Danh mục Thứ Ba, 26/11/2024

Tiêu điểm \

Bữa cơm học đường: Cần thêm nhiều nỗ lực để cải thiện

16:09 20-05-2024
Dinh dưỡng học đường đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng học tập của học sinh. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn tồn đọng nhiều bất cập chưa thể giải quyết.

Vào tháng 12 năm ngoái, hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc bán trú Hoàng Thu Phố 1 đã bị đình chỉ vì không đảm bảo lượng thực phẩm khiến cho 11 học sinh phải ăn chung 2 gói mì tôm nấu loãng trộn cơm, trái hoàn toàn với thực đơn và báo cáo tài chính cho 174 em đã được công bố. Sự việc trên như một hồi chuông cảnh tỉnh về chất lượng dinh dưỡng học đường đáng báo động tại Việt Nam hiện nay.

Lo lắng khi gửi con tới lớp học bán trú

Có con trai thuộc diện được cấp suất cơm bán trú nhưng chị Đinh Thị Mai Anh (35 tuổi, Hải Phòng) vẫn cố gắng đón con về nhà ăn cơm cùng gia đình mỗi buổi trưa. Chị giải thích: “Do các suất ăn ở trường gần như chỉ cho đủ bữa chứ không thể đảm bảo được sức khoẻ của con được, chưa kể con tôi lại khá kén ăn nên dù bận mấy tôi cũng vẫn cố tới trường đón con về nhà ăn cơm, hãn hữu lắm mới để con ăn ở trường”.

Các vụ việc về dinh dưỡng học đường gần đây khiến chị Mai Anh cảm thấy lo lắng khi cho con ăn cơm tại trường. (Ảnh: NVCC) 

Có thể thấy, mặc dù chất lượng giáo dục đã được đẩy mạnh hơn song vấn đề dinh dưỡng cho học sinh lại chưa nhận được quan tâm đầy đủ. Tình trạng các suất ăn ít ỏi, thiếu dinh dưỡng hay sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh… vẫn còn tồn tại khiến nhiều bậc phụ huynh không mấy tin tưởng vào các suất cơm bán trú, nội trú học đường.

Nỗ lực cải thiện những bữa cơm học đường

Để cải thiện chất lượng dinh dưỡng học đường, nhiều trường học đã phối hợp cùng gia đình để giám sát các bữa ăn bán trú, nội trú của con em. Tháng 11/2023, Phòng GD-ĐT thành phố Thủ Đức (TP. HCM) đã yêu cầu tất cả các trường học phải gửi hình ảnh suất ăn và buổi ăn về cho phụ huynh và cơ quan để thắt chặt việc quản lý dinh dưỡng, đồng thời tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở cung cấp suất ăn, nhà bếp tập thể.

Hình ảnh bữa ăn từ các điểm trường tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Báo Thanh niên) 

Đánh giá về xu hướng phát triển của dinh dưỡng học đường hiện nay, cô giáo Phùng Hải Minh (Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội) cho biết các suất cơm bán trú, nội trú ngày càng được đảm bảo về số lượng và chất lượng. 

“Không chỉ tuyên truyền, trường học hiện nay còn đề ra nhiều biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng bữa ăn cho các học sinh. Ngoài việc làm mới thực đơn thường xuyên, thầy cô giáo cũng có thêm những ghi chép và quan sát cụ thể với từng em để kịp thời nhận ra những thay đổi trong ăn uống của các em tại trường nhằm điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu và thể trạng của từng học sinh”, cô giáo Hải Minh nói.

Theo cô giáo Hải Minh, dinh dưỡng học đường ngày càng được hoàn thiện. (Ảnh: NVCC) 

Cô giáo Hải Minh thông tin thêm, trước khi vào năm học mới, trường học nơi cô công tác thường tổ chức các buổi khám sức khỏe cũng như trao đổi trực tiếp với phụ huynh về sở thích và thói quen ăn uống để tránh xảy ra các trường hợp đồ ăn không hợp khẩu vị hoặc gây dị ứng cho học sinh. 

Đồng quan điểm với cô giáo Hải Minh, cô giáo Hồng Nhung (Trường Tiểu học Nguyên Xá, Thái Bình) cho hay, ban đầu có nhiều cha mẹ học sinh còn băn khoăn về vấn đề an toàn thực phẩm trong các bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, sau khi nhà trường triển khai công tác tuyên truyền và cho phép phụ huynh trực tiếp quan sát quy trình chế biến, nỗi lo lắng này đã được giảm đi đáng kể.

Cô giáo Hồng Nhung nhận định, chất lượng bữa ăn tại trường học được cải thiện rõ rệt. Chị chia sẻ: “Các bếp ăn ở trường hiện nay đã có thêm sự giám sát của hội phụ huynh, đồng thời chính giáo viên chủ nhiệm sẽ là người trực tiếp trông coi các bữa ăn của học sinh”. 

Cô giáo Hồng Nhung tham gia trực tiếp vào việc quản lý các bữa ăn tại trường của học sinh. (Ảnh: NVCC)

Em Lê Kiều Trang, học sinh lớp 11E trường Phổ thông Tuyên Quang - TSE (liên cấp với Đại học Tân Trào) cho biết so với những năm học cấp 2 thì ở thời điểm hiện tại, suất ăn bán trú của em đã hấp dẫn và đầy đặn hơn trước. Ngoài các món chính, thực đơn còn có thêm nước ép và hoa quả để tráng miệng.

Những suất ăn đảm bảo dinh dưỡng tại căng tin trường Phổ thông Tuyên Quang - TSE. (Ảnh: NVCC)

“Trước kia phòng ăn của bọn em khá chật nhưng giờ đã được chuyển sang nhà ăn khác rộng rãi và sạch sẽ hơn. Đồ ăn cũng đủ chất dinh dưỡng và ăn khá vừa miệng, bọn em cũng không phải đợi lâu để lấy đồ ăn như trước”, Kiều Trang chia sẻ.

Không gian bếp ăn mới tại trường Phổ thông Tuyên Quang - TSE. (Ảnh: NVCC) 

Cần thêm những giải pháp mới

Bằng những nỗ lực từ nhiều phía, chất lượng dinh dưỡng học đường ngày càng được hoàn thiện về mọi mặt. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều đề xuất và hướng đi mới đề giải quyết những hạn chế còn tồn đọng. 

Chia sẻ về những mong muốn đối với các suất cơm bán trú, Kiều Trang bộc bạch: “Em muốn có thêm nhiều món ăn mới và được đổi bữa nhiều hơn vì không phải món nào cũng dễ ăn, có những món như mướp đắng với hành tây nên khá khó ăn em mong có sự điều chỉnh các món hoặc chế biển theo cách khác để bạn nào cũng ăn được”.

Kiều Trang bày tỏ hy vọng trường sẽ điều chỉnh thực đơn thường xuyên để các món ăn được đa dạng hơn. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh việc đổi mới thực đơn, lựa chọn các nguồn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là những xu hướng mới giúp vấn đề dinh dưỡng học đường được cải thiện triệt để và hiệu quả. 

Cô giáo Hải Minh chỉ ra: “Có thể sử dụng thêm các phần mềm quản lý dinh dưỡng giúp tính toán hàm lượng kcal và dưỡng chất có trong thực phẩm của các học sinh, góp phần tăng cường sức khoẻ học đường cho học sinh trong tương lai”.

Huyền Sâm - MĐT K41

Phản hồi