giới trẻ dễ dàng đặt hàng - nhận hàng, người bán còn phối hợp với các em “che mắt” phụ huynh bằng tên gọi những sản phẩm vô hại khác. Sản phẩm được rao bán công khai trên mạng với đủ mọi mẫu mã, hương liệu, giá cả cùng lời chào mời hấp dẫn “đánh lừa” những cô cậu thanh thiếu niên non nớt. Ai có thể đảm bảo rằng những khói thơm kia chỉ phảng phất mùi dâu, mùi bạc hà,... mà không hề trộn lẫn với ma túy? Nếu không quyết liệt cấm, tương lai những đứa trẻ sẽ đi về đâu trong cơn mê man về thể xác, tinh thần?
Cấm thuốc lá điện tử - Bắt đầu cuộc chiến mới
Sau khi quyết định có hiệu lực từ 1/1/2025, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ chính thức bị liệt vào “danh sách đen” những mặt hàng bị cấm sử dụng, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển. Lệnh cấm đã giáng một đòn mạnh lên thị trường thuốc lá điện tử tràn lan, trôi nổi nhưng không loại trừ khả năng sản phẩm này sẽ lui về hoành hành trên thị trường “chợ đen” - nơi càng khó kiểm soát. Có cầu mới có cung, nhiều “tín đồ” của thuốc lá điện tử nhất thời chưa thể cai nghiện sẽ lén lút tìm kiếm và mua hàng tích trữ. Ngược lại, lợi dụng “cơn nghiện” của những người chưa thể bỏ thuốc, các chủ hàng vẫn coi kinh doanh thuốc lá điện tử là một nghề hái ra tiền, hoàn toàn có thể xảy ra hiện tượng “độn giá” khi sản phẩm đã trở thành phạm pháp. Việc cấm thuốc lá điện tử sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn do thói quen sử dụng “khói thơm” đã ăn sâu vào cuộc sống nhiều người, đặc biệt là giới trẻ chưa vững vàng về tâm lý. Bên cạnh đó, việc buôn lậu và sử dụng trái phép vẫn tồn tại khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.
Cấm thuốc lá điện tử là giải pháp mang tính “pháp trị” cấp thiết kịp thời. Song, tích cực giáo dục, nâng cao hiểu biết cho thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử là giải pháp “đức trị” hiệu quả, mang tính lâu dài. Cuộc chiến trên mặt trận giáo dục, tư tưởng đòi hỏi sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội nhằm bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những cám dỗ, từng bước đẩy lùi ảnh hưởng của thuốc lá điện tử ra khỏi đời sống học đường. Chúng ta cấm thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng đồng thời cũng phải thực thi lệnh cấm này một cách hiệu quả nhất, nghiêm ngặt nhất. Không thể cấm mà giới trẻ vẫn phì phèo, người bán vẫn kiếm được đồng ra đồng vào.
Phụ huynh học sinh vui mừng khi cấm thuốc lá điện tử, tuy nhiên chính gia đình là những người quan trọng nhất cần chủ động bảo vệ con em mình khỏi những cám dỗ, những lời mời gọi thường trực của kẻ xấu. Cha mẹ cần có biện pháp giáo dục tại nhà phù hợp, để ý những bất thường trong sức khỏe, hành vi của con cái, đồng thời thường xuyên lắng nghe và chia sẻ với con nhằm tạo một chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp con trẻ không phải tìm đến những chất kích thích để giải tỏa.
Là người mẹ có con trai trong độ tuổi thiếu niên, con học xa nhà khiến chị Hoàng Thị Loan (Thái Bình) không khỏi lo lắng con sẽ sa chân vào loại sản phẩm độc hại này. Khi biết lệnh cấm thuốc lá điện tử được thông qua và chính thức có hiệu lực từ năm 2025, chị Loan mừng rỡ bày tỏ: “Tôi rất ủng hộ lệnh cấm này. Thông tin báo đài đưa rất nhiều, ai cũng biết thuốc lá điện tử quá nguy hiểm, đặc biệt khi nhiều bạn trẻ chỉ vì sĩ diện mà đánh đổi sức khỏe. Mong lệnh cấm sẽ giúp con tôi và nhiều bạn trẻ khác tránh xa được những tác hại của nó”.
Mặt khác, nhiều phụ huynh chưa mừng vội khi lệnh cấm được ban hành bởi nỗi lo sẽ phát sinh những vấn đề khác khó nhằn hơn. Chị Phạm Thị Dương (Hà Nội) có con gái học lớp 7 thẳng thắn bộc bạch: “Cấm là một chuyện, nhưng làm sao để các con không tìm đến những thứ khác mới là vấn đề. Chúng ta cần có những chương trình giáo dục ý thức về sức khỏe cho trẻ một cách thường xuyên hơn. Bản thân gia đình cũng cần phải quan tâm đến con cái nhiều hơn, tạo cho các con một môi trường lành mạnh, an toàn ngay trong chính ngôi nhà của mình để các con không cảm thấy cô đơn và tìm đến những thứ không tốt”.
Để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá điện tử đối với học sinh, nhà trường cần có những biện pháp đồng bộ. Chương trình học có thể xem xét tích hợp nội dung về thuốc lá điện tử vào các môn học như sinh học, giáo dục sức khỏe nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về thành phần, cơ chế gây hại và những hệ lụy nghiêm trọng của việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới. Đồng thời, nhà trường có thể tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia y tế, những người từng trải sẽ cho học sinh có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề.
Các chiến lược, dự án truyền thông cần được đẩy mạnh nhằm tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá điện tử. Thông qua ngôn ngữ gần gũi, hình ảnh sống động, các video ngắn, infographic hấp dẫn,... sẽ giúp việc truyền tải hiệu quả hơn, đi sâu vào trong nhận thức của giới trẻ. Bên cạnh đó, việc hợp tác với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội hay những thần tượng giới trẻ sẽ giúp thông điệp lan tỏa nhanh chóng, rộng rãi hơn.
Anh Vũ Quang Trung (25 tuổi, Hà Nội) nhiệt tình ủng hộ: “Mình thực quan ngại về việc nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những người mới lớn bị cuốn vào thuốc lá điện tử đến nỗi rất khó cai nghiện. Mình nghĩ rằng lệnh cấm dù là bước khởi đầu nhưng cũng sẽ hỗ trợ rất lớn trong việc đẩy lùi tác hại của thuốc lá điện tử ra khỏi cộng đồng. Những giải pháp mang tính tuyên truyền, giáo dục từ sau sẽ có cơ sở để đẩy mạnh hơn, được đầu tư hơn khi có sự hậu thuẫn, ủng hộ bởi luật pháp. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề về nhận thức, làm sao để các bạn trẻ hiểu được tác hại của thuốc lá điện tử và chủ động tránh xa nó, thay vì bị phát hiện sử dụng mới cắn răng chịu phạt, hay thậm chí đến khi sức khỏe suy giảm mới bắt đầu ngộ ra và hối hận”.
Chế tài buộc người tiêu dùng đoạn tuyệt thuốc lá điện tử là một quyết định quan trọng bảo vệ sức khỏe người dân. Trước những hiệu quả có thể dự đoán, nhiều vấn đề, thách thức cũng được đặt ra, đòi hỏi sự quản lý, quán triệt nghiêm khắc, phối hợp cùng những biện pháp giáo dục, răn đe. Để thuốc lá điện tử bị loại khỏi đời sống đòi hỏi những chính sách, chiến lược về lâu về dài, cần sẵn sàng cho một cuộc chiến dai dẳng, phức tạp nhằm ngăn chặn những chất độc ngấm vào xã hội.
Phản hồi