Danh mục Chủ Nhật, 05/01/2025

Tiêu điểm \

Mái ấm tình thương: Đừng gọi tôi là vô gia cư!

03:59 03-01-2025
Gặp gỡ từng mảnh đời chơi vơi, sống cùng những kiếp người lênh đênh trên sông Hồng, lạc lõng nơi phố thị rồi thuyết phục họ chuyển về ngôi nhà “Hà Nội Chung Tay”, đó là điều mà nhóm bạn trẻ Lê Thanh Hải, Lê Minh Sơn và Nguyễn Vương Anh đã thực hiện để thành lập dự án tạo chỗ ở cho người vô gia cư. 2 năm kể từ ngày bắt đầu, ngôi nhà nhỏ ở ngõ 76 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ đã che chở cho nhiều mảnh đời bất hạnh, mang niềm tin cho họ về một cuộc sống đàng hoàng, tử tế hơn.

Phải sống cùng mới biết họ khổ thế nào

Bắt đầu lên Hà Nội làm việc vào cuối năm 2022, Lê Thanh Hải (24 tuổi, Thanh Hoá) đã bắt tay vào làm thiện nguyện. Thời điểm đó, anh thường đi phát cơm, mang quà cho những người vô gia cư. Trong một lần cùng trò chuyện với cụ già trên phố, anh hiểu được điều họ thật sự cần không phải là đồ ăn, thức uống hay tiền bạc mà đó chính là một chỗ ở. “Một hôm khi đi phát quà, tôi gặp một cụ ông thì ông có bảo rằng quà lúc nào tôi cũng nhận, mà ngày nào cũng được nhận, một đêm nhận đến 10 – 20 xuất cơ, không ăn hết được. Thế là tôi mới bảo thôi, để cháu thuê cho ông một cái phòng trọ” – anh Hải chia sẻ.

Anh Lê Thanh Hải, người thành lập dự án “Hà Nội Chung Tay” nhớ lại về những ngày sống cùng ông Quý ven sông Hồng. (Ảnh: Ngọc Khuê) 

Ý tưởng thành lập nên mái ấm cho những người vô gia cư của anh cũng bắt đầu nhen nhóm từ đây. Thế nhưng, thuyết phục họ về ở và tin tưởng vào những điều anh đang làm lại chẳng hề dễ dàng. Bởi, những người không sợ chết cũng chẳng sợ khổ, mấy chục năm vạ vật ngoài đường thì có vất vả hơn nữa họ cũng đành chấp nhận. Vậy là Hải chọn cách tâm sự với những cụ già và ăn cơm cùng họ.

Mùa đông năm 2022, sau vài lần trò chuyện, anh Hải theo một cụ ông tên Quý làm nghề nhặt rác về nhà để cùng ăn cơm. Túp lều của ông Quý là một chiếc thuyền cũ nát nằm ven con sông Hồng, nước sinh hoạt chính là nước sông. Nhớ lại về ngày hôm đó, anh Hải vẫn chẳng thể nào quên món cá do ông Quý nấu: “Đi câu cá về là khoảng 5h rồi nấu đến 7h30, thì lúc đấy có mình với ông ăn. Ăn vã cá chứ không có cơm. Mình không ăn nhiều, chỉ ăn vài miếng vì nếu không ăn thì ông sẽ cảm thấy xa cách mà không tin tưởng mình.”

Cứ như vậy, từ 5h chiều đến 7h tối, suốt 3 tháng ròng, không ngày nào là nhà của ông Quý vắng bóng anh Hải cùng 2 cộng sự là Sơn và Vương Anh. Được sống và tâm sự cùng ông, Sơn mới biết biến cố xảy ra với ông Quý: “Ông Quý vốn người gốc Hà Nội, năm nay đã 73 tuổi, gia đình trước có điều kiện nhưng sau một vụ hỏa hoạn thì đã tay trắng, ông phải bán nhà đi, sống lay lắt ngoài đường phố bằng nghề nhặt rác”.

 Mái nhà chung 2 tầng của 6 cụ ông tại ngõ 76, phường An Dương, quận Tây Hồ. (Ảnh: Ngọc Khuê)

Không chỉ ông Quý, dưới cái lạnh 11 độ C trong đêm mùa đông năm 2022, ông Phương, ông Dũng – người đã được đưa về mái ấm cũng chỉ có một cái chiếu và tấm chăn mỏng nằm ngoài đường. Tâm sự với anh Hải, tôi mới thấu được cảm giác đó: “Một người già như vậy làm sao đủ sức mà chịu đựng cái lạnh vào mùa rét vậy được. Lúc mưa thì cũng không có chỗ tránh mưa. Nắng thì không có chỗ tránh nắng. Ốm đau thì không có chỗ để nghỉ ngơi. Ví dụ như nằm ngoài đường như vậy. Nếu mà ốm thôi, mấy hôm mà mất”.

Xót xa cho những phận đời nay đây mai đó, anh Hải đã nuôi quyết tâm phải thuyết phục các cụ bằng được để cho họ một mái nhà. Anh cho biết, trước hết, đây là nơi các cụ có thể trú mưa, trú nắng, nghỉ ngơi tuổi già. Sau đó, nó sẽ là nguồn động viên để họ cố gắng phấn đấu, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chuyện đâu dễ dàng…

Vài năm trở lại đây, người vô gia cư giả xuất hiện dày đặc trên các con phố. Họ là những người có chỗ để ở nhưng vẫn nằm ngoài đường chờ người đến giúp đỡ. Mục tiêu của anh Hải cùng 2 bạn cộng sự đó là phải xác minh được đâu là người thật sự cần mái nhà để về.

Vậy là cứ từ 1 – 2h sáng, 3 bạn trẻ đều túc trực ở nơi có người vô gia cư, ghi lại các bằng chứng để kiểm tra. Mất khoảng 1 tuần, nhóm bạn trẻ mới biết đâu là trường hợp cần sự giúp đỡ: “Tầm 1 giờ là họ về, vào lúc đấy thì bọn mình sẽ đi. Và những người nào nằm ngoài đường thì hầu như sẽ là người vô gia cư thật. Còn những trường hợp mà họ không phải là thật nhưng họ vẫn nằm ở đây đến sáng. Thì bọn mình phải đứng ở đấy, xem là sáng ngày mai họ đi đâu về đâu. Phải đi tất cả các đêm, có khi là phải theo về tận nhà và phải đi lén trong khoảng 1 tuần.” – Anh Hải kể lại.

 
Anh Hải thường đến gặp những cụ ông, cụ bà vào buổi đêm. (Ảnh: NVCC) 

Đã nhiều lần trong khi đi đêm, anh Hải bị đe doạ. Họ doạ đánh, doạ báo lên chính quyền. Khó khăn trong việc xác minh thật giả là vậy, nhưng điều đáng lo hơn là tìm chỗ ở thế nào để đón các cụ về. Thời gian đầu thành lập dự án, anh Hải đang là giáo viên mầm non với số lương 7 – 8 triệu đồng một tháng. Với số tiền đó, anh tiết kiệm, tích góp cùng 2 cộng sự cho đủ 30 triệu để bắt đầu thuê căn nhà đầu tiên, mua sắm đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa để đón các cụ về.

Chắt chiu từng đồng để lo cho các cụ có cuộc sống khấm khá hơn, thế nhưng không ít lần anh Hải phải lắng nghe những lời nói không hay về công việc này. “Nhiều khi người ta bình luận trên TikTok của mình là phước không lớn thì đừng đụng đến việc từ thiện để lo cho các cụ. Nhưng mà mình nhìn qua thôi chứ cũng không bình luận lại gì cả. Nếu mà chỉ nhìn vào những bình luận đấy mà mình bỏ, thì thật sự công sức của mình không được đền đáp”.

Chứng kiến những con người được tận tay mình giúp đỡ, anh Hải xem những khó khăn là bình thường và luôn tin việc mình làm sẽ mở ra cánh cửa tươi sáng hơn cho người vô gia cư.

Lấp lánh những nụ cười, mở ra nhiều hy vọng

6 số phận, một căn nhà, mỗi người một nỗi niềm riêng. Ông Quý, 73 tuổi, nhà phá sản buộc phải mưu sinh. Ông Dũng, 65 tuổi, quê ở Bạc Liêu nhưng phải ra Hà Nội kiếm sống đã mấy năm nay được con gái gửi vào vì không đủ khả năng chăm sóc. Còn ông Hiếu, 56 tuổi, là người trẻ nhất nhưng lại mắc căn bệnh tai biến…

Sương gió cuộc đời nhiều đến nỗi khiến cho họ chẳng thiết tha đến cuộc sống ấm no như bây giờ. Chính vì vậy, ngôi nhà chung tay tại con ngõ 76 Yên Phụ bây giờ được các ông gọi là “mái nhà hạnh phúc”. Trò chuyện với chúng tôi trong căn phòng nhỏ ngày gió mùa về, ông Mã Liên Dũng, 65 tuổi trên môi nở nụ cười tươi: “Đây là ngôi nhà hạnh phúc đấy! May mà có mái ấm này, chứ bây giờ đi thuê trọ thì không có tiền, gió rít lạnh lắm. Thấy như vậy là sung sướng hơn nhiều rồi!”

 
Ông Dũng (trên), ông Phương (dưới) luôn thầm biết ơn mái nhà chung giúp mình nương náu tuổi già. (Ảnh: Ngọc Khuê) 

Chuyển vào ngôi nhà chung từ năm 2022 đến nay đã được 2 năm, ông Quý luôn biết ơn những điều mình đang có trong hiện tại. Đối với ông Quý, việc có một chỗ ở đàng hoàng như bây giờ là ước muốn tưởng chừng chẳng bao giờ chạm tay được: “Ngày trước chỉ cần có cái mái che là đã ngủ được rồi, bây giờ có giường, có chăn ấm, có cái ti vi để xem thời sự, có điện sáng, dùng nước sạch, tắm giặt đàng hoàng nên thấy biết ơn anh Hải lắm!”.

Mái nhà chung của các ông giờ đây rộn rã tiếng cười, nói, chuyện trò của các ông cháu. Như một gia đình, khi chia sẻ về niềm vui của công việc này, gương mặt anh Hải rạng rỡ: “Vui lắm. Khi đưa các ông về thì mọi người coi như con cháu trong nhà, có gì cũng chia sẻ với nhau, hay là các cụ thiếu thốn cái gì, ốm đau thì mình lại lo. Cảm giác nó vui lắm, thay đổi một cuộc đời”.

Trong suốt 2 năm làm dự án, anh Hải đã nhiều lần xin hỗ trợ từ các tổ chức thiện nguyện nhằm cung cấp điều kiện tốt nhất cho các cụ tại đây. Thế nhưng, điều đó là chưa đủ mà đối với anh, điều quan trọng nhất là cần phải tạo ra một cần câu vững chắc cho các cụ để họ có được cuộc sống ổn định lâu dài.

Trong tương lai, anh mong muốn chính các cụ được anh đưa về sẽ có thể tự lao động để kiếm ra nguồn thu nhập: “Thời gian tới mình dự định sẽ mở một quán cà phê nhỏ cho các cụ kinh doanh, tiền kiếm được sẽ để các cụ trang trải cuộc sống. Còn tương lai xa hơn mình sẽ thành lập một Trung tâm Hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn tại Thanh Hoá. Vì khi mình không đủ tài chính không có đủ khả năng để nuôi các cụ, lo cho các cụ, thì cũng có một công việc gì đấy để cho các cụ có một cuộc sống tốt hơn. Chứ không phải là cả ngày đi ra đường đi xin hay là đi nhặt ve chai chờ đợi một người nào đó đến cho.”

Ngôi nhà nhỏ tại ngõ 76 An Dương không chỉ là nơi trú ngụ mà còn là khởi đầu cho hy vọng của những người từng lạc lối. Dưới sự sẻ chia và quyết tâm của anh Hải cùng các cộng sự, nhiều số phận bất hạnh đã tìm được mái ấm và động lực để thay đổi cuộc đời. Tuy chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng mỗi nụ cười tại “mái nhà hạnh phúc” chính là minh chứng rằng, sự yêu thương luôn có thể làm nên điều kỳ diệu.

Ngọc Khuê - BMĐT CLC K42

Phản hồi