Giữ lại "hồn Việt"
Theo TS. Trần Đoàn Lâm (Nguyên Chủ tịch Quỹ Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam Phát triển Văn hóa Vùng và Dân tộc ít người): “Cách tân gắn với cổ phục là có thêm những chi tiết sáng tạo áp dụng vào những nguyên mẫu cổ, dựa trên ý tưởng của nhà thiết kế.”
Tuy nhiên, định nghĩa về cách tân cổ phục đến nay vẫn chưa được thống nhất, kéo theo nhiều tranh luận. Trong đó có trường hợp cách tân áo Nhật Bình nhiều năm trước. Cụ thể, việc lược bỏ phần lớn hoa văn trên áo để phù hợp với xu hướng tối giản đã khiến không ít người liên tưởng đến áo Phi Phong thời Minh (Trung Hoa) thay vì nguyên mẫu Việt. Sự thay đổi này không chỉ làm mất đi vẻ đẹp độc đáo của cổ phục, mà còn làm phai nhạt những giá trị văn hóa được gửi gắm trong những hoạ tiết.
Lúc này, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhận diện và bảo tồn “hồn Việt” trong quá trình cách tân? Câu trả lời nằm ở việc gìn giữ những giá trị “nguyên mẫu”. Nhà nghiên cứu, sưu tầm Trần Quang Minh Tân (bút danh Nguyên Phong) chia sẻ: “Cách tân phải dựa trên những yếu tố nguyên mẫu. Khi nhìn vào áo cách tân, người ta vẫn phải nhận ra trang phục gốc và bản sắc dân tộc. Nếu cách tân không còn tính nguyên mẫu, theo tôi nó không mang lại nhiều giá trị.”
Nhìn chung, nguyên mẫu ở đây không chỉ là phom dáng cơ bản, chất liệu truyền thống, mà quan trọng là tinh thần, triết lý thẩm mỹ đặc trưng của dân tộc ẩn chứa trong từng thiết kế. Trang phục Việt xưa mang vẻ thanh lịch, chuộng những hoa văn giàu tính thẩm mỹ và nhiều tầng nghĩa sâu sắc. Dù sử dụng nhiều màu sắc, mật độ hoa văn dày, nhưng nhờ kỹ thuật thêu tinh xảo, cổ phục vẫn toát lên vẻ quý phái mà không bị rườm rà. Nổi bật nhất là sự kín đáo. Trong cuốn “Xứ Đàng Trong” (1621) của tác giả Cristophoro Borri đã đề cập đến cách ăn mặc của người Việt đầu thế kỷ 17, dù thời tiết nóng bức nhưng vẫn kín đáo hơn hẳn những dân tộc khác trong vùng. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Như vậy, trang phục xưa không chỉ là trang phục, mà qua đó còn thấy được nét tính cách đặc trưng của dân tộc Việt Nam: kín đáo, tinh tế, không quá khoa trương nhưng vẫn vô cùng sang trọng.
Từ giữ gìn đến nâng tầm
Trên thực tế, cách tân cổ phục hiện nay đang đối mặt với áp lực từ xu hướng thương mại hóa mạnh mẽ. Nhiều nhà thiết kế ưu tiên sản xuất hàng loạt với tiêu chí “nhanh” và “rẻ” để đáp ứng nhu cầu đại chúng, dẫn đến việc sử dụng chất liệu kém chất lượng và giản lược hoa văn đến mức hời hợt, thiếu chiều sâu văn hoá.
Tất nhiên, sáng tạo là quyền con người và cần được tôn trọng, khuyến khích như một cách tiếp nối và làm giàu thêm giá trị văn hóa. Thế nhưng, cách tân cần có định hướng rõ ràng, tránh biến tướng hoặc làm mất đi bản sắc của cổ phục. Để làm được điều này, TS. Trần Đoàn Lâm nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức về bản sắc văn hóa và lòng tự hào dân tộc là vô cùng cần thiết. Giới trẻ, đặc biệt là các nhà thiết kế cần tích cực trau dồi tri thức về di sản văn hóa truyền thống. Đồng thời, các thế hệ đi trước cần đóng vai trò hỗ trợ, trao truyền để đảm bảo dòng chảy văn hóa không bị đứt đoạn.
Từ nền tảng bảo tồn, nhiệm vụ nâng tầm cổ phục trở thành bước kế tiếp. Giữ gìn cốt lõi bản sắc đã khó, nhưng nâng tầm những giá trị xưa trong bối cảnh hiện đại lại càng khó hơn. Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Minh Tân, cách tân cổ phục cần đáp ứng hai tiêu chí: đầu tiên là đảm bảo được giá trị nguyên bản, sau là làm mới để phù hợp với đời sống đương đại. “Nó đòi hỏi tài năng của nhà thiết kế, có thể cắt ngắn, giản lược cho tinh gọn, dễ dàng vận động trong đời sống thường nhật. Hoặc có thể cải tiến về chất liệu nhẹ, thoáng, màu sắc phù hợp với thẩm mỹ đương đại.”
Một hướng đi đáng chú ý là cải tiến công nghệ sản xuất nhằm tối ưu chi phí nhưng vẫn đảm bảo giá trị thẩm mỹ. Chẳng hạn, hiện nay một số đơn vị đã sử dụng kỹ thuật in 3D thay vì thêu tay truyền thống, giúp giảm giá thành và tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng hơn. Bên cạnh đó, việc cải tiến hay ứng dụng chất liệu mới, vừa thoáng mát, mềm mại lại thân thiện với môi trường cũng là giải pháp phù hợp với xu hướng thời trang bền vững ngày nay.
Để cổ phục thực sự vươn tầm, sáng tạo cần song hành cùng việc xây dựng giá trị thương hiệu. Một bộ cổ phục cách tân không chỉ là sản phẩm thời trang, mà cần chứa đựng thông điệp về bản sắc dân tộc. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản vào nghiên cứu để đảm bảo mỗi thiết kế đều mang đậm hồn cốt dân tộc. Cùng với đó, quảng bá là yếu quan trọng để cổ phục cách tân có thể vươn ra quốc tế. Các nhà thiết kế có thể tận dụng các nền tảng truyền thông hiện đại như mạng xã hội, các chiến dịch marketing sáng tạo; hay các triển lãm văn hóa, sự kiện thời trang chuyên biệt để lan tỏa giá trị cổ phục. Ngoài ra, cũng cần có sự chung tay từ nhiều phía như nhà nước, các tổ chức văn hóa, và cộng đồng người tiêu dùng nhằm khuyến khích sự sáng tạo, góp phần lan toả hình ảnh và bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế.
Phản hồi