Đôi tay “phù thuỷ” và cách để tạo ra những tác phẩm đậm chất Ngô Bá Công
Ngô Bá Công tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật từ năm 1999, hiện đang là Thạc sĩ Hội hoạ tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hoạt động trong nghề từ năm 1996, ông đã tham gia rất nhiều những triển lãm nhóm và cá nhân ở cấp quốc gia. Bén duyên với dòng tranh “Sơn mài đắp nổi”, vào năm 2019, hoạ sĩ Công đã quyết định mở triển lãm cho riêng mình. Gần 5 năm kể từ thời điểm đó, Ngô Bá Công đã trình bày 26 bức tranh sơn mài trong triển lãm cá nhân.
Theo họa sĩ Ngô Bá Công, tranh sơn mài đắp nổi là một loại hình đặc biệt, cần có sự sáng tạo, kiên trì bởi công việc tạo hình khá công phu. Về hình thức, tranh sơn mài đắp nổi cũng giống như tranh đắp phù điêu thông thường, bằng các chất liệu như: đá, gỗ, nhựa, đồng. Điểm đặc biệt của loại hình nghệ thuật này là được kết hợp bởi sơn sống, bùn đất phù sa, với mùn cưa hay giấy giã nhỏ hoà trộn hỗn hợp này với nhau theo một tỷ lệ nhất định. Rồi sau đó đắp lên trên nền vóc đã có sẵn hình vẽ phác thảo của bức tranh.
Dấu ấn Ngô Bá Công trong việc tạo nên những tác phẩm nghệ thuật là cách pha màu. “Tôi chia làm ba nhóm cho 12 con giáp, nhóm thứ nhất chân dung 12 con giáp, nhóm thứ hai phối hợp nhóm từ hai con đến tám con, nhóm thứ ba phối kết hợp đủ 12 con giáp. Ở nhóm thứ ba có hai bức tranh, một bức tranh vuông được sắp xếp theo quy luật chạy vòng xoáy tròn theo kim đồng hồ và bức tranh dài phối kết hợp 12 con giáp nối tiếp nhau lồng vào nhau theo nhịp đường diềm, chạy theo thứ tự từ con đầu tiên là con Chuột (Tý) đến con cuối cùng là con Lợn (Hợi)”.
Hoài bão lớn từ những khung tranh nhỏ
Theo hoạ sĩ Ngô Bá Công, cách đắp tranh rất cầu kỳ bởi thì phải đắp làm nhiều lớp mỏng, giữa các lớp phải bôi một lượt sơn sống cho các lớp kết dính được với nhau, ngoài ra còn phụ thuộc vào độ khô của sơn, nếu sơn đắp chưa khô sẽ bị ủng sơn. Về thời gian, thông thường một bức tranh sơn mài đắp nổi phải mất thời gian khoảng 3-4 lần so với một bức tranh sơn mài loại vẽ phẳng.
Thông thường người hoạ sĩ sẽ phải phác thảo ra cả một dự án rồi bắt tay vào làm các tác phẩm đồng thời cùng nhau, do phải đợi những lớp màu khô lại từ 2-3 ngày. Sau khi hoàn thành, phải để sản phẩm khô tự nhiên có thể 5 ngày, 10 ngày cũng có thể 1 tháng hay 1 năm.. Bên cạnh đó, việc tạo ra những tác phẩm cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao ngay từ khâu trộn các nguyên liệu.
Hoạ sĩ Ngô Bá Công chia sẻ về những mục tiêu quan trọng trong dự án của mình, với việc khắc hoạ chân dung của 12 con giáp bằng loại hình nghệ thuật Sơn mài đắp nổi, ông nhấn mạnh vào sự độc đáo và sâu sắc. Điều quan trọng nhất là cho công chúng thấy không chỉ vẻ đẹp nghệ thuật mà còn là văn hóa đặc sắc của người Việt, văn hóa Á Đông, và có khả năng trở thành một phần quan trọng trong di sản văn hóa toàn cầu.
Ngoài ra, Hoạ sĩ Công còn thể hiện triết lý nhân sinh trong mối quan hệ giữa con người và vũ trụ thông qua các tác phẩm của mình. Ông muốn tác phẩm của mình không chỉ là nghệ thuật hình ảnh mà còn là nguồn cảm hứng triết lý sâu sắc. Cuối cùng, họa sĩ đặt ra yêu cầu cao cả về giá trị nghệ thuật, với mong muốn tác phẩm của mình không chỉ là nghệ thuật cho mắt mà còn chứa đựng giá trị tinh thần sâu sắc.
Mục tiêu cuối cùng của Hoạ sĩ Ngô Bá Công là đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, tạo ra những tác phẩm không chỉ thu hút người xem mà còn truyền tải những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam tới cộng đồng quốc tế, đó là một trong những mục tiêu lớn ông tự đặt ra cho bản thân và nghệ thuật của mình.
Sơn mài xuất hiện cách đây hàng trăm năm, từ thời Đinh, Việt Nam đã sử dụng mủ cây sơn như một chất liệu sáng tạo tranh. Các triều đại Lê, Lý, Trần trang trí cổ vật và tượng gỗ bằng sơn son, thếp vàng. Phát triển từ nghệ thuật truyền thống, nghề sơn mài Việt Nam có khác biệt ở kỹ thuật mài so với Nhật Bản, Hàn Quốc.
Phản hồi