Danh mục Thứ Bảy, 23/11/2024

Tiêu điểm \

Rối loạn lo âu ở trẻ “đặc biệt”

23:41 06-06-2023
Tình trạng “rối loạn lo âu” không chỉ xuất hiện ở những người trưởng thành mà còn xuất hiện ở trẻ em. Tình trạng này càng trở nên phức tạp hơn đối với trẻ em "đặc biệt" .

Trẻ đặc biệt là những đứa trẻ có sự phát triển không bình thường về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Thực tế phần lớn trẻ đặc biệt dùng để chỉ những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển.

Rối loạn lo âu là tình trạng lo âu, sợ hãi, căng thẳng quá mức trước một hoặc nhiều vấn đề trong cuộc sống. Khác với lo âu thông thường, trẻ bị rối loạn lo âu thường có nỗi sợ lớn hơn so với mức độ nghiêm trọng của vấn đề, đồng thời trạng thái lo âu có xu hướng kéo dài, xuất hiện vô căn cứ và lặp đi lặp lại. Ở Việt Nam, số lượng trẻ tự kỷ, chậm nói, trẻ tăng động, chậm phát triển ngày càng có xu hướng gia tăng. Thực tế này đang gây ra nhiều khó khăn và áp lực cho các gia đình trong quá trình giáo dục đặc biệt cho trẻ mắc những hội chứng rối loạn thể chất, trí tuệ này. 

 Trẻ đặc biệt là những đứa trẻ có sự phát triển không bình thường về thể chất, tinh thần và trí tuệ. Nguồn: Internet

Liệu ở trẻ em đặc biệt có xuất hiện tình trạng rối loạn lo âu hay không?

Theo các chuyên gia, rối loạn lo âu có xảy ra ở trẻ đặc biệt và chiếm khoảng 40 - 50%. Thường các em sẽ gặp phải tình trạng rối loạn lo âu chia ly, một số biểu hiện nhận biết như khó tách rời cha mẹ, người chăm sóc. Hoặc hơn nữa là khó tách rời ra khỏi các đồ vật mình yêu thích hàng ngày và có những hành vi dập khuôn và giảm hứng thú với các hoạt động trước đấy. 

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Vì có trung tâm làm đến thứ 7 thì phụ huynh sẽ phải trông con và có một số phụ huynh lựa chọn gửi con đến trung tâm cả thứ 7, chủ nhật để được nghỉ ngơi vì đi làm về đã rất mệt mỏi mà con không nghe lời, thậm chí còn đánh mẹ. Nếu dựa vào góc nhìn thông thường thì sẽ thấy người mẹ này là một người mẹ ích kỷ, nhưng nếu xét theo góc độ khác thì cho thấy người mẹ cũng cần nghỉ ngơi để giảm bớt stress”.

Phản ứng của phụ huynh khi biết trẻ mắc chứng rối loạn lo âu. Nguồn: Internet

Về phía phụ huynh, cha mẹ các em cũng rất lo lắng và luôn cố gắng tìm cách để chữa bệnh để con mình sớm có thể hòa nhập và phát triển như các bạn đồng trang lứa. Hiện nay trên Facebook có khá nhiều các nhóm trao đổi dành cho cha mẹ có các em nhỏ là trẻ đặc biệt. Một số phụ huynh đã chia sẻ công khai về bệnh tình và sự tiến triển của con khi được can thiệp và một số phụ huynh chia sẻ dưới trạng thái ẩn danh. Bên cạnh những phụ huynh vui mừng khi con mình đang có chiều hướng phát triển như các bạn trẻ bình thường thì vẫn còn một số phụ huynh bày tỏ sự lo âu của mình về tình trạng của con. 

Phương pháp can thiệp và hướng khắc phục

Các em do quá nhỏ và chưa được tiếp xúc với những khó khăn của cuộc sống nên tâm lý các em chưa vững vàng và đặc biệt hơn là đối với các em là trẻ “đặc biệt” thì càng dễ có sự cản trở về mặt tâm lý. Vậy có những phương pháp và hướng giải quyết nào để các em có thể phát triển đầy đủ như các bạn nhỏ bình thường?

Theo Chuyên gia tâm lý Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, để có thể khắc phục tình trạng rối loạn lo âu ở trẻ em vốn dĩ đã là một vấn đề khó, nhưng đối với trẻ em đặc biệt nó còn phức tạp hơn rất nhiều. Phương pháp trị liệu đầu tiên là can thiệp bằng thuốc: Với trẻ nhỏ, thuốc chỉ được sử dụng khi cần thiết, đồng thời chỉ dùng ngắn hạn và không được kết hợp nhiều loại thuốc. Mục tiêu của điều trị dược lý là giảm sự lo âu, căng thẳng quá mức và cải thiện các triệu chứng cơ thể. Thuốc được dùng trong giai đoạn đầu để ổn định cảm xúc và giảm các triệu chứng thể chất của trẻ. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên đối với trẻ em “đặc biệt”, có thể phương pháp điều trị bằng thuốc cũng sẽ chỉ làm giảm chứng rối loạn trong một thời gian ngắn.

Sử dụng phân tích hành vi ứng dụng (ABA) là một liệu pháp dựa trên nền tảng khoa học về học tập và hành vi. Liệu pháp ABA áp dụng hiểu biết về cách thức hành vi hoạt động trong các tình huống thực tế. Mục đích nhằm gia tăng các hành vi có ích và giảm đi các hành vi có hại hoặc hành vi tác động đến việc học tập.

Và quan trọng nhất, các em vẫn rất cần có bố mẹ bên cạnh chơi cùng và cho trẻ sinh hoạt điều độ; Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý; Kiểm soát các tác nhân gây stress trong cuộc sống của trẻ; Thường xuyên động viên trẻ. Bên cạnh đó, gia đình nên tổ chức các hoạt động vui chơi mang tính tập thể để tăng sự gắn bó của trẻ với người thân. Sau đó, có thể mở rộng phạm vi để các em học cách thích nghi với những người xung quanh.

Rối loạn lo âu ở trẻ em “đặc biệt” có thể điều trị nếu được can thiệp sớm, tuy nhiên sẽ không thể đảm bảo tình trạng có thể không thể hoàn toàn biến mất . Tình trạng chủ quan và lơ là trước những biểu hiện của con trẻ có thể gây ra đáp ứng điều trị kém, lo âu mãn tính và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm đến sức khỏe tinh thần của các em, đồng thời tạo môi trường sống lành mạnh và xây dựng lối sống khoa học để giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý ở các em.

Minh Trang

Phản hồi