Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Thực trạng nghiện trà sữa của sinh viên hiện nay

22:20 21-12-2023
Quán trà sữa từ lâu đã trở thành địa điểm lui tới quen thuộc của các bạn sinh viên sau giờ tan học. Tuy nhiên, đằng sau thói quen này tiềm ẩn không ít rủi ro.

Tần suất uống trà sữa đáng báo động của giới trẻ

Những năm trở lại đây, trà sữa đã trở thành một loại đồ uống phổ biến với người trẻ, đặc biệt là sinh viên. Lý giải cho sức hút trên, đây là một thức uống có hương vị thơm ngon, giá thành rẻ và có thể dễ dàng tìm thấy ở mọi nơi.

Anh Hoàng Minh (nhân viên quán trà sữa Mixue chi nhánh Cầu Giấy) cho biết: “Một ngày quán bán khoảng 200 tới 400 ly trà sữa, nhưng giai đoạn cao điểm có thể lên tới 600 ly. Vị trí của quán rất gần các trường học nhằm thu hút các bạn trẻ đến uống. Thời điểm đông khách nhất trong ngày là giờ tan học, các bạn học sinh, sinh viên ùa ra mua khiến nhân viên phải pha đồ luôn chân luôn tay mới kịp trả khách”.

Vào thời điểm uống trà sữa nhiều nhất, Thanh Tâm (sinh viên trường Đại học Thương Mại) đã uống liên tục 1 tuần với 2 ly trà sữa mỗi ngày. Thanh Tâm chia sẻ: “Mình uống trà sữa đều đặn tất cả các ngày, mỗi khi đi học về hoặc những lúc chán, mình đều nghĩ đến việc uống trà sữa. Uống nhiều thành quen, mình cũng định cai trà sữa mấy lần rồi, nhưng không uống thì cảm thấy rất buồn miệng. Ngoài ra, bản thân mình khá lờ đờ, uể oải nên thường phải dùng trà sữa như một cách chống buồn ngủ'.

Thanh Tâm chia sẻ về tần suất uống trà sữa đáng báo động. (Ảnh: Thảo Vân) 

Giống như Thanh Tâm, Ngọc Linh (sinh viên trường Đại học Thương Mại) thường uống trà sữa vào những lúc học bài, vậy nên mỗi ngày đi học bạn đều mua một ly để uống cho tỉnh táo.

Ngọc Linh kể lại: “Vào thời điểm ôn thi đại học, mình bị chán ăn, toàn uống trà sữa thay cơm. Một hôm, sau khi uống trà sữa ở tiệm mới mở gần nhà, mình bị nôn và tiêu chảy nên đã nên đã phải nhập viện. Bác sĩ kết luận mình bị ngộ độc do trà sữa trôi nổi với nguyên liệu không sạch sẽ, đồng thời mình còn bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng do chỉ uống trà sữa trong thời gian dài".

Ngọc Linh chia sẻ từng bị ngộ độc do uống phải trà sữa không đạt chuẩn vệ sinh. (Ảnh: Thảo Vân) 

Cũng từng “nghiện” trà sữa như Thanh Tâm và Ngọc Linh, nhưng may mắn Phương Thảo (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã “cai” được việc sử dụng thức uống này. 

Phương Thảo chia sẻ: “Lúc uống trà sữa thì rất vui, cảm giác như được tiếp thêm sức lực vậy, nhưng được một thời gian thì sức khỏe của mình có dấu hiệu suy giảm. Lúc đầu, mình chỉ nghĩ là mệt mỏi bình thường nên không để tâm tới.

Tuy nhiên, vào đợt nghỉ dài vì đại dịch Covid-19, các cửa hàng đều không được hoạt động nên mình đã dừng uống trà sữa khoảng 1 tháng. Thời điểm đó, mình lại cảm thấy sức khỏe tốt hơn nhiều. Sau giai đoạn dịch, mình cũng không còn thèm trà sữa liên tục nữa, thỉnh thoảng mới uống một ly cùng bạn bè thôi'.

Phương Thảo cảm thấy sức khỏe được cải thiện sau khi ngừng uống trà sữa. (Ảnh: Thảo Vân) 

Phương Thảo nói thêm: “Việc cai trà sữa khá chật vật đối với mình. Mình phải kiểm soát bản thân và thay thế trà sữa bằng sinh tố, nước ép hoa quả. Kết quả là mình không chỉ giảm được cân, mà còn cảm nhận rõ cơ thể khỏe mạnh và ít mệt mỏi hơn'.

Đa số các bạn tham gia phỏng vấn đều cho rằng bản thân thường xuyên cảm thấy thèm đồ ngọt, nên mỗi khi cần giải khát, thay vì chọn nước lọc hoặc những thức uống lành mạnh, các bạn chọn trà sữa. Bên cạnh đó, các bạn cũng sử dụng thức uống này như một liệu pháp tinh thần nhằm đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, đây không phải một cách thức tốt. Các bạn đều đã và đang rơi vào nhóm có nguy cơ nghiện trà sữa, nếu không kịp thời điều chỉnh thói quen ăn uống sẽ dễ mắc tiểu đường cùng nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Cơ chế gây nghiện của trà sữa

Trong trà sữa có chứa nhiều đường và caffeine. Với đường, vị ngọt của đường trong trà sữa ban đầu sẽ giúp người dùng phấn chấn, nhưng nếu dùng đồ ngọt thường xuyên sẽ càng kích thích cơn thèm đồ ngọt và dẫn đến chứng nghiện. Còn với caffeine, thanh thiếu niên chỉ nên giới hạn uống không quá 100mg caffeine mỗi ngày, nếu uống hơn 400mg caffeine mỗi ngày sẽ đẩy nhanh quá trình nghiện caffeine.

Các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho biết, lượng đường thêm vào tối đa một ngày với nam giới là 150 calo (khoảng 37,5g đường, tương đương với  9 muỗng cà phê đường), với phụ nữ là 100 calo (khoảng 25g đường, tương đương với 6 muỗng cà phê đường). Trong khi đó, lượng đường có trong trà sữa rất cao. Một ly trà sữa trung bình có chứa khoảng 55g đường, tương đương 13 muỗng cà phê đường, vượt quá mức khuyến nghị của các chuyên gia dinh dưỡng.

Hiện nay, các cửa hàng trà sữa mọc lên như nấm, giá thành từ thấp đến cao, “thượng vàng hạ cám” đủ cả, tuy nhiên chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm lại không được kiểm chứng rõ ràng. Vậy nên, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, chúng ta nên hạn chế sử dụng thức uống này, đồng thời chọn những cơ sở uy tín cung cấp trà sữa đảm bảo chất lượng khi có nhu cầu.

Thảo Vân - Ảnh Báo chí K41

Phản hồi