Danh mục Thứ Ba, 07/01/2025

Tiêu điểm \

Người lao động khó chạm tay đến giấc mơ nhà ở xã hội

03:49 03-01-2025
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức thu nhập trung bình của công nhân tại các khu công nghiệp năm 2024 giao động từ 4.000.000 - 7.500.000 triệu đồng/tháng. Với mức lương như vậy, nhiều hộ gia đình đáng lý đã có cho mình một căn nhà ở xã hội. Thế nhưng, giá nhà leo thang, chính sách có nhiều bất cập,...là những lý do khiến người lao động có thu nhập thấp khó chạm tay đến giấc mơ an cư.

Không biết đến bao giờ

Tìm đến khu công nghiệp vừa và nhỏ trên đường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tôi bắt gặp ông Nguyễn Mạnh Cường, 50 tuổi, làm công việc sửa chữa và cải tạo kho hàng cho một công ty nội thất đã vài năm nay. Mong muốn lớn nhất của ông Cường từ khi lập gia đình đó là trúng suất mua nhà ở xã hội. Thế nhưng, hy vọng mong manh khi phải trải qua nhiều vòng xét duyệt, nếu đủ điều kiện, ông mới được mua nhà. “Tôi có đăng ký nhưng mà phải bốc thăm thì là rất khó bởi vì nó rất nhiều vòng chắc chắn là không đến lượt mình.” - ông Cường chia sẻ

Gia đình ông Cường có 4 người sống tại một khu trọ đã gần 20 năm nay. Thu nhập một tháng của cả nhà là gần 30 triệu, riêng ông Cường là 13 triệu rưỡi. Việc cân đối thu chi cho gia đình, làm sao để đáp ứng nhu cầu của các thành viên và khoản phí ngoài xã hội là điều không hề dễ dàng. Ông chia sẻ, mức thu nhập đó là không đủ để vừa chi trả tiền nhà, tiền sinh hoạt, tiền đóng học cho 2 con. 

Công ty nội thất nơi ông Cường làm việc nằm tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: Ngọc Khuê) 

Thu nhập ít là vậy nhưng nếu có cơ hội mua nhà ở xã hội ông cũng sẽ quyết mua bằng mọi giá vì mong muốn an cư. Nhưng theo ông, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung lại không được đáp ứng đủ hay các chính sách chưa thực sự hỗ trợ được cho người lao động nghèo là rào cản khiến giấc mộng an cư ngày càng xa vời. Ông Cường chia sẻ: “Khó khăn nhất bây giờ là cái chính sách của nhà nước mình. Bây giờ chính sách đó có đến được cái người mà muốn sở hữu hay không. Nhu cầu thì nhiều, nhưng mà cái thành phần mà được xét thì nó lại là chưa đến”. 

Tại các công ty bất động sản, cứ đến những dịp nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội là hàng trăm người xếp hàng đợi đến lượt. Từ sáng đến tối, ai cũng nuôi hy vọng có cho mình 1 căn nhà ưng ý. Tìm hiểu về nhà ở xã hội từ 1 năm trở lại đây, chị Nguyễn Hoài Thương, hiện đang làm thuê cho một công ty may mặc tại Hà Nội đã nhiều lần đi nộp hồ sơ nhưng không thành bày tỏ: “Cuộc đua mua nhà này quá khắc nghiệt, giá nhà thương mại lại quá cao. Thu nhập trung bình một tháng của cả gia đình dưới 30 triệu thì chắc làm 10 năm nữa cũng không kiếm được một căn nhà để ở”. 

 
 Nhà ở của chị Thương tại khu trọ phường Cầu Diễn, Hà Nội. (Ảnh: Bảo Long)

Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay, nước ta đang có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong số đó, có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở. Đối với công nhân ngoài các khu công nghiệp, số lượng có nhu cầu càng lớn hơn. 

Khảo sát của tổ chức Công đoàn cũng cho thấy, người lao động đang sống trong các phòng trọ chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng, nóng bức với tiền thuê từ khoảng 800 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng/tháng. Có trên 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn. Nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động là rất lớn. Với đồng lương ít ỏi, khả năng tích lũy tài chính eo hẹp, xác suất trúng suất mua nhà thấp thì việc sở hữu căn nhà lên tới cả tỷ đồng là điều “không tưởng” với nhiều người lao động. 

Mở lối an cư cho người lao động

Mới đây, TP. Hà Nội đã gửi, lấy ý kiến các bộ, ngành về khung giá cho thuê nhà ở xã hội. Theo đó, một căn nhà ở xã hội tại Hà Nội, trong tòa nhà cao từ 31 tầng trở lên, có diện tích ở mức trung bình 55m2, đáp ứng nhu cầu ở của 3 - 4 người trong 1 hộ gia đình sẽ có giá thuê từ 5,4 - 10,9 triệu đồng/tháng. 

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế nhận định: “Mức giá thuê từ 5,4 đến 10,9 triệu đồng/tháng là khá cao so với thu nhập của người lao động phổ thông. Để giải quyết bài toán này, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cụ thể như trợ cấp tiền thuê nhà, giảm giá thuê cho các đối tượng đặc biệt, hoặc phát triển thêm loại hình nhà ở xã hội giá rẻ."

Ông Phạm Đức Toàn, chuyên gia bất động sản, cũng chia sẻ: "Hà Nội cần áp dụng chính sách khoanh vùng đối tượng ưu tiên thuê nhà ở xã hội, như lao động trong các ngành nghề đặc thù hoặc người dân tại các khu vực đang đô thị hóa mạnh. Đồng thời, cần minh bạch hóa chi phí đầu tư để đảm bảo giá thuê phản ánh đúng bản chất hỗ trợ."

Nhằm hỗ trợ người dân trong việc mua nhà ở xã hội, chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách vay vốn, hỗ trợ chi phí thuê nhà và cắt giảm thuế, phí cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, các chính sách này dường như không giải quyết được nhu cầu mua nhà của người lao động. Có thể kể đến nghị quyết 43/NQ-CP năm 2022 đã triển khai gói hỗ trợ thuê nhà trị giá 6.600 tỷ đồng cho người lao động. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này chủ yếu áp dụng ngắn hạn. Trước tình hình đó, nhà nước cũng cần phải đẩy nhanh các giải pháp dài hạn nhằm giúp người lao động có thể hiện thực hóa giấc mơ an cư. 

Dù đã có các chính sách hỗ trợ, nhiều người lao động vẫn cho rằng họ chưa được tiếp cận trực tiếp, hoặc mức hỗ trợ không đủ để bù đắp gánh nặng chi phí. Do đó, cần xem xét một số giải pháp như: Tăng ngân sách hỗ trợ thuê nhà dài hạn, thay vì chỉ giải quyết ngắn hạn, đa dạng hóa phân khúc nhà ở xã hội, phát triển các căn hộ nhỏ hơn với giá thuê thấp hơn, đẩy mạnh kiểm soát chi phí xây dựng và vận hành dự án, đảm bảo giá thuê phản ánh đúng tinh thần “xã hội”.

Ngọc Khuê - BMĐT CLC K42

Phản hồi