“Hôm nay ăn gì, ở đâu?” là câu hỏi nan giải thường ngày của nhiều người khi không thể lựa chọn được một nhà hàng với các món ăn phù hợp với bản thân. Là một người trẻ thường xuyên gặp tình trạng “bí” trong việc lựa chọn quán ăn, Linh Chi (24 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: “Trước khi chuẩn bị tới bữa trưa, mình thường mất 30 - 45 phút lướt Tiktok xem review đồ ăn để tham khảo các lựa chọn về món ăn”.
Theo số liệu của DataReportal, tính đến tháng 3/2024, Việt Nam xếp thứ 5 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng 67,7 triệu người dùng, tương đương hơn 70% người dùng Internet tại nước ta.
Sức mạnh của mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, khiến cho các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang sử dụng nền tảng truyền thông để quảng bá sản phẩm của mình. Điều này giúp cho khách hàng tiếp cận nhanh chóng với các thông tin về sản phẩm, dịch vụ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các food reviewer (người trải nghiệm, đánh giá thực phẩm) và F&B (dịch vụ thực phẩm) trên TikTok.
Thực tế này không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh cho các nhà hàng và thương hiệu ẩm thực mới, mà còn tạo ra một cộng đồng trực tuyến đam mê ăn uống, nơi mọi người có thể chia sẻ, giao lưu về những vấn đề xoay quanh ẩm thực.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của xu hướng mới này, hiện tượng “lạm phát” nghề food reviewer trên các nền tảng mạng xã hội đã đem lại một số tác động không thể tránh khỏi.
Thời đại của những nhà “phê bình”
Hiện nay, việc đánh giá ẩm thực trở thành “cần câu cơm” của một số food reviewer không chuyên. Không còn giữ được tính chất khách quan như thời gian đầu, nhiều nội dung đánh giá ẩm thực được cho là “không có tâm”, chỉ biết chê bai bất chấp để thu hút lượt xem.
Vào tháng 9/2022, Hot Tiktoker Cao Hoàng Mẫn đã đăng tải một video tố tô bánh canh ghẹ 700.000 đồng của quán … đắt và không tương xứng với chất lượng. Những ý kiến cá nhân mang tính chất chê bai tương tự đã để lại nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến các quán ăn, khiến nhiều chủ cửa hàng hoang mang vì rơi vào tình trạng thưa thớt thực khách.
Không phải nhà phê bình ẩm thực nào trên TikTok nào cũng có sự công tâm. Những đánh giá này đều xuất phát từ “trải nghiệm cá nhân”, “quan điểm và khẩu vị riêng” nên không tránh khỏi sự chủ quan và một chiều. Đặc biệt, những video bình luận tiêu cực này thường thu hút hàng trăm nghìn lượt thích, bình luận tranh cãi và hàng triệu lượt xem trên TikTok.
Những hành động tiêu cực như trên để lại nhiều hệ lụy, trong đó làm nảy sinh những “cuộc chiến” gay gắt giữa các food reviewer và nhiều nhà hàng. Nhiều quán ăn thậm chí còn dán giấy “cấm cửa” các TikToker để tránh bị ảnh hưởng bởi những video phê phán tiêu cực. Không ít cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống bày tỏ sự lo ngại, bất an khi nghĩ tới viễn cảnh bị các food reviewer “bóc phốt” trên mạng xã hội.
Chia sẻ về thông tin xoay quanh hành động dán giấy “cấm cửa” này, Sơn Harry - chủ kênh Tiktok review quán ăn sở hữu 102,1 nghìn lượt theo dõi, bộc bạch: “Theo mình, điều này cũng bình thường do nhiều bạn TikToker thường xuyên làm clip chê bai các hàng quán, khiến nhiều chủ quán lo ngại, sợ ảnh hưởng tới việc kinh doanh của họ”.
Sơn cũng cho biết thêm: “Quả thực, hiện nay một số bạn food reviewer trẻ chưa thực sự làm đúng nghề review. Nhiều bạn chọn cách tạo lùm xùm để có thể lên xu hướng mà không màng tới việc ảnh hưởng xấu đến nhà hàng và người xem”.
“Cơn mưa” lời khen từ food reviewer
Ngược lại với thái độ “chê” bất chấp, vì nhiều lý do, nhiều food reviewer luôn dành những lời khen “có cánh” cho các quán ăn, cửa hàng, dẫn đến tình trạng đánh giá mất chân thực.
Nếu đặt quá nhiều niềm tin vào một tiktoker mà không tỉnh táo, người xem sẽ nghe theo những lời bình luận “đổi trắng thay đen” đến từ những nhân vật trên mạng này.
Một mô típ điển hình của các food reviewer trẻ hiện nay là mở đầu theo kịch bản: “Lần đầu tiên có mặt tại….quán ngon nhất mà mình từng thử”. Điều này dẫn đến sự kỳ vọng cao của các thực khách với món ăn sắp được thưởng thức tại nơi được đánh giá là “ngon nhất mình từng ăn”.
Không chỉ tổn hại về lòng tin khi nghe theo lời nói của các food reviewer, nhiều khách hàng còn bị mất thời gian, tiền bạc một cách oan uổng cho việc trải nghiệm tại các nhà hàng có chất lượng trái ngược quảng cáo.
Tuy nhiên, chất lượng đồ ăn và dịch vụ mới là yếu tố giữ chân các thực khách ở lại lâu dài với một quán ăn. Quán bánh mì thịt xiên Campuchia của anh Hùng tại quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh từng không thu hút được nhiều khách hàng, tuy nhiên sau khi được “giải cứu” bởi các food reviewer, quán đã ghi nhận số lượng khách hàng nhiều hơn. Nhưng phải nhờ vào chất lượng đồ ăn thực sự, quán bánh mì của anh H mới có thể giữ được lượng thực khách ổn định.
Phải nói rằng, câu trả lời cho bài toán về những hệ lụy xoay quanh văn hóa review đồ ăn trên Tiktok nằm hoàn toàn ở khả năng lựa chọn sáng suốt của người xem. Trước khi quyết định “Ăn gì? Ở đâu?", cần có sự thu thập thông tin, chọn lọc khéo léo giữa hàng loạt những đánh giá khen chê trên mạng xã hội.
Ngọc Khương (19 tuổi, Hà Nội) chấp nhận sẽ trải qua một số lựa chọn sai khi nghe theo food reviewer: “Mình từng đến 1-2 quán theo lời giới thiệu trên mạng xã hội nhưng không ưng ý chất lượng đồ ăn. Sau đó, mình đã cố gắng tìm kiếm đánh giá chân thực về các quán ăn từ các thực khách trước đó ở dưới phần bình luận của các video”.
Phản hồi