Danh mục Thứ Hai, 20/05/2024

Tiêu điểm \

Nghề rèn hoa lửa

23:31 06-06-2023
Nằm bên dòng sông Nhuệ, chạy dọc từ Đình Đa Sỹ đi sâu vào trong làng, những âm thanh rộn vang của tiếng búa, máy mài vang lên như một nét đặc trưng của ngôi làng rèn hoa lửa - nơi có hơn nửa thợ rèn là nữ giới.

Đa Sỹ nổi tiếng là “Đệ nhất dao kéo miền Bắc”, những sản phẩm của làng nghề không quá cầu kỳ, chủ yếu là các loại đồ gia dụng kim khí như dao, kéo. Những vật dụng cần thiết ấy đã tỏa đi khắp mọi miền, phục vụ sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. 

Cha truyền con nối

Sinh ra ở làng, từ nhỏ đã biết đến nghề nhưng khi lấy chồng, công việc rèn dao mới chính thức “bén duyên” với cô Nghiêm Thị Quyên. “Nghề rèn xuất phát từ sự quan sát, học hỏi, làm nhiều trở thành thói quen, kỹ năng của mình” cô chia sẻ. Do tính chất đặc thù của nghề rèn, những người phụ nữ ở nơi đây phải trang bị cho mình những “vũ khí đặc biệt”. Đó là những cặp kính, đôi găng tay, lớp khẩu trang và bộ trang phục dày dặn. 

Những vật dụng này nhằm giảm thiểu cái nóng của lò lửa, ánh bụi sắt thép bắn ra, sự nguy hiểm của máy mài. Những vết thương từ máy sạt khiến chân tay của những người phụ nữ không còn được mềm mịn mà hằn chứa nhiều dấu tích của thời gian. Đôi khi họ cũng muốn tìm cho mình một công việc nhẹ nhàng, phù hợp hơn. Nhưng hơn tất cả là tình yêu nghề, sự gắn bó lâu dài nên đây không chỉ là một công việc tạo ra thu nhập mà còn lưu giữ nét văn hoá truyền thống “cha truyền con nối”, in sâu vào máu thịt, tâm trí của nhiều người con Đa Sỹ.

Nghề đi đôi với nghiệp

Dân gian thường có câu “Liễu yếu đào tơ” để nói về sự mảnh dẻ, mềm mại của người phụ nữ nên khi bắt đầu công việc làm rèn, những “bóng hồng thép” gặp không ít khó khăn. “Mới đầu cũng thấy nặng, vất vả lắm, đau vai, đau tay vì phải ngồi cả ngày nhưng dần dần hai vợ chồng bảo nhau nghề đi đôi với nghiệp, cố gắng, nỗ lực để tiếp tục hướng về phía trước vì gia đình, vì tương lai của các con”, cô Quyên cho biết. Đồng hành với nghề rèn hơn 20 năm, trải qua nhiều thăng trầm, những đổi thay của cuộc sống nhưng người phụ nữ ấy vẫn hàng ngày đỏ lửa, tiếp tục rèn nghề để cho ra lò những sản phẩm dao, kéo chất lượng.

Để làm ra được một sản phẩm chắc, bền, đẹp, làng nghề Đa Sỹ đặt ra yêu cầu cao trong quá trình sản xuất, đòi hỏi người thợ rèn cần có sự khéo léo, kiên trì và cẩn thận trong từng sản phẩm. Chia sẻ về các công đoạn, cô nói: “Kỹ thuật sạt rất quan trọng, để làm được một lưỡi dao đều, đẹp đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Làm lâu và quen tay, không cần vuốt, chỉ cần nghe tay là có thể sạt được lưỡi dao rất đều, tránh bị quằn, mẻ”. 

Các nguyên liệu về sắt gia đình cô Quyên nhập từ bên ngoài, sau đó cho vào lò quấn tông, lẻ, nhẫn, tiếp tục đưa vào máy rút, sạt, vỡ, tui hình. Chưa dừng lại ở đó, những “tay búa” nữ tiếp tục đưa lưỡi dao vào sạt lại, cho vào tảng đá tròn để hớt, liếc. Và công đoạn cuối cùng là rửa dao, bôi dầu, đưa ra thị trường. Mặc dù ngày nay nguyên liệu phong phú, đa dạng các loại sắt nhưng chất lượng không còn tốt như ngày xưa, buộc người thợ rèn phải rèn luyện tay nghề, nâng cao kỹ thuật.

 Kỹ thuật sạt lưỡi dao.

Lan toả ngọn lửa nghề

Sự tiếp nối giữa nhiều thế hệ là nét đẹp vốn có tại làng rèn. Hiện nay, thế hệ trẻ có ưu thế và sự tinh nhanh trong việc áp dụng kỹ thuật công nghệ. Đặc biệt, họ có sự bạo dạn, ngọn lửa đam mê nghề cháy bỏng, làng Đa Sỹ cũng dựa vào tinh thần, sự nhiệt huyết, lợi thế ấy nhằm duy trì, thúc đẩy, phát huy nghề rèn để tăng năng suất lao động. 

 Ông Hoàng Quốc Chính – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ.

Ông Chính cho biết “Nhằm phát triển làng nghề truyền thống, các biện pháp, chính sách của Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ luôn được chú trọng, đẩy mạnh. Từng hộ gia đình thường xuyên được tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm, tham gia các Hội nghị về chuyển giao công nghệ nhằm tiếp thu, bắt kịp xu hướng. Thêm vào đó, Hiệp hội đã tổ chức các lớp tập huấn, các buổi hội thảo nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tay nghề cho các hội viên góp phần tiết kiệm nhiên liệu, điện năng, thời gian sản xuất”. 

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền từ phường, xã đến quận, huyện, Thành phố Hà Nội tích cực hỗ trợ, đầu tư kinh phí về máy móc nhằm thay đổi mẫu mã, giải quyết nguồn làng làm ra. Trung bình một tháng, làng Đa Sỹ đưa ra thị trường phía Bắc, xuất khẩu vào trong miền Nam và các nước Đông Nam Á lên tới vài chục tấn hàng.

Thuận vợ thuận chồng

Đến với làng nghề Đa Sỹ, khách thập phương không khỏi ngạc nhiên trước hình ảnh của những đôi vợ chồng cùng nhau lao động sản xuất. Ngay cả khi ánh mắt và nụ cười của họ bị che lấp bởi cặp kính hay nhiều lớp khẩu trang cũng không thể nào ngăn được sự tâm đầu ý hợp, hiểu thấu lẫn nhau. Chính điều này đã thể hiện sự gắn kết sâu sắc của các cặp vợ chồng nơi đây, khi họ vừa là người “đồng nghiệp” cùng nhau giữ lửa cho làng nghề, vừa là người “bạn đời” sẻ chia mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. 

 Vợ chồng cô Quyên, chú Hoan cùng nhau phát triển nghề rèn.

Chiều chiều, âm thanh phát ra từ những chiếc loa be bé lại trở thành liều thuốc tinh thần đặc biệt của những người thợ rèn tại làng Đa Sỹ. Những giai điệu vui tươi, nhẹ nhàng ấy đối lập hoàn toàn với tiếng búa, tiếng đe chan chát lúc trước. Có lẽ, chính sự lãng mạn, niềm lạc quan, yêu đời giữa những đốm lửa hoa bập bùng đã giúp người dân nơi đây có thêm năng lượng, cảm hứng nuôi dưỡng nghề rèn hoa lửa. 

Làng nghề rèn có từ thời vua Hùng thứ 18, ban đầu người dân chỉ sản xuất búa, liềm hái. Phải tới thời nhà Trần, đầu thế kỷ thứ 13, Đa Sỹ mới chính thức trở thành làng rèn chuyên nghiệp khi hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần ở xứ Thanh mang hết tâm huyết và tài năng, truyền dạy cho dân làng bí quyết nghề rèn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại, các sản phẩm hiện nay, phong phú về mẫu mã, đa dạng về chủng loại. Làng nghề Đa Sỹ tham gia sản xuất theo hình thức hội gia đình nên hiện nay có hơn 1000 hội viên. Vì tính chất đó nên nơi đây cả vợ và chồng cùng tham gia lao động sản xuất. Các sản phẩm của những tay búa nữ có độ mềm mại, tinh xảo nhất định. Tính đến nay, làng Đa Sỹ có 4 nữ nghệ nhân trong tổng số hơn 20 nghệ nhân./.

Nguyễn Vũ Thanh Bình

Phản hồi