Danh mục Thứ Hai, 06/01/2025

Tiêu điểm \

Lối sống “phông bạt” của giới trẻ hiện đại: Đến những giá trị đạo đức cũng lu mờ

21:38 31-12-2024
“Phông bạt” diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, không chỉ nhằm tăng sức ảnh hưởng mà còn là “vỏ bọc” giúp nhiều người che giấu những mục đích thật sự đằng sau. Lối sống độc hại này đã và đang gây ra nhiều hậu quả khôn lường đối với giới trẻ.

“Phông bạt” là từ lóng để chỉ lối sống giả tạo khi con người chỉ thể hiện những mặt tốt đã được tô điểm và chỉnh sửa, che giấu đi những khuyết điểm và sự thật. Cụm từ này bất ngờ trở thành xu hướng vào khoảng tháng 10 năm 2024 - thời điểm bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc nước ta qua sự việc nhiều người có sức ảnh hưởng đã “thổi phồng” số tiền từ thiện cho đồng bào vùng bão, lũ. Không chỉ là biểu hiện suy thoái về đạo đức, “phông bạt” từ lâu đã trở thành một lối sống độc hại của một bộ giới trẻ trong xã hội.  

“Phông bạt” từ “ngoài” vào “trong”

Sự phát triển của các nền tảng số đã và đang giúp giới trẻ dễ dàng hơn trong việc thể hiện bản thân và kết nối với mọi người. Nhiều người trẻ bất chấp những rủi ro, hậu quả để xây dựng một hình ảnh hoàn mỹ về nhan sắc, gia thế, tài sản,... thậm chí “đánh bóng” cả lương tâm trước xã hội và công chúng. Với lối sống này, vỏ bọc sang chảnh bao nhiêu thì lợi ích sẽ nhận về bấy nhiêu, miễn là sự thật chưa bị phơi bày ra ánh sáng.

Những món ăn chế biến công phu, nơi nghỉ dưỡng sang trọng hay những trang sức, váy áo hàng hiệu đã giúp nâng tầm giá trị con người. Tuy nhiên, giá trị càng cao thì số tiền phải chi trả càng lớn. Thực tế cho thấy, chi tiêu vượt quá mức độ tài chính cho phép đã khiến không ít bạn trẻ phải chật vật xoay sở nhằm duy trì sự giàu có “ảo” trên mạng xã hội. Nhiều người sống xa hoa trên công sức lao động của bố mẹ, vay nợ tiêu dùng hoặc thậm chí “nương nhờ” vào những cách kiếm tiền phạm pháp.

"Mượn" hàng xa xỉ của người khác đăng lên trang cá nhân của mình, ghép mặt vào hình ảnh của người khác để được "nhập vai" vào cuộc sống sang chảnh. 

Không chỉ xe hơi, nhà lầu và những cuộc vui xa xỉ, “phông bạt” về bằng cấp, kinh nghiệm cũng là một biểu hiện đáng quan ngại trong giới trẻ hiện nay. Trên các nền tảng mạng xã hội có không ít những “tài năng” trẻ thành công sớm, gây ấn tượng với loạt thành tựu đáng ngưỡng mộ. Trong khi một số bạn trẻ đồng trang lứa cảm thấy áp lực vì chưa thể bắt kịp, những người khác lại nhanh chóng phát hiện điểm bất thường, khui ra những sự giả dối đằng sau bảng thành tích hào nhoáng.

Bảng thành tích khủng gây choáng ngợp của cô gái trẻ liên tục bị cộng đồng mạng đối chất. 

Đến nay, “phông bạt” không chỉ dừng lại ở vẻ ngoài sang chảnh mà đã ngấm vào cả lương tâm bên trong một số người. “Cú đánh úp” bất ngờ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phơi bày nhiều cái tên nổi tiếng có hành vi “phông bạt tiền từ thiện”. Tiêu biểu như MC, Tiktoker Việt Anh Pí Po (Phùng Việt Anh) đã đăng lên mạng xã hội hình ảnh chuyển khoản hàng chục triệu đồng, tuy nhiên khi đối chiếu với bản sao kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, số tiền thực tế mà nam Tiktoker từ thiện lại là 1 triệu đồng. Trường hợp khác của Tiktoker, Cựu vận động viên thể dục dụng cụ quốc gia Louis Phạm (Phạm Như Phương) cũng đã nhận về nhiều chỉ trích vì “thổi phồng” số tiền ủng hộ đồng bào vùng bão lũ từ 500.000 đồng thành một khoản tiền có 8 chữ số. 

Trong hoàn cảnh đất nước chịu nhiều mất mát, đau thương do thiên tai gây ra; một số bạn trẻ, đặc biệt là những người có sức ảnh hưởng lại lợi dụng thời cơ để đánh bóng tên tuổi, đặt lợi ích của mình lên trên nỗi đau của người khác. Hành vi này đã gây thất thoát số tiền quyên góp, làm mất đi ý nghĩa nhân văn của việc từ thiện khi cái “tâm” đã bị lu mờ bởi sự ích kỷ.

Bệ phóng thành công và khao khát được chú ý

Theo tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu được thể hiện bản thân (Self-Actualization Needs) nằm ở cấp độ cao nhất, biểu thị sự thăng tiến và phát triển cá nhân đạt đến đỉnh cao của con người. Trong thời đại ngày nay, thế hệ trẻ phải không ngừng nâng cấp bản thân để sẵn sàng bước vào một thị trường lao động cạnh tranh khắc nghiệt. Chỉ khi đã đủ “tỏa sáng” để gây sự chú ý và được mọi người công nhận, người trẻ mới có nhiều cơ hội, mối quan hệ và tăng sức ảnh hưởng.

Mặt khác, nhiều bạn trẻ vội vàng muốn thành công, không muốn bị tụt hậu so với bạn bè đồng trang lứa mà bỏ qua giai đoạn xây dựng nền tảng, chưa tích lũy đủ tài sản, kinh nghiệm. Tâm lý học gọi tên hiện tượng này là Nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO - Fear of Missing Out), biểu thị cảm giác lo sợ của con người khi không nắm bắt được những thông tin, sự kiện, trải nghiệm hoặc quyết định có khả năng cải thiện cuộc sống của họ. Nỗi sợ này càng ám ảnh hơn với nhiều người trẻ - những công dân của thời đại công nghệ số khi mạng xã hội giúp người dùng dễ dàng cập nhật về trạng thái cuộc sống của mình.

 Hội chứng Sợ bị bỏ lỡ có liên quan mật thiết đến nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.

Là một người trẻ thường xuyên theo dõi, cập nhật tin tức trên mạng xã hội, bạn Phương Thảo (20 tuổi), sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Theo mình lý do chủ yếu nhiều người trẻ bây giờ có lối sống phông bạt là để thoả mãn nhu cầu được thể hiện bản thân mình. Họ thích cảm giác được người khác ngưỡng mộ, ghen tị nhưng bản thân chưa đủ điều kiện nên chọn cách phông bạt. Mình thấy hiện tượng phông bạt liên quan khá mật thiết với nỗi sợ bị bỏ rơi, ví dụ như hiện nay đang rất hot bộ môn thể thao pickleball, người người nhà nhà thi nhau đi chơi pickleball, vậy nên tâm lý thường thấy của những người có lối sống phông bạt đó là ‘Mình phải đu trend, mình cũng phải check in chơi pickleball để người ta trầm trồ’. Và mình thấy FOMO cũng là một yếu tố quan trọng khiến nhiều người chọn phông bạt bên cạnh việc họ muốn thể hiện bản thân”.

“Phông bạt” còn là công cụ được nhiều người sử dụng nhằm đạt được một mục đích cụ thể. Để số lượng khách hàng tăng lên, nhiều người bán đã “thổi phồng” uy tín thương hiệu, doanh thu và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nhiều người quảng cáo đã gắn cho mình những thành tích lớn, chức vụ cao nhằm tăng mức độ tin cậy, thu hút đông đảo lượt đăng ký khóa học trực tuyến. Một số đối tượng còn xây dựng hình ảnh sang chảnh, giàu có để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. 

Các đối tượng tạo cho mình một vẻ ngoài thành công, lịch lãm nhằm thu hút những người nhẹ dạ cả tin, muốn làm giàu nhanh chóng. 

“Phông bạt” vốn là hành vi mang bản chất gian dối. Để đạt được sự ngưỡng mộ, công nhận và thành công nhất thời; nhiều người trẻ đã chấp nhận đánh đổi những giá trị cốt lõi, đặt uy tín sự nghiệp, danh tiếng của mình vào rủi ro. Lối sống này dễ khiến giới trẻ đánh mất chính mình khi phải sống theo những tiêu chuẩn của người khác, làm mất lòng tin của bạn bè, cộng đồng xung quanh và luôn quay cuồng trong cuộc chạy đua vật chất phù phiếm. 

Bạn Phương Linh (20 tuổi), sinh viên trường Đại học Ngoại thương cho rằng mỗi người cần tập trung vào những giá trị thật bên trong mình. “Thay vì chạy theo những giá trị ảo, các bạn trẻ có thể chọn cách đi chậm mà chắc. Hãy tập trung vào việc xây dựng một cuộc sống chân thật, học hỏi thêm kỹ năng và không ngừng trau dồi kinh nghiệm, trân trọng những mối quan hệ xung quanh và tìm kiếm niềm vui trong những điều giản dị”.

Mỹ Uyên

Phản hồi