Đưa nhạc cụ dân tộc thành môn học chính thức
Đại học FPT là một trong những ngôi trường đầu tiên tiên phong trong việc đưa nhạc cụ dân tộc vào môn học chính khóa của các bạn sinh viên. Đây là môn học bắt buộc của mỗi các sinh viên bất cứ chuyên ngành nào cũng phải học, bởi nó là điều kiện bắt buộc để tốt nghiệp ra trường.
Sinh viên có thể lựa chọn các loại nhạc cụ mình yêu thích để theo học như sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu, trống. Mỗi loại nhạc cụ là một phần của kho tàng văn hóa, phản ánh đặc điểm và phong tục của từng dân tộc. Mang trong mình những đặc trưng riêng biệt, không chỉ về âm thanh mà còn về hình thức, chất liệu và cách thức sử dụng.
Chia sẻ với chúng tôi về lý do trường đại học FPT lựa chọn môn nhạc cụ truyền thống thay vì bất cứ môn học nào khác, cô Nguyễn Thu Thủy - Trưởng bộ môn Âm nhạc truyền thống của Đại học FPT Hà Nội cho biết, “Rất là may mắn vì Đại học FPT có một thầy hiệu trưởng rất là tuyệt vời. Thầy Nguyễn Khắc Thành là một người rất yêu văn hóa truyền thống và cá nhân thầy đã đích thân là đi học đàn bầu, đàn nhị để có thể đưa môn học vào giảng đường. Với mong muốn là tạo cho các bạn sinh viên của FPT có một sự khác biệt so với các sinh viên của trường khác. Và khi các bạn sinh viên của FPT mà đi ra thế giới, làm việc trên toàn cầu thì sẽ vẫn giữ được và có một cái nét đặc trưng rất là riêng của Việt Nam. Nói rộng ra thì nó là cái văn hóa Việt Nam và sẽ được các bạn sinh viên ở FPT mang ra thế giới.”
Ngôn ngữ âm nhạc từ những nhạc cụ dân tộc này không chỉ được nghe bằng tai mà còn được cảm nhận qua trái tim. Việc đưa nhạc cụ dân tộc vào chương trình học hẳn là một ý kiến hay, khi nó đã phần nào khơi dậy niềm đam mê và giữ gìn bản sắc dân tộc của các sinh viên.
“Việc học nhạc cụ dân tộc cũng là cách thể hiện tình yêu và lòng tự hào đối với bản sắc văn hóa dân tộc, vì nhạc cụ dân tộc là từ ông cha ta ngày xưa đã sáng tạo ra rồi. Mỗi chúng ta cần tìm hiểu, giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu này. Có thể làm mới bằng nhiều cách, ví như phối các bản nhạc dân tộc với phong cách hiện đại, thì sẽ dễ tiếp cận với giới trẻ hơn.” - bạn Nguyễn Phước Hoài An, sinh viên năm 3, Đại học FPT cho hay.
Đồng ý kiến với bạn Diệp, bạn Nguyễn Hiền Lương, sinh viên năm 2, Đại học FPT cũng bày tỏ “Sau khi học xong môn học này em đã phần nào cảm nhận được vẻ đẹp tinh tế và sâu lắng của nhạc khí dây gảy này, song song với đó chính là hiểu thêm được giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, của lịch sử và nó khơi gợi trong em niềm tự hào khi được tiếp nối những tinh hoa âm nhạc cổ truyền. Quá trình học cũng giúp em giải tỏa stress sau những giờ học, chạy deadline căng thẳng ở trên lớp.”
Ngoài những tiết học trên trường, còn có rất là nhiều những hoạt động trong trường, biểu diễn cũng như là những hoạt động ngoài, ví như cuộc thi nhạc cụ dân tộc Tích Tịch Tình Tang cho toàn hệ thống giáo dục của FPT, từ tiểu học đến đại học.
Quán quân bảng độc tấu nhị cuộc thi nhạc cụ dân tộc Tích Tịch Tình Tang 2024, bạn Trần Đức Tài tâm sự “Lên đại học em mới bắt đầu chơi nhạc cụ dân tộc. Khi học đàn nào cũng thế, đều có độ khó nhất định. Nhất là nhạc cụ dân tộc, khi phạm trù rất rộng và cần chuyên môn rất cao. Ban đầu bắt đầu học, em đánh chậm hơn mọi người rất nhiều, nhưng bù lại mình khá chăm. Bởi người ta hay nói ‘Cần cù bù thông minh’ mà.”
Cô Thủy cũng chia sẻ thêm cô luôn khích lệ sinh viên tham gia biểu diễn trên sân khấu, thậm chí là tham gia cả những cuộc thi về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ để học hỏi lẫn nhau thể hiện kỹ năng, thể hiện tình yêu và thể hiện khả năng của các sinh viên trên sân khấu cho các thầy cô, các giám khảo. Cũng là để các bạn sinh viên biết yêu văn hóa truyền thống, biết yêu giá trị của văn hóa truyền thống.
Cầu nối giữa các thế hệ
Nhạc cụ dân tộc không chỉ đóng vai trò trong việc lưu giữ di sản văn hóa mà còn là cầu nối quan trọng giữa các thế hệ. Trong quá trình phát triển, nhiều nhạc cụ dân tộc đã bị lãng quên, nhưng với sự nỗ lực không ngừng, các loại nhạc cụ này đã được phục hồi và phát huy mạnh mẽ trong các hoạt động biểu diễn ngày nay.
Việc học và sử dụng nhạc cụ dân tộc không chỉ là một hành động bảo tồn mà còn là một cách để thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu biết về những giá trị truyền thống. Các buổi biểu diễn, hội thi, lớp học nhạc cụ dân tộc giúp gắn kết các thế hệ, từ đó tạo ra sự kế thừa và phát triển liên tục của di sản văn hóa dân tộc.
Bạn Đức Tài thổ lộ, “Sau 6 tuần học xong môn nhạc cụ dân tộc bắt buộc, nếu vẫn muốn duy trì việc học có thể theo thầy cô học nâng cao. Và không phải ai cũng thể theo học được các thầy cô một thời gian dài như vậy cho nên ai mà theo các thầy cô học nâng cao được thường thầy cô rất quý. Các giảng viên nhạc cụ dân tộc thường rất là yêu thương và quan tâm đến các sinh viên của mình hơn là các chuyên ngành khác.”
Khác hẳn so với các môn học khác trên đại học, duy chỉ có môn nhạc cụ dân tộc sự gắn kết tình cảm giữa sinh viên với giảng viên, không dừng lại ở tình thầy trò. Mà đó là sự thân thiết giữa các thế hệ. Học sinh trân trọng thầy cô, thầy cô yêu thương học sinh.
Cô Thu Thủy cũng tâm sự rằng, “Không phải phải phải nghề nào cũng có được cái sự yêu mến của của sinh viên như thế. Nhất là môn nhạc cụ dân tộc nữa. Khi thấy bạn ấy lại dùng đúng cái nhạc cụ mà bạn mình dạy bạn ấy và bạn ấy chơi trên nền nhạc. Cô thấy rất là xúc động và vui vẻ. Khi chia sẻ với cả các giảng viên khác, các thầy cô mặc dù không dạy bạn nhưng mà cũng cũng cảm nhận được phần nào tấm lòng của bạn ấy.”
Những giảng viên đầy nhiệt huyết, có thể truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho lớp trẻ, đồng thời những bạn trẻ cũng mang đến sự đổi mới trong cách thức biểu diễn và sáng tạo, làm giàu thêm vốn âm nhạc truyền thống.
Chính vì thế, không ít những giảng viên và sinh viên đều mong muốn lan tỏa việc chơi nhạc cụ dân tộc đến với các trường học khác một cách rộng rãi hơn. Việc đưa nhạc cụ dân tộc thành môn học để giúp cho các bạn hiểu được các nét đẹp văn hóa cũng như giá trị truyền thống lâu đời của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Cô Tạ Thị Diệp - giảng viên bộ môn Đàn nhị của Đại học FPT chia sẻ “Cô rất mong muốn đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy ở các trường đại học vì nó sẽ giúp các bạn biết và tìm hiểu kỹ hơn về các loại nhạc cụ dân tộc chẳng hạn. Và nó cũng là để gìn giữ cái nét đặc trưng văn hóa dân tộc không bị biến mất.”
Cô Nguyễn Thu Thủy, Trưởng bộ môn Âm nhạc truyền thống của Đại học FPT Hà Nội, cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Theo cô, nếu nhạc cụ dân tộc là một môn học của các trường thì những người làm nghề và giảng dạy âm nhạc truyền thống sẽ có môi trường công việc ổn định. Còn các bạn sinh viên có cơ hội học tập và hiểu biết về các nhạc cụ. Nếu âm nhạc truyền thống có nền tảng để tiếp tục phát triển, từ đó sẽ không phải lo ngại việc bị mai một hay lãng quên.
Nhạc cụ dân tộc, với hành trình từng bước tiến vào giảng đường đại học, đang mở ra một chương mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Không chỉ là một môn học, nhạc cụ dân tộc còn là cầu nối giữa các thế hệ, giúp thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc hơn về truyền thống và gắn kết với những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Mặc dù vẫn còn nhiều thử thách phía trước, nhưng với niềm đam mê và nhiệt huyết của lớp trẻ, nhạc cụ dân tộc chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, góp phần mang lại niềm tự hào và giá trị văn hóa bền vững.
Phản hồi