Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Nghề chuyện dệt gấm thêu hoa

22:37 27-12-2023
Nghề thêu truyền thống đã ở Việt Nam hơn 300 năm nay. Trải qua nhiều thăng trầm, vẫn còn nhiều người kiên quyết trụ lại, gắn cuộc sống của mình với cây kim, sợi chỉ chỉ với một câu nói nhẹ tênh “Nghề của cha ông mình thì mình phải giữ thôi…”

Nhắc tới thêu thùa, người ta nhớ tới hình ảnh người phụ nữ Việt Nam khéo léo, đảm đang, chịu thương chịu khó. Những chiếc khăn tay hay đôi gối thêu từng là kỷ vật thiêng liêng, là chứng nhân một thời cho tình yêu bất diệt đi qua cả mưa bom bão đạn, qua cả không gian và thời gian.

Bẵng đi một thời gian, những người thêu ở làng cứ thưa dần, thưa dần. Họ bảo, nghề thêu giờ ít tiền quá, lại vất vả. Người trẻ thích làm ở các khu công nghiệp hoặc ra thành phố đi làm thuê. Những người già nơi đây nhớ mãi mấy mùa trăng tháng Tám đã qua, nhớ cảnh gia đình cùng ngồi thêu, những đứa nhỏ chạy quanh đòi xâu chỉ. 

Chẳng còn mấy người giữ được cái nghề này, Anh Điển  - người con còn theo đuổi và giữ gìn nghề thêu của quê hương, nỗ lực để lan tỏa hơn nữa nét văn hóa truyền thống đặc sắc này của dân tộc, giữ cho nó mãi rực cháy.

 Chẳng còn mấy người giữ được cái nghề này, Anh Điển  - người con còn theo đuổi và giữ gìn nghề thêu của quê hương, nỗ lực để lan tỏa hơn nữa nét văn hóa truyền thống đặc sắc này của dân tộc, giữ cho nó mãi rực cháy.

Làng thêu Đông Cứu tại Thường Tín, Hà Nội - ngôi làng với hàng trăm năm lịch sử nghề thêu truyền thống, đặc biệt là thêu long bào. Đến ngày nay, những người con làng thêu này vẫn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Hôm ấy vào một ngày đông đẹp trời, nơi Phố Cổ Hà Nội, ở trong một cửa hàng nhỏ trên phố Hàng Trống lại chứa cả một nét tự hào văn hóa tín ngưỡng dân tộc. Đây là cửa hàng của anh Điển Nguyễn - sinh ra và lớn lên tại làng Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội). Sau nhiều năm vất vả làm việc, anh đã tích góp được vốn liếng mở một cửa hàng trên Phố Cổ, để tiện di chuyển phục vụ công việc và cũng như mang văn hóa quê hương tiếp cận nhiều người hơn.

Đến với cửa hàng anh Điển như lạc vào không gian văn hóa với các trang phục đủ màu sắc, họa tiết sặc sỡ khác nhau, và khi nhìn cận cảnh từng chi tiết, ta mới hiểu rõ tâm huyết và công sức của những nghệ nhân. 

Theo anh Điển chia sẻ, thêu tay cần độ tỉ mỉ và chính xác cao, từng công đoạn được đầu tư rất nhiều công sức, khắt khe với từng đường nét, và kiểm tra kỹ lưỡng quy trình làm việc của thợ may. Hồi mới bắt đầu làm nghề, có nhiều bộ trang phục thiết kế nhưng khi thợ thêu không đáp ứng được yêu cầu và ý tưởng của mình, mỗi lần như vậy, dù đặt rất nhiều tâm huyết, anh vẫn phải bỏ các sản phẩm đi chứ không còn cách nào khác. 

Để có thể hình thành nên một bộ trang phục cần trải qua nhiều bước phức tạp, mỗi bước cần sự kiểm tra chặt chẽ và phải theo đúng quy trình. Đầu tiên là cần thiết kế trên bản vẽ, sau đó in lên chất liệu mình muốn thêu như gấm hoặc lụa. Công đoạn tiếp theo là bắt tay vào thêu từng chi tiết, cuối cùng là cắt và dựng nên thành sản phẩm. Nét đặc trưng của những trang phục này là sự kết hợp giữa nhiều màu sắc: xanh, đỏ, tím, vàng…sao cho mượt mà. 

Mỗi loại trang phục phải sử dụng hoa văn khác nhau, mỗi hoa văn lại yêu cầu những cách thêu khác nhau, sử dụng nhiều loại chỉ thêu đặc biệt để nổi bật hoạ tiết và vẽ nên cái hồn cho trang phục. Trang phục của hàng quan lớn mình lại phải thiết kế các chi tiết liên quan tới rồng, trang phục của các chúa chầu lại là sự kết hợp của hoa, phượng, và các vân mây, hoa văn mềm mại hơn.

 Mỗi loại trang phục phải sử dụng hoa văn khác nhau, mỗi hoa văn lại yêu cầu những cách thêu khác nhau, sử dụng nhiều loại chỉ thêu đặc biệt để nổi bật hoạ tiết và vẽ nên cái hồn cho trang phục.

Trung bình mỗi sản phẩm được hoàn thành trong vòng 2 tháng. Tuy vậy, có những bộ trang phục khó hơn, cầu kỳ hơn sử dụng nhiều họa tiết và loại chỉ thêu thì mất nhiều thời gian hơn, có thể sẽ tốn đến nửa năm, đôi khi một năm để hoàn thành. Cửa hàng của anh Điển giống một gian triển lãm nhỏ, dưới ánh đèn vàng ấm cúng, những trang phục được anh Điển tâm huyết nhất được treo lên như một niềm tự hào, những thiết kế này mất rất nhiều thời gian thực hiện và tốn một khoản chi phí đáng kể. 

Anh Điển không giấu được cảm xúc khi kể lại những kỷ niệm khi tham dự các sự kiện, hội nghị triển lãm, chương trình giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. Mỗi lần tham dự anh lại học hỏi và hiểu ra nhiều điều và thấy tự hào cái nghề truyền thống gia đình hơn. Theo anh chia sẻ, các trang phục cửa hàng anh cũng ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm và chú ý hơn, kể từ khi Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ được UNESCO công nhận là Di tích văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Hàng năm, vào đầu tháng Giêng, thời điểm mà những lễ hội tổ chức, câu hát văn vang lên cũng là thời gian mà anh bận nhất trong năm.

Anh Điển, sau nhiều năm nỗ lực và làm nghề với sự nghiêm túc, tinh thần cầu tiến, hiện nay cơ sở “Khăn áo Điển Loan” với số lượng thợ thêu hơn 80 người đáp ứng được 80% thị trường. “Nét văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng được biết đến và quan tâm nhiều hơn, nên tôi cũng muốn mở rộng thêm nữa để đáp ứng được nhu cầu thị trường, và làm sao để có thể cân bằng số lượng với chất lượng sao cho tốt nhất” - anh tâm sự.

Dẫu vậy, anh còn trăn trở rất nhiều về nghề thêu là một nghề truyền thống nhưng nếu bị mai một sẽ rất tiếc cho những giá trị văn hóa từ thuở lập nước. Vậy nên, anh đã mở những lớp dạy nghề cho người dân và cho bạn trẻ yêu thích, đam mê việc thêu thùa, may vá. Anh tâm sự: “ Trong tương lai, tôi cũng đang xin Bộ Văn hóa để mở thêm các lớp dạy nghề để cho các bạn trẻ biết về nghề”. Đồng thời anh cũng ấp ủ mở rộng các văn phòng triển lãm trang phục khăn chầu, áo ngự phục vụ nghi lễ hầu đồng để khách hàng, khán giả trong nước và quốc tế đến tham quan và tìm hiểu về sản phẩm cũng như nét đẹp văn hóa trong sản phẩm thêu tay của Việt Nam.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển cho biết: “Việc gìn giữ nghề thêu trang phục trong nghi lễ tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ vô cùng quan trọng. Chúng ta nên khuếch trương và truyền thông cho giới trẻ biết và hiểu rõ những giá trị truyền thống, nếu không sẽ bị mai một đi. Một trong những vai trò quan trọng với thế hệ sau, đó là cần giữ được văn hóa tồn tại trong lòng nhân dân”.

Sau thời gian dài mai một, những năm gần đây, lớp trẻ cũng dần quan tâm nhiều hơn tới thêu thùa và tham gia các lớp học dạy về thêu tay để vừa hiểu hơn về nghề truyền thống của người Việt, vừa để coi như là một hình thức thư giãn sau những giờ làm việc vất vả. Bạn Khánh Huyền (21 tuổi, Hà Nội): “Từ khi nghỉ dịch, mình tìm đến nghệ thuật thêu tay để điều hòa cảm xúc và tạo ra những sản phẩm nhỏ nhắn nhưng có giá trị gửi tặng đến người thân và bạn bè. Từ đấy mà càng thêm trân trọng nghề thủ công truyền thống của dân tộc.”

Tuy nhiên, bài toán làm sao để vừa có thể bảo tồn, gìn giữ những di sản văn hoá lại vừa có thể phát triển được nó vẫn luôn là một trăn trở. Anh Điển cũng chỉ là một trong những người con nơi làng nghề thêu luôn đau đáu nỗi niềm làm sao để có thể giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hoá cao đẹp của quê hương. Quan trọng là nghề thêu tay truyền thống chỉ thực sự “sống” được và đi lên khi có thể giữ gìn và phát huy những tinh túy của hồn Việt, phù hợp với thị hiếu hiện đại của người tiêu dùng.

Những năm gần đây, nhà nước đã có thêm nhiều những chính sách bảo tồn các làng nghề truyền thống. Từ sự quan tâm này, các ban ngành liên quan, giá trị và tầm quan trọng của nghề thêu truyền thống sẽ được bảo tồn cũng như phát triển thêm, đời sống của những người dân làng nghề sẽ khấm khá hơn. Điều này sẽ giúp phát triển một tương lai tươi đẹp với những giá trị văn hóa đáng quý của dân tộc. 

Diễm Quỳnh - Báo in k40

Phản hồi