Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Vận dụng chất liệu dân gian vào điện ảnh kinh dị nước nhà

21:25 20-12-2023
“Tết ở làng Địa ngục” liên tiếp giữ vị trí số 1 trên Netflix trong nhiều tuần kể từ khi được công chiếu, vượt qua hàng loạt drama Hàn Quốc. Bộ phim như một hiện tượng mới của dòng kinh dị Việt song lại rất gần gũi khi khai thác bối cảnh lịch sử Việt Nam.

Tổng quan về phim kinh dị Việt

Trước đây, phim kinh dị Việt thường bị đánh giá là thiếu sáng tạo, chỉ dựa vào những yếu tố như ma, quỷ, bùa ngải,... Trong những năm gần đây, các nhà làm phim Việt Nam đã bắt đầu chú trọng hơn đến việc xây dựng cốt truyện, nhân vật, bối cảnh,... mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Năm 2022, có tới 10 phim kinh dị Việt Nam được ra mắt, trong đó có những cái tên như: Chuyện ma gần nhà, Bóng đè, Bắc Kim Thang được nhiều khán giả biết đến, song, vẫn chưa được đánh giá cao. Mới đây nhất, bộ phim “Tết ở làng Địa Ngục” đã mang lại tiếng vang lớn cho điện ảnh kinh dị Việt Nam khi nhiều tuần liền lọt top những phim “hot” trên nhiều nền tảng giải trí và được đông đảo công chúng đón nhận. 

Trong bối cảnh phim kinh dị Việt Nam đang dần đánh mất vị thế trên cuộc đua điện ảnh trong nước và thế giới, sự ra đời của “Tết ở làng Địa Ngục” đã đem đến cho điện ảnh nước nhà một cảm giác mới lạ.
 

Poster phim “Tết ở làng Địa Ngục”. (Ảnh: Fanpage Kẻ Ăn Hồn - Tết Ở Làng Địa Ngục) 

“Tết ở làng Địa Ngục” được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang. Câu chuyện xoay quanh một ngôi làng hẻo lánh ẩn mình trong cánh rừng heo hút, nơi sương mù che phủ quanh năm, mang tên làng Địa Ngục. Tưởng chừng như sự bình lặng của ngôi làng cứ thế trôi qua yên ả, bỗng một ngày, những cái chết “bất đắc kỳ tử” cùng vô vàn sự kiện kỳ quái diễn ra đã ám ảnh biết bao dân làng. 

“Tết ở làng Địa Ngục” thành công nhờ vào quá trình đổi mới cách làm phim của bộ đôi nhà sản xuất Hoàng Quân và đạo diễn Trần Hữu Tấn. Sự đầu tư chỉn chu, kỹ lưỡng của nhà làm phim đã thu hút cả các tín đồ của bộ truyện lẫn khán giả chưa đọc tác phẩm này.

Đưa chất liệu dân gian vào phim kinh dị một cách sáng tạo nhưng gần gũi 

Ngay từ tiểu thuyết cùng tên, các chất liệu dân gian, những tập tục - tín ngưỡng, sinh hoạt, văn hóa tâm linh, truyền thống Tết Việt được tác giả Thảo Trang đưa vào vừa gần gũi, vừa ám ảnh. Xuyên suốt hành trình dõi theo làng Địa Ngục, ta thấy hiện lên các hình ảnh dân dã quen thuộc với “đom đóm câu hồn”, “con đò chở vong”, “rượu sọ người”, tập tục thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo, các bài đồng dao ma mị,.. Ngoài ra, những tập tục sinh hoạt văn hóa, lối sống, tín ngưỡng, tâm linh, quan niệm và lòng tin của người Việt góp phần khiến bộ phim mang màu sắc dân gian đậm nét, phù hợp với nhiều khán giả ở nhiều độ tuổi.

 Tạo hình của ông Thập và khung cảnh u tối, ma mị trong phim. (Ảnh: Fanpage Kẻ Ăn Hồn - Tết Ở Làng Địa Ngục)

Chất liệu văn hóa Việt được đội ngũ sản xuất khéo léo lồng ghép trong phim. Toàn bộ trang phục được sử dụng trong phim phải đảm bảo hai yếu tố: tôn lên dấu ấn truyền thống và hợp bối cảnh ma mị của dòng phim kinh dị. Các thiết kế kết hợp các khuôn mẫu từ cổ phục Việt Nam (chiếc áo tứ thân, ngũ thân, giao lĩnh…) với hoa văn, chất liệu truyền thống và mô tả rõ ràng nét đặc trưng của từng nhân vật. Điển hình như hình tượng ông Thập - trưởng làng, có hoạt động đa dạng nên trang phục của ông thường có gùi, giày, đai, nón lá bọc bằng vải, tạo điều kiện thích hợp cho ông thực hiện những chuyến băng rừng xuống núi giao thương.

 Hình tượng cụ Khảm trong phim. (Ảnh: Fanpage Kẻ Ăn Hồn - Tết Ở Làng Địa Ngục)

Sau thành công của 12 tập phim “Tết ở làng Địa Ngục”, bộ đôi Hoàng Quân và Trần Hữu Tấn trình làng phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn” - xoay quanh câu chuyện về làng Địa Ngục thuở sơ khai, hé lộ những câu chuyện kì lạ và kinh dị.
Với hình ảnh mọi người đeo mặt nạ chuột làm bằng giấy bồi, khung cảnh đám cưới đầu phim hiện lên như tác phẩm “Đám cưới chuột” của dòng tranh Đông Hồ. Việc tác giả chọn thời điểm rước dâu vào buổi tối thay vì ban ngày cũng được lấy cảm hứng từ tục cưới đêm của người Dao Mẫu Sơn.
 

 Poster phim điện ảnh “Kẻ ăn hồn”. (Ảnh: Fanpage Kẻ Ăn Hồn - Tết Ở Làng Địa Ngục)

Xuyên suốt phim, hình ảnh hình nhân, rối nước, rượu ngâm, cây sa mộc xuất hiện nhiều lần và đóng vai trò quan trọng. Không chỉ thế, nhà làm phim còn sử dụng thanh âm từ dàn dây và bộ gõ của các loại nhạc cụ dân tộc để làm nên tiếng động rùng rợn.
Những bài vè, câu đối vốn mang âm hưởng vui tươi nay nhuốm màu quỷ dị, được các nhân vật dùng để đối đáp và suy luận phá án, gieo rắc nỗi kinh hoàng. Với bối cảnh nguyên sơ của núi rừng, tác phẩm tận dụng tối đa nguồn sáng lập lòe từ ánh trăng, ngọn đuốc để làm gia tăng sự sợ hãi.
Sau khi trình chiếu, đa phần khán giả cho rằng cả hai ai tác phẩm vẫn còn nhiều thiếu sót về kịch bản rườm rà, thiếu tính liền mạch chưa thỏa mãn người xem về những điều cần lí giải trong phim, sự không thống nhất của các cảnh quay, trong một ngôi làng nhưng có cả giọng thoại Bắc và Nam…và cần phải xem trước “Tết ở làng Địa Ngục” mới có thể dễ dàng hiểu hết nội dung của “Kẻ ăn hồn”. 
Dù còn một vài “hạt sạn” đáng tiếc nhưng “Tết ở làng Địa Ngục” và “Kẻ ăn hồn” vẫn là tựa phim đánh dấu sự khởi sắc của phim ảnh trong nước nói chung và thể loại kinh dị nói riêng. Hơn hết, việc tái hiện lại những câu chuyện dân gian truyền miệng ma mị và các thế lực tâm linh lên màn ảnh đã cho thấy sự đầu tư chỉn chu của bộ đôi Hữu Tấn và Hoàng Quân. 
Việc đưa các chất liệu dân gian vào phim kinh dị đã làm các bộ phim trở nên mới mẻ, độc đáo và tạo được sự tò mò và ghi dấu ấn đặc biệt cho khán giả. Trong thời đại hòa nhập quốc tế, các tác phẩm thêm yếu tố dân gian là chưa đủ, mà còn phải kết hợp với những câu chuyện hợp thời, truyền tải nội dung dễ hiểu và sáng tạo không ngừng để đưa ra quốc tế. 

Khánh Linh, Hoàng Vy - Ảnh báo chí K41

Phản hồi