Tình yêu của giới trẻ với nhạc cụ dân tộc truyền thống
Trong bối cảnh âm nhạc hiện đại ngày càng phổ biến, thế hệ trẻ đang dần tìm về với các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nhạc cụ dân tộc. CLB Cầm Ca là một trong những câu lạc bộ hiếm hoi chuyên về nhạc cụ truyền thống kết hợp với các nhạc cụ hiện đại để mang âm nhạc cổ truyền của dân tộc đến gần hơn với giới trẻ.
CLB được thành lập vào năm 2019, xuất phát từ ý tưởng của Lê Hà Thu - Trưởng CLB Cầm Ca khi còn là học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Với khát khao tạo ra một không gian giao lưu và học hỏi cho những ai đam mê nhạc cụ và văn hóa truyền thống, Hà Thu đã nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng sân chơi này, nơi các bạn trẻ có thể nuôi dưỡng và chia sẻ tình yêu của mình với dòng nhạc dân tộc.
Chia sẻ về lý do gia nhập CLB Cầm Ca, Lê Minh Tuấn, sinh viên năm hai Học viện Ngoại giao và thành viên CLB, cho biết: "Mặc dù các sự kiện lớn gần đây, như chương trình 'Anh trai vượt ngàn trông gai', đã góp phần nâng cao nhận thức của giới trẻ về nhạc cụ truyền thống, nhưng số lượng câu lạc bộ chuyên về âm nhạc dân tộc vẫn còn hạn chế. Vì vậy mình đã lựa chọn Cầm Ca, vì nơi đây không chỉ phù hợp với định hướng dòng nhạc của mình mà còn mở ra cơ hội kết hợp nhạc cụ truyền thống với âm nhạc đương đại".
Cũng như Tuấn, nhiều thành viên khác ban đầu gia nhập CLB Cầm Ca cũng xuất phát từ sự tò mò đối với những nhạc cụ đặc biệt, khi mà những nhạc cụ vẫn còn ít được biết đến. Tuy nhiên, theo thời gian, tình yêu và đam mê với nhạc cụ truyền thống đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Đối với các bạn học sinh sinh hoạt ở đây, âm nhạc không chỉ là đam mê mà còn là phương tiện để thư giãn, nuôi dưỡng tâm hồn sau những giờ học căng thẳng.
Chị Đào Việt Hà, trưởng Ban nhân sự của CLB Cầm Ca, cho biết: “CLB tổ chức hai buổi học mỗi tuần: một buổi học nhạc lý và một buổi thực hành đàn. Các buổi học mở rộng cho cả các thành viên trong các ban truyền thông, hậu cần, tạo cơ hội cho tất cả những ai yêu thích âm nhạc dân tộc có thể tham gia và nâng cao kiến thức âm nhạc.”
Điều đặc biệt của CLB Cầm Ca là việc lan tỏa âm nhạc truyền thống qua chính thế hệ trẻ Gen Z. Các hoạt động của CLB luôn bắt nguồn từ những ý tưởng sáng tạo và thú vị, nhờ đó mà nghệ thuật truyền thống được tiếp cận bởi những người trẻ, thổi một làn gió mới và sáng tạo vào các giá trị văn hóa lâu đời.
Xóa bỏ rào cản và định kiến về nhạc cụ truyền thống
Một trong những thách thức lớn mà CLB Cầm Ca phải đối mặt là thay đổi các định kiến về nhạc cụ truyền thống. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, vẫn nghĩ rằng nhạc cụ dân tộc khó nghe và không phù hợp với sở thích âm nhạc hiện đại. Tuy nhiên, CLB đã tìm ra cách để "đưa nhạc cụ dân tộc vào đời sống hiện đại" với những sáng tạo như cover các ca khúc nhạc trẻ nổi tiếng bằng nhạc cụ truyền thống.
Chị Đào Việt Hà chia sẻ: “Một ví dụ điển hình là bản cover ca khúc Chúng ta của tương lai do CLB thực hiện. Sản phẩm này thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng và nhận được phản hồi tích cực. Đây là cách mà CLB muốn thay đổi cái nhìn của giới trẻ về nhạc cụ truyền thống, khẳng định rằng âm nhạc dân tộc không hề cứng nhắc, mà vẫn có thể hòa nhập và mang lại những trải nghiệm âm nhạc tươi mới, gần gũi.”
Trong suốt 5 năm qua, CLB Cầm Ca đã triển khai một dự án giáo dục phi lợi nhuận mang tên Bình dân học nhạc, với mong muốn mang âm nhạc, đặc biệt là nhạc cụ truyền thống, đến gần hơn với tất cả mọi người, bất kể tuổi tác hay hoàn cảnh. Tinh thần của dự án được thể hiện qua câu nói ấn tượng: “Người đi học miễn phí, người đi dạy miễn lương”.
Tên gọi Bình dân học nhạc lấy cảm hứng từ phong trào Bình dân học vụ - chiến dịch xóa nạn mù chữ. CLB muốn truyền tải thông điệp rằng học nhạc không phải là điều gì xa vời hay khó khăn, mà là một hành trình đầy cảm hứng và kết nối cộng đồng. Đây là nơi mọi người cùng nhau học hỏi, chia sẻ và lan tỏa tình yêu âm nhạc.
Chị Hà Thu - Trưởng CLB Cầm Ca cũng cho biết thêm: “Dự án này đặc biệt chú trọng đến những bạn trẻ chưa có điều kiện mua đàn hay học ở các trung tâm. CLB không muốn điều này trở thành rào cản để các bạn khó tiếp cận với nhạc cụ truyền thống. Thông qua dự án này, chúng mình mong muốn phổ cập kiến thức và giúp mọi người hiểu hơn về nhạc cụ dân tộc”.
Trong tương lai, CLB Cầm Ca sẽ tiếp tục là điểm tựa, nơi khơi nguồn cảm hứng và gắn kết những tâm hồn yêu nhạc cụ dân tộc. Với sự sáng tạo và nhiệt huyết của thế hệ trẻ, nhạc cụ truyền thống chắc chắn sẽ được giữ gìn, phát huy và lan tỏa xa hơn, như một di sản quý báu của nền văn hóa Việt Nam.
Phản hồi