Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Người chiến binh tạo sinh kế cho những “vầng trăng khuyết”

15:32 22-12-2023
Với tấm lòng nhân ái, luôn quan tâm và chia sẻ khó khăn với người khuyết tật, ông Vũ Hữu Lào – Cựu chiến binh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Hết lòng vì ngôi nhà chung 

Ông Vũ Hữu Lào, 68 tuổi, quê gốc Hải Dương. Sau gần 30 năm gắn bó với quân ngũ, năm 2003, ông Vũ Hữu Lào nghỉ chế độ cấp bậc hàm Đại úy. Trở về địa phương, ông Lào tham gia công tác xã hội tại phường Thụy Khuê hơn 10 năm. Đến tháng 4 năm 2015, ông tham gia Ban Vận động thành lập Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ rồi gắn bó với công tác hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn suốt 8 năm nay. Hiện nay, ông Vũ Hữu Lào là Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ. 

Ông Vũ Hữu Lào, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ.

Tại địa phương nơi ông sinh sống có hơn 60% hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, một số gia đình đều khuyết tật khiến họ rất tự ti và mặc cảm với cuộc sống kém may mắn của mình. Xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái, lòng yêu thương con người, ông Vũ Hữu Lào đã lấy đó làm động lực để thành lập Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2015, Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ chính thức được thành lập với tâm niệm những “vầng trăng khuyết” cần được hỗ trợ một cách toàn diện, bền bỉ, thường xuyên để có thể vui sống tích cực, tự tin hòa nhập cộng đồng. Từ 49 hội viên ban đầu, đến nay Hội người khuyết tật quận Tây Hồ đã có hơn 270 hội viên trải khắp 8 phường. Hiện tại, trụ sở của Hội tọa lạc ở tầng 1 số nhà 16, ngõ 125 đường Thụy Khuê (Hà Nội), do gia đình một hội viên của Hội cho thuê với mức giá hỗ trợ, chỉ 1 triệu đồng/tháng.

Về cơ cấu quản lý, ông Lào tự hào chia sẻ: “Hội thành lập các tổ chức nhỏ để quản lý, mỗi phường thành lập một chi hội người khuyết tật và lập ra các Câu lạc bộ (CLB) như CLB Phụ nữ khuyết tật, CLB Thương binh, CLB Văn hoá văn nghệ, Thể dục thể thao, CLB Thanh thiếu niên khuyết tật vườn hướng dương,... huy động tất cả các thanh thiếu niên khuyết tật để hỗ trợ cho các cháu học nghề, tạo việc làm cho các cháu”.

Nhìn vào những thành công đó, ít ai hiểu được trong giai đoạn đầu thành lập, Hội đã gặp không ít khó khăn: giấy tờ pháp lý, thiếu kinh phí hoạt động, thiếu trụ sở,... Về trụ sở, ông Vũ Hữu Lào đã bàn với gia đình, thống nhất cho Hội mượn phòng khách nhà mình tại 264 Thụy Khuê để làm trụ sở hoạt động suốt 5 năm liền. Về kinh phí, ông và các thành viên trong Ban Chấp hành Hội đã tự trích một phần lương hưu, trợ cấp thương binh,.. để chung tay chi phí hoạt động hằng tháng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận những chính sách an sinh xã hội

Mục tiêu hoạt động của Hội là giúp đỡ người khuyết tật, mang lại quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Trong số 240 hội viên của Hội, chỉ có 60% hội viên được cấp Giấy xác nhận khuyết tật, đồng nghĩa với việc những người còn lại sẽ không được thụ hưởng đầy đủ các chính sách về người khuyết tật như: Chính sách về trợ cấp xã hội; cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí; miễn giảm học phí khi, miễn giảm giá vé khi tham gia giao thông và vào các khu tham quan, du lịch…

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ Trương Đức Ngân khẳng định: “Đã có những trường hợp bị khuyết chân, phải ngồi xe lăn, nhưng không được cấp Giấy xác nhận khuyết tật vì bị mất giấy tờ, không đủ thủ tục theo quy định. Một mặt, Hội tăng cường trợ giúp pháp lý miễn phí cho người khuyết tật; mặt khác, chúng tôi vận động UBND các phường quan tâm giải quyết việc cấp Giấy xác nhận mức độ khuyết tật cho hội viên, hỗ trợ cho việc vay vốn ưu đãi của họ, góp phần chăm lo đời sống cho hội viên”.

Là một trong những hội viên đặc biệt khó khăn được giúp đỡ, bà Trần Thị Tâm (59 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi sinh ra đã kém may mắn, không tiếp cận được hết các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Cả nhà bị khuyết tật, chân không đi được, không có tiền mua xe lăn, tôi phải dùng nạng để di chuyển. Tết đến xuân về, người người nhà nhà sắm tết, ngoảnh vào nhà mình không có được một giỏ quà mời các cụ. Kể từ khi Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ thành lập, không chỉ tôi mà tất cả mọi người xung quanh đều được giúp đỡ, tiếp cận được những chính sách an sinh xã hội mà đáng ra chúng tôi được hưởng từ lâu”.

Chị Trần Thị Tâm vui vẻ nhận quà hỗ trợ từ Hội. 

 Ông Vũ Hữu Lào trao quà hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ cho các hội viên khuyết tật.

Chủ động và sáng tạo trong việc tạo sinh kế cho những “vầng trăng khuyết”

Từ buổi đầu thành lập đầy khó khăn, đến nay, với sự cố gắng và không ngừng học hỏi của các thành viên, Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ dưới sự dẫn dắt của ông Lào đã có nhiều thành công trong huy động nguồn lực xã hội hóa; tặng quà người khuyết tật các dịp kỷ niệm, lễ, Tết; hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hội còn tích cực xây dựng dự án huy động các tổ chức phi chính phủ, góp phần tạo nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật trong việc tiếp cận công trình giao thông công cộng và đào tạo nghề.

Năm 2020, Hội lập dự án “Nâng cao năng lực vận động chính sách thúc đẩy tiếp cận các công trình công cộng cho người khuyết tật” do Quỹ Abilis (Phần Lan) tài trợ, được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Quá trình triển khai dự án đã hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận với cơ sở vật chất, các công trình công cộng trên địa bàn quận Tây Hồ thuận lợi hơn, an toàn hơn.

Thấy rõ hiệu quả của sự đầu tư, năm 2023, Quỹ Abilis lần thứ hai hỗ trợ Hội thực hiện dự án mở một lớp dạy nghề may dân dụng cho 10 hội viên là người khuyết tật, với mức kinh phí gần 240 triệu đồng, gấp gần 4 lần so với mức đầu tư của dự án lần 1.

Kinh phí được hỗ trợ, ông và các hội viên đã bàn bạc và ký hợp đồng cùng Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ để mở lớp may dân dụng đào tạo cho 10 hội viên khuyết tật trong thời gian 6 tháng. Đến thời điểm hiện tại, lớp học đã hoàn thành, 10 hội viên đã được cấp chứng chỉ học nghề may và có thể tự tay tạo ra những thành phẩm. Nhận thức được tín hiệu tích cực, ông đã xúc tiến thành lập tổ may cho 10 hội viên, từ tổ may nhỏ thành tổ may thanh thiếu niên khuyết tật. 

 Ông Vũ Hữu Lào, Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ (người đứng) tỉ mỉ quan sát lớp may dân dụng cho 10 hội viên khuyết tật.

Ông Vũ Hữu Lào (bên trái) hạnh phúc mặc lên người thành phẩm của hội viên tặng.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm, ông Vũ Hữu Lào cho biết, luôn phải chủ động nghiên cứu thông tin cấp Hội của Thành phố cung cấp, chọn chủ đề hoạt động phù hợp với chương trình của đơn vị tài trợ. Hơn nữa, phải phát huy năng lực của thành viên ban chấp hành, hội viên trong việc lập, xây dựng dự án bảo đảm khoa học, chuyên nghiệp, sát thực tiễn. Quá trình triển khai, phải sâu sát, cụ thể, có hình ảnh, video người thực, việc thực, xây dựng công trình giúp người khuyết tật dễ dàng tiếp cận trên địa bàn.

“Với lớp dạy nghề may, chúng tôi tổ chức thi sát hạch, cấp chứng chỉ cho học viên, có sản phẩm thực chứng từ chính tay nghề của các học viên” - ông Vũ Hữu Lào nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông còn tìm những công việc không cần kỹ thuật cao và phù hợp với sức khỏe của từng Hội viên như đánh giày, bán sách,... 

Ông Dương Văn Trường, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tây Hồ cho biết, thành công trong hoạt động của Hội Người khuyết tật quận Tây Hồ có dấu ấn đặc biệt của ông Vũ Hữu Lào.. Không chỉ phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” mà những hành động của ông chính là hạt giống ươm mầm hạnh phúc cho thế hệ tương lai phát triển toàn diện, giúp cho đất nước ngày càng vững mạnh.

Như Quỳnh, Ngọc Giang - Báo in K40

Phản hồi