Danh mục Thứ Hai, 06/01/2025

Tiêu điểm \

Trí tuệ nhân tạo (AI) và sự học tương lai

16:51 31-12-2024
AI đang được nhiều quốc gia phát triển áp dụng vào các lĩnh vực quan trọng, trong đó có giáo dục và mang lại sự thay đổi rất lớn. Đối với học sinh sinh viên, sử dụng AI trong học tập đã trở nên rất phổ biến và dần trở thành một “phương pháp học tập” được ưa chuộng.

Sự hợp nhất của AI với hệ thống học tập kỹ thuật số ngày nay tạo nên khái niệm học tập hoàn toàn mới. Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đã cách mạng hóa các phương pháp học tập truyền thống, đem lại những trải nghiệm thú vị hơn cho người sử dụng, đặc biệt là đối tượng học sinh và sinh viên. Theo một nghiên cứu khoa học được công bố trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) hồi tháng 5, có đến có 97,01% sinh viên biết đến Chatbot; 78,92% sinh viên sử dụng ChatGPT trong học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 Trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đã cách mạng hóa các phương pháp học tập truyền thống. (Ảnh minh họa)

Có muôn vàn những lợi ích mà sinh viên thu được khi có sự trợ giúp của AI nếu được sử dụng đúng cách. Tuy vậy, vẫn còn đó những nguy cơ tiềm ẩn khi học sinh sinh viên quá “lạm dụng”  các công cụ hỗ trợ này, đôi khi dẫn tới va chạm các giá trị học thuật.

Nâng cao hiệu suất, tiết kiệm thời gian

Nguyễn Phương Anh, sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế, trường đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đã sử dụng AI từ rất sớm chia sẻ: “Tùy thuộc vào từng môn học, mục đích thì mình sẽ sử dụng các phần mềm khác nhau. Grammarly, Quizbot hỗ trợ trong việc viết luận, kiểm tra lại từ vựng và ngữ pháp. Gemini để tìm kiếm những thông tin được cập nhật gần đây nhất, đối với phân tích bài tập, tổng hợp thông tin mình sẽ sử dụng ChatGPT, mọi thứ trở nên nhanh và đơn giản hơn nhiều.” 

 Việc sử dụng các công nghệ hỗ trợ như Chatbot AI khiến cho việc học trở nên dễ dàng hơn. (Ảnh: Hồng Nhung)

Với mỗi phần mềm khác nhau sẽ có những tính năng nổi trội khác nhau, nếu đầu tư thời gian và trải nghiệm để hiểu và khai thác được những điểm mạnh của từng công cụ, việc học tập sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều các công cụ chatbot AI được coi như “chuyên gia” trong những lĩnh vực nhất định.

“Theo trải nghiệm cá nhân mình, ChatGPT sẽ hỗ trợ người dùng tốt hơn với những câu hỏi không quá học thuật hay những câu hỏi về ngôn ngữ. Blackbox AI thường được mình sử dụng để làm các bài tập về lập trình, code,.. Mình cũng thường đưa vào những file giáo trình mình chưa hiểu vào NotebookLM để nhận được những cách giải thích dễ hiểu hơn, công cụ này đóng vai trò khá tốt như một giảng viên cá nhân.” Đào Xuân Huy, sinh viên ngành Kỹ thuật vi sinh, trường Đại học Bách Khoa thổ lộ.

“Có một số bài tập yêu cầu tìm case-study giới hạn trong 3 năm, việc tìm kiếm trên Google mất rất nhiều thời gian vì phải đọc từng bài, dữ liệu trên mạng cũng cũ, không đáp ứng được mục đích tìm kiếm của mình.” Phương Anh trao đổi thêm.

Bạn Nguyễn Khánh Toàn, hiện đang theo học ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học Bách Khoa cũng đồng ý với quan điểm này: “Cùng với một thời gian nhất định, mình sẽ tìm hiểu được nhiều chủ đề hơn nếu sử dụng AI. Đồng thời, nếu có bất kỳ chỗ nào chưa hiểu, tôi hoàn toàn có thể hỏi lại để AI giải thích kỹ hơn. Đây là chính là cái mà tìm kiếm thông tin theo hướng truyền thống không làm được”

Trong kỷ nguyên 4.0, việc chỉ học tập theo các phương pháp truyền thống không đem lại nhiều lợi ích. Cùng với sự trợ giúp của AI, học sinh có thể học được nhiều hơn do khối lượng thông tin của AI rất lớn, nâng cao khả năng tự học. Người dùng có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào và nhận được sự trợ giúp bất kể thời gian nào mà không cần phải thông qua giáo viên. 

“Nhiều khi mình rất ngại hỏi giảng viên trên lớp dù có phần chưa hiểu bài, giờ thì dễ dàng hơn nhiều vì AI sẽ giải đáp tất cả.” Xuân Huy nói thêm: “Khi làm nghiên cứu khoa học, ChatGPT có thể hỗ trợ mình đọc qua và tóm lược ý chính của tất cả các bài nghiên cứu, không cần phải tự đọc tất cả. Chính vì thế nên hiệu suất công việc của mình cũng tăng lên gấp đôi”

Cá nhân hóa trải nghiệm học tập

Ngoài việc giúp cho hiệu suất học tập tăng cao, AI còn có khả năng phân tích dữ liệu học tập của từng học sinh, xác định điểm mạnh, yếu và nhu cầu riêng. Dựa trên phân tích này, AI tạo ra chương trình học tập cá nhân hóa phù hợp với từng học sinh, giúp tăng hiệu quả học tập. Hệ thống quản lý học tập (Learning Management System) như Moodle và Blackboard đang ứng dụng AI để cung cấp trải nghiệm học tập tùy chỉnh. Các phần mềm học tập thông minh như Khan Academy và Duolingo cũng sử dụng AI để điều chỉnh mức độ khó và nội dung học tập phù hợp với từng học sinh.

Chatbot AI hay các phần mềm trợ lý ảo quen thuộc với học sinh hơn cả, nói về vấn đề này, Xuân Huy cũng chia sẻ thêm: “AI giúp mình tóm tắt bài học, tổng hợp kiến thức cả tiết, thậm chí là cả kỳ học, lên kế hoạch học tập, dựa vào thông tin được cung cấp để thiết kế câu hỏi để ôn tập trước khi đi thi.”

“Mỗi tuần giảng viên sẽ cung cấp những câu hỏi ôn tập, ChatGPT sẽ giúp mình tổng hợp và ra thêm những câu hỏi ôn tập, kèm đáp án để mình ôn luyện bài.”

Nhờ sự giúp đỡ của AI, người học được thiết kế những “lộ trình” cá nhân phù hợp với sức học, được theo dõi quá trình tiến bộ, định hướng trọng tâm ôn tập với mục tiêu đặt ra. Có thể thấy, AI làm được nhiều hơn việc chỉ trả lời những câu hỏi mà người dùng đặt ra. Nếu được sử dụng một cách khoa học, AI chính là tương lai của giáo dục.

Tồn tại những hạn chế nhất định 

Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra một số hạn chế đáng kể. Về mặt kỹ thuật, AI có thể mắc lỗi trong việc đánh giá, phân tích và cung cấp thông tin, đồng thời giới hạn dữ liệu và tốc độ xử lý. 

Nguyễn Phương Nam, cũng đang theo học tại trường Đại học Bách Khoa chia sẻ: “Độ tin cậy mình dành cho ChatGPT và những công cụ AI khác chỉ rơi vào khoảng 70-80%. Cùng một câu hỏi đó, mỗi lần AI sẽ đưa ra những câu trả lời không giống nhau, hay thậm chí có sự chênh lệch giữa các nền tảng AI khác nhau. Điều đó đã khiến mình nghi ngờ về độ chính xác của thông tin mà nó cung cấp”

Nghiêm trọng hơn, việc luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ AI thay vì chủ động suy nghĩ làm tăng khả năng phụ thuộc quá mức vào AI, từ đó làm giảm khả năng tư duy và giải quyết vấn đề.

Phương Anh tâm sự: “Hồi năm nhất khi mình chưa dùng AI, mình luôn chủ động tìm kiếm từ nhiều nguồn. Khi có AI rồi thì mình lười suy nghĩ hơn. Có những môn học mình thậm chí lấy luôn kết quả từ đó mà không bổ sung gì thêm. Mình biết đáp án đó rất chung chung, không có sự sáng tạo và không có tính mới mẻ như khi tự làm.”

Rõ ràng, học sinh sinh viên cũng tự ý thức được việc họ đang ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ hỗ trợ, tuy vậy, họ vẫn chấp nhận vì những lợi ích trước mắt của AI đem lại là quá lớn. Học sinh, sinh viên cũng bày tỏ hy vọng sẽ có thêm những khóa học, các môn học trên trường dạy về cách sử dụng AI sao cho hiệu quả. Bên cạnh sự quản lý, giám sát của gia đình, nhà trường và các cơ quan có thẩm quyền, việc để AI tác động thế nào đến sự học tương lai còn đến phần nhiều từ chính những người sử dụng chúng .

Hồng Nhung - Báo Mạng điện tử CLC K42

Phản hồi