PV: Ý tưởng nào đã thôi thúc Vietnam Centre thực hiện cuốn sách "Dệt nên Triều đại" và lựa chọn thời Lê Sơ làm bối cảnh chính?
Trong thời gian làm việc tại nước ngoài, các thành viên đồng sáng lập của Vietnam Centre nhận thấy văn hóa Việt Nam rất ít được biết tới ở nước ngoài và kể cả Việt Nam. Bạn bè quốc tế chỉ biết tới Việt Nam qua những cuộc chiến tranh, áo dài, bánh mì hay nón lá… Nhiều nét văn hóa đặc sắc, mang hàm lượng thẩm mỹ và trí thức cao thì rất ít được biết tới. Chính vì vậy, nhóm tác giả đã nung nấu và thực hiện dự án “Dệt nên triều đại” để đưa tới bạn bè quốc tế và cộng đồng kiều bào của nước ta ở nước ngoài những hình ảnh về nét văn hóa đỉnh cao của trang phục Việt Nam, đặc biệt là văn hóa trang phục, gần gũi với đời sống và gây ấn tượng sâu sắc với tất cả độc giả.
Nhóm tác giả đã cân nhắc và đưa ra lựa chọn lấy thời Lê Sơ làm bối cảnh chính vì nhận thấy đây là thời kỳ còn lại tương đối nhiều tài liệu để có thể dựng lại. Các trang phục thời kỳ này chưa thêu dệt phức tạp. Vì vậy, khi làm về trang phục thời Lê Sơ sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
PV: Trong quá trình nghiên cứu và biên soạn sách, nhóm tác giả đã gặp những khó khăn và thuận lợi nào?
Chúng tôi gặp khó khăn trong việc dựng lại các bộ trang phục. Đây là công đoạn tiêu tốn khá nhiều chi phí, phải di chuyển tới các làng nghề, tìm tới các chất liệu tơ tằm ngày xưa để đảm bảo độ chính xác và chất lượng về chất liệu. Bên cạnh những khó khăn đó, chúng tôi cũng có nhiều sự thuận lợi trong quá trình của mình. Thời Lê Sơ còn nhiều tài liệu, những ghi chép về các kích thước, chất liệu vẫn còn tương đối, giúp chúng tôi có thể phục dựng một cách chính xác hơn. Một số chất liệu như tơ tằm hiện vẫn còn được duy trì dệt ở một số làng nghề tại Việt Nam nên thuận lợi trong việc tìm kiếm chất liệu.
PV: Được biết, “Dệt nên triều đại” là sách song ngữ, tại sao nhóm tác giả lại lựa chọn hình thức này?
Nhóm tác giả tôi muốn làm dự án này tới công chúng, không chỉ hướng tới người Việt trong và ngoài nước, mà cả bạn bè quốc tế, do vậy chọn song ngữ để có thể dễ dàng tiếp cận các độc nước ngoài, mang tới cho họ những nét đẹp văn hóa truyền thống về trang phục dân tộc Việt Nam.
Có rất nhiều độc giả nước ngoài như các bạn trẻ, đặc biệt các nhà chuyên môn ở các nước đánh giá cao về dự án này. Cuốn sách đã được đưa vào danh mục thư viện tại các thư viện quốc gia như Úc, một số thư viện khác ở Hà Lan, thư viện trường Đại học Cambridge ở Anh.
Sau khi tiếp cận cuốn sách, nhiều kiều bào đã bày tỏ sự cảm động, sửng sốt, bất ngờ, họ không ngờ trang phục của cha ông lại đẹp và mĩ miều như vậy. Nhiều bạn từ đó tìm hiểu thêm về lịch sử Việt Nam và đóng góp vào nhiều dự án tiếp theo của Vietnam Centre.
PV: Theo Vietnam Centre, đâu là những giá trị cốt lõi - “hồn Việt” của cổ phục Việt Nam?
Ngày xưa Việt Nam là cường quốc tơ tằm, một năm có tới tám lứa tằm nên trang phục Việt Nam sử dụng rất nhiều chất liệu tơ tằm. Theo ghi chép của các du hành người phương Tây thế kỷ XVII, khi đi làm đồng hay bê vác thì người Việt đều mặc những chiếc áo tơ tằm mà không sợ hỏng hay vấy bẩn.
“Hồn Việt” trong trang phục của người Việt ta còn được thể hiện qua sự kết hợp giữa các phong tục bản địa. Vào thời Trần, dân ta cạo trọc đầu, để tóc ngắn; thời Lê thì để tóc dài, xõa và chuốt dầu thơm, nhuộm răng đen, đi chân đất…
Trang phục cung đình có sự xuất hiện của các họa tiết như linh vật rồng, phượng, lân, rùa… đó là các nội hàm văn hóa. Rồng tượng trưng cho nhà vua, phượng tượng trưng cho hoàng hậu, công chúa. Các đồ án khác như hoa sen, hoa cúc, hoa mẫu đơn, hoa bảo tướng, bát bảo (8 loại báu vật), mây lửa, sóng nước… đều là những đồ án đa dạng, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa của cổ phục Việt Nam.
PV: Thông qua cuốn sách, Vietnam Centre muốn gửi gắm thông điệp gì đến bạn đọc?
Dù ở trong nước hay nước ngoài, chúng tôi muốn khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa Việt Nam, niềm tự hào về vẻ đẹp và sự tinh tế của trang phục truyền thống vẫn luôn vang mãi. Từ đó, có thể kết nối cộng đồng, lan tỏa giá trị văn hóa, những tinh hoa của người Việt tới độc giả trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế có thể hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam.
PV: Trong tương lai, Vietnam Centre sẽ có những hoạt động gì để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị cổ phục Việt?
Sắp tới, Vietnam Centre sẽ xuất bản cuốn sách “Mình đồng da sắt”- lược sử về giáp trụ Việt Nam. Giáp trụ cũng là một phần văn hóa lịch sử của trang phục. Đây là chủ đề mà chúng tôi rất quan tâm và muốn lan tỏa tới độc giả.
Chúng tôi tập trung vào những việc mình đang làm, dự án cộng đồng để lan tỏa hình ảnh, tri thức về trang phục, văn hóa của Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn những lời chia sẻ của anh!
Phản hồi