Danh mục Chủ Nhật, 29/09/2024

Tiêu điểm \

Doanh nghiệp chủ động, nắm bắt cơ hội trong làn sóng “chuyển đổi năng lượng xanh”

13:26 19-05-2024
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất nước ta đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh này. 

Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam và “bài toán Net Zero” 

Trong cam kết, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 70% kế hoạch phát triển năng lượng vào năm 2050. Khi phát triển bền vững nói chung và Net Zero nói riêng trở thành đích đến của nền kinh tế quốc gia, nó đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn bộ hệ thống chính trị và các doanh nghiệp trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đại diện Việt Nam cam kết “Đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” tại Hội nghị COP26. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Theo kịch bản thông thường, tổng phát thải của Việt Nam tính đến năm 2030 dự kiến là 932 triệu tấn, trong đó ngành năng lượng chiếm đến 680 triệu tấn. Giám đốc Tư vấn FPT Digital Lê Vũ Minh cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hoá thạch. Do đó, khi nhu cầu năng lượng tăng sẽ kéo theo lượng phát thải khí nhà kính tăng đáng kể. Để đạt mục tiêu theo cam kết Net Zero trong Hội nghị COP26, việc chuyển dịch năng lượng xanh trên toàn diện các lĩnh vực, đặc biệt khối doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam là yêu cầu bắt buộc.
Hiện nay, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp được nhấn mạnh trong việc thực hiện các quy định về biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Để hiện thực hóa những yêu cầu này, doanh nghiệp cần có nhận thức sâu sắc về vấn đề môi trường và cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với Net Zero.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, cam kết này đã định hình lại các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính phủ gắn với tăng trưởng xanh chặt chẽ hơn. Các nước nhập khẩu hàng hóa đưa ra thêm nhiều quy định mới, yêu cầu mới có tính “xanh” hơn cho các nước xuất khẩu. Do đó, để hội nhập kinh tế toàn cầu, gia nhập các chuỗi cung ứng bền vững, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, trong đó “chuyển đổi năng lượng xanh” là mục tiêu quan trọng. 

“Xuất khẩu xanh” đặt ra những thách thức mới buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nắm rõ “luật chơi” để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường quốc tế. (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ).

Từ cam kết Net Zero đến những hành động cụ thể, thiết thực là một hành trình dài, đầy thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp cần nhận thức rõ chuyển đổi xanh, phát triển và thực hiện các mô hình sản xuất kinh doanh phát thải thấp đòi hỏi nhiều nỗ lực, đầu tư nguồn lực. Ngay cả việc tiến hành kiểm đếm phát thải carbon theo quy định cũng là một bài toán mới đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), để thực hiện lộ trình phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, dự kiến từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6.8% GDP, tương đương 368 tỷ USD. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp đóng vai trò vừa là đối tượng chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là chủ thể quan trọng tham gia trực tiếp, chuyển thách thức thành cơ hội để phát triển kinh doanh bền vững, đồng thời tạo ra nguồn lực góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại Việt Nam.

Cơ hội phát triển dành cho doanh nghiệp trong làn sóng chuyển đổi năng lượng xanh

Trong Hội thảo Doanh nghiệp về “Chuyển đổi xanh, Tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh các doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới; có cơ hội tham gia thị trường carbon. 

Chuyển đổi năng lượng xanh sẽ giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kép, vừa nâng tầm năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của các bên liên quan, đặc biệt tiêu chuẩn của những thị trường nhập khẩu lớn, trọng yếu như Mỹ, Nhật, châu Âu. Các đối tác này có yêu cầu khá cao về việc giảm thiểu khí phát thải và sử dụng năng lượng tái tạo.

Điều này càng trở nên thuận lợi hơn trong bối cảnh hiện nay, khi chi phí vận hành, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió… có xu hướng giảm đi đáng kể. Ngoài ra, việc đầu tư vào các hệ thống năng lượng này cũng được hỗ trợ bởi nhiều chính sách khuyến khích từ phía chính phủ, bao gồm các gói tài trợ, thuế và ưu đãi khác, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu.

Chi phí vận hành, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo có xu hướng giảm đáng kể. (Ảnh: Internet)

Đối với mục tiêu dài hạn, việc áp dụng chuyển đổi năng lượng xanh trong sản xuất và kinh doanh giúp doanh nghiệp nhận được sự đánh giá cao từ các nhà đầu tư nhờ tiềm năng tạo ra lợi nhuận bền vững và trách nhiệm với môi trường. Hơn nữa, thương hiệu doanh nghiệp còn tạo ấn tượng với các bên liên quan, từ nhân sự tới khách hàng, nhà cung cấp, đối tác… khi đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường và xã hội, xây dựng hình ảnh “doanh nghiệp xanh”.

Đặc biệt, nếu biết chủ động, nắm bắt cơ hội, doanh nghiệp cũng có khả năng tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi từ tài chính xanh, giải quyết bài toán kinh tế về chuyển dịch năng lượng. Xu hướng chuyển dịch các dòng tài chính và đầu tư theo hướng xanh đang trở nên rõ ràng, mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, nhất là sau Hội nghị COP26. Đến nay, tổng giá trị tài sản quản lý của tài chính xanh lên đến hàng nghìn tỷ USD.
Tại Việt Nam, thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Hoà Phát, Duy Tân, Nestle, Vinfast… đã tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0, dần hình thành bức tranh tổng quan về chuyển dịch năng lượng. Nhờ đó, các doanh nghiệp này đã bắt kịp với những yêu cầu quốc tế về giảm phát thải cũng như sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Làm sao để nắm bắt cơ hội?

Theo khảo sát của VCCI (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thực hiện trên 10.000 doanh nghiệp trong nước, 56% doanh nghiệp cho biết đã nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong số đó, khoảng 30% nhận định đã sẵn sàng định hình tái cơ cấu, sắp xếp lại mô hình sản xuất; 17% khác cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, đồng thời phát triển thị trường cho những sản phẩm sẵn có.

Đại diện FPT Digital - ông Lê Vũ Minh đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp về quá trình chuyển dịch năng lượng xanh: “Việc nắm bắt thực trạng, tính toán các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn là điều quan trọng nhất. Xây dựng chiến lược năng lượng bền vững là tiền đề giúp doanh nghiệp sản xuất định hướng phát triển phù hợp với nguồn lực của mình”.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất cần tích hợp chuyển đổi năng lượng cùng chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số giúp kiểm soát nhu cầu năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng thông minh, hiệu quả, chính xác trên toàn bộ chuỗi giá trị doanh nghiệp. Đây đều là các hướng chuyển đổi mang tính chiến lược, nếu kết hợp đồng bộ, toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt, hướng tới phát triển bền vững.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng trở thành xu hướng, là giải pháp cho các doanh nghiệp tối ưu chi phí, phát triển kinh tế bền vững. (Ảnh: Internet)

Đi sau trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, Việt Nam có cơ hội kế thừa và tận dụng những giải pháp công nghệ đã được kiểm chứng, ứng dụng trong các mô hình quy mô lớn trên thế giới, từ đó giảm thiểu tối đa rủi ro và tăng khả năng tối ưu trong lộ trình chuyển dịch năng lượng.

“Xanh hoá” năng lượng đang trở thành xu thế toàn cầu, do đó, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần nhận thức rõ thách thức để giảm thiểu tối đa các rủi ro trong lộ trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời nắm bắt các cơ hội để phát triển kinh tế bền vững, góp phần thúc đẩy cam kết “Đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” của Việt Nam.

Tú Trinh - MĐT K41

Phản hồi