Danh mục Chủ Nhật, 05/01/2025

Tiêu điểm \

GenZ và chủ nghĩa vị kỷ

16:05 30-12-2024
“Các bạn trẻ ngày càng lười biếng và theo đuổi chủ nghĩa vị kỷ cá nhân; không quan tâm lợi ích của số đông; sống ích kỷ, vô tâm”… Những điều trên là nhận xét công tâm từ xã hội, hay chỉ đơn thuần là sự hiểu lầm sinh ra từ khoảng cách thế hệ?

Định kiến về một thế hệ thờ ơ

Lối sống vị kỷ của người trẻ hiện nay thể hiện ở sự tập trung vào bản thân, với ưu tiên hàng đầu là thành công cá nhân và sự công nhận từ xã hội. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, nơi mà việc thể hiện bản thân và tìm kiếm sự công nhận trở thành ưu tiên hàng đầu. Khi đó, đa số những tiêu chuẩn thành công thường định hình bằng vật chất. Bởi vậy, nhiều bạn trẻ có xu hướng đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, đôi khi quên đi giá trị của sự kết nối và trách nhiệm với cộng đồng.

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính giai đoạn 2018-2020, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đã phản ánh: "Một bộ phận lớp trẻ không quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ thế cuộc, vô cảm trong quan hệ xã hội, v.v... đang gặm nhấm và tha hóa nhân cách của lớp trẻ. Đây là vấn đề rất đáng báo động".

Bên cạnh đó, giảng viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - ông Lê Công Hạnh cũng cho rằng, hiện nay rất nhiều bạn trẻ thờ ơ với thông tin chính trị, xem đó là thông tin nhàm chán. Hàng ngày, những tin tức về các sự kiện chính trị của quốc gia đều được đăng tải rất đa dạng. Song không ít người trẻ lại chọn quan tâm câu chuyện của một ngôi sao, một bộ phim, một bài hát mới hơn là những biến động chính trị xảy ra quanh mình. 

Một bộ phận thanh niên đi học ở nước ngoài, tiếp cận các tư tưởng phương Tây; nhưng bản lĩnh chính trị lại không vững vàng. Điều này dẫn đến những lý tưởng của xã hội chủ nghĩa dễ phai nhạt trong tiềm thức của các bạn trẻ, có những thái độ chỉ trích phê phán chủ quan, phiến diện, thậm chí đối lập. Cách đây không lâu, cái tên Chu Ngọc Quang Vinh được réo gọi khắp các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người chỉ trích nam sinh lớp 12 trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Yên Bái) vì bài viết "chưa phù hợp" trên facebook cá nhân. Cụ thể, bài viết được nam sinh đăng tải đêm 1/9/2024 có nội dung: “Cuối cấp 2 là tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây cao trào nhất. Dần dần, tôi phát hiện những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật, chỉ biết lừa gạt dân nên tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài”. Vinh cho rằng, việc ôn thi Đường lên đỉnh Olympia chỉ để sống ở nước ngoài với mưu cầu lợi ích cá nhân. 

Chu Ngọc Quang Vinh thừa nhận việc học lịch sử không phải theo ý muốn của bản thân. (Ảnh: Tổng hợp) 

Không chỉ ở Việt Nam, thế hệ trẻ Hàn Quốc cũng từng bị bủa vây bởi những định kiến từ các thế hệ đi trước. Gần đây, GenZ Hàn Quốc đang sử dụng phổ biến hai cụm từ "Cuộc sống Chúa trời" và "Cuộc sống trẻ hư" như một cách phản ứng với những định kiến của xã hội đối với thế hệ mình. Nhiều người trẻ tin rằng việc cân bằng giữa hai lối sống này mới mang đến hạnh phúc đích thực và thể hiện được giá trị của bản thân. 

Hàn Quốc từng là hình mẫu phát triển kinh tế đáng chú ý của châu Á nhưng nay lại đang phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp “dai dẳng” trong giới trẻ. Dữ liệu do Chính phủ Hàn Quốc mới công bố cho thấy gần 240.000 người trong độ tuổi 15-29 đã thất nghiệp trong ít nhất ba năm. Trong đó, hơn 82.000 người chia sẻ rằng họ không tìm kiếm việc làm hay tham gia các khóa đào tạo nghề nghiệp trong khoảng thời gian này. Thay vào đó, họ chỉ dành thời gian ở nhà và làm những việc mình thích. Vậy phải chăng, người trẻ ngày nay thực sự chỉ quan tâm đến các lợi ích cá nhân mà không màng đến trách nhiệm với cộng đồng?

Không quay lưng với thời cuộc

Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, thế hệ trẻ nói chung và đội ngũ thanh niên nói riêng luôn được xác định là lực lượng nòng cốt, có vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu ngày xưa, trong thời kỳ khói bom lửa đạn, việc ra trận cầm súng chiến đấu được coi là biểu hiện rõ ràng nhất cho lòng yêu nước, sự quan tâm đến chính trị quốc gia; thì hiện nay, thế hệ trẻ thường có thể hiện điều đó ở nhiều lĩnh vực với đa dạng cách thức khác nhau. 

Là cán bộ đoàn viên ưu tú của trường Đại học Mở Hà Nội, bạn Nguyễn Lê Phương Thảo (21 tuổi) chia sẻ: “Mình luôn quan tâm đến các vấn đề chính trị trong nước như chủ quyền trên biển đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Có rất nhiều cuộc tranh luận diễn ra, các thế lực thù địch luôn bám víu vào điều đó để lan truyền những thông tin sai lệch, tiêu cực đến với mọi người và nhất là thế hệ sinh viên như chúng mình”. Tuy nhiên với ý thức trau dồi tư duy, kĩ năng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Thảo luôn tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền trong Liên chi Đoàn, Liên chi Hội và lên tiếng khi thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, những vấn đề chính trị của các quốc gia trên thế giới như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua cũng được Thảo theo dõi sát sao trên các nền tảng mạng xã hội. Qua câu chuyện của mình, Thảo mong thế hệ sinh viên Việt Nam luôn làm tròn trách nhiệm của mình, ghi nhớ cội nguồn máu thịt và dù ở đâu cũng cần lên tiếng bảo vệ khi Tổ quốc cần.

Phương Thảo được trao tặng giấy khen trong lễ tuyên dương cán bộ Đoàn tiêu biểu của trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: NVCC) 

Bà Phạm Thị Thanh, 35 tuổi, quản lý bộ phận tìm kiếm tài năng, Navigos Group trải qua nhiều lần tuyển dụng nhân sự thuộc thế hệ genZ cho biết: có nhiều người trẻ khi đi phỏng vấn xin việc chỉ biết đề cao lợi ích của cá nhân mình. Họ chỉ muốn vào làm việc tại công ty vì thấy được tiềm năng phát triển, thu nhập tốt nhưng lại không đề cập đến chuyện tập thể, công ty sẽ có những lợi ích gì nếu như mình cống hiến.

Tuy nhiên, theo bà Thanh không thể đánh đồng người trẻ hiện nay quá ích kỷ, chỉ biết lợi ích của cá nhân mình. Trong xã hội vẫn có nhiều bạn trẻ tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ nhiều người khác, kiến thức thực tế phong phú. “Làm công việc tuyển dụng giúp tôi gặp gỡ, biết đến rất nhiều bạn trẻ có kiến thức thực tế, tiếng Anh rất giỏi và kỹ năng mềm siêu tốt. Bản thân chúng tôi cũng phải nỗ lực mỗi ngày nếu như không muốn một ngày mình tụt hậu”, bà Thanh nói.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Đức phủ nhận quan điểm “người trẻ hôm nay ích kỷ” khi chia sẻ với PV báo Thanh Niên: “Nếu người trẻ có ích kỷ đôi chút để dành thời gian đi học và đi làm thêm trang trải việc học tập và cuộc sống thì tôi nghĩ cũng là điều tốt và dễ hiểu. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của thế hệ trẻ, đặc biệt là với các bạn du học và nghiên cứu sinh Việt Nam tại nước ngoài, đó là học tập, đạt kết quả thật tốt, thành đạt và trở thành người có ích. Khi các bạn ấy đã trưởng thành mang nhiều tri thức thì sự đóng góp cho quê hương đất nước ở nhiều phương diện sẽ sâu và rộng hơn rất nhiều”. 

Thực tế, hội Sinh viên Việt Nam tại Berlin và Postdam đã và đang thực hiện tổ chức chuỗi chương trình về khởi nghiệp, nhằm tạo ra một diễn đàn và khơi dậy tinh thần học tập, khởi nghiệp và hướng nghiệp cho thế hệ trẻ gốc Việt tại Đức. Các bạn sinh viên tích cực tham gia quyên góp sách vở, vật phẩm gửi cho các em bé có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu vùng xa Việt Nam trong vòng nhiều năm. Người trẻ Việt trên toàn thế giới đầy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và đương đầu với mọi khó khăn, đặc biệt luôn hướng về quê hương. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đánh thức sức mạnh vô hình của họ một cách hiệu quả bằng những hành động thiết thực.

Nếu lịch sử là quá khứ thì các vấn đề chính trị – xã hội chính là hiện tại và tương lai. Muốn giới trẻ hiện nay quan tâm chính trị hơn thì phải thay đổi được tư duy, ý thức chính trị của họ, để họ không ngần ngại nói lên tiếng nói của mình. Để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự hợp tác đồng bộ giữa các kênh giáo dục. Những người trẻ được giáo dục tốt về chính trị sẽ có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn trong cuộc sống, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội và công dân. Chỉ khi người trẻ được giáo dục một cách toàn diện và đa dạng, họ mới có thể trở thành những công dân có trách nhiệm, có khả năng đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ một nền tảng tư tưởng vững chắc là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai của quê hương, đất nước.

Nam Phương, Hoàng Trang - Báo in K42

Phản hồi