Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Cựu chiến binh Đặng Trần Dũng: Vang mãi khúc hát quân hành 

15:22 26-12-2023
Trở về từ mưa bom bão đạn, tổng đài trưởng kiêm kỹ thuật viên tại Bộ Tư lệnh Thông tin Đặng Trần Dũng (72 tuổi) vẫn luôn khắc khoải về những năm tháng gian khổ mà hào hùng, chiến đấu quên mình vì độc lập Tổ quốc.

“Chiếc bộ đàm là vũ khí, là mạch máu của cơ thể”
Nằm nép mình trong con ngõ hẻm trên đường Tam Trinh, thuộc phường Mai Động, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, căn nhà của cựu chiến binh Đặng Trần Dũng là nơi lưu giữ những câu chuyện hoài niệm về một thời binh đao hoa lửa của dân tộc.

 Ông Đặng Trần Dũng nâng niu bộ quân phục. (Ảnh: Thu Hoà) 

Xuất thân từ ngôi trường đầu tiên về quân đội mang tên người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, ông Đặng Trần Dũng tiếp tục theo học tại trường Sĩ quan Kỹ thuật Thông tin. Chứng kiến những hi sinh mất mát, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau khi ra trường, ông quyết tâm trở về đơn vị công tác của Bộ Tư lệnh Thông tin, Nhà máy thông tin M1, cống hiến toàn vẹn sức trẻ cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Công việc hàng ngày của người lính thông tin Đặng Trần Dũng là túc trực bộ đàm tại trạm thông tin, nhấc máy khi nghe tiếng gọi và cập nhật tình hình chiến sự. Ông Dũng hồ hởi chia sẻ: “Bộ đàm mang tính chất truyền đạt thông tin, mệnh lệnh của chỉ huy tới từng chiến sĩ để triển khai công tác chiến đấu; vừa là chiến dịch, vừa là chiến thuật. Với tôi, chiếc bộ đàm quan trọng nó là vũ khí, là mạch máu của cơ thể".

Ông Dũng kể về những bức ảnh kỉ niệm với đồng đội. (Ảnh: Thu Hoà) 

Mang theo bên mình phẩm chất cao quý của người lính bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ Đặng Trần Dũng can trường vượt qua hiểm nguy, chiến đấu quên mình bởi tình yêu Tổ quốc đã biến thành “sức mạnh thép” trong trái tim ông. Túc trực ngày đêm, người lính thông tin ấy đối mặt với vô vàn trở ngại, khi thì mất kết nối với chỉ huy, thậm chí có khi phải chấp nhận hy sinh cả người và cụm máy thông tin vì địch oanh tạc vào đúng vị trí của tổ đài.

Nguồn sức mạnh nơi trái tim còn được hun đúc bởi tình đồng chí, đồng đội ấm áp, gắn bó keo sơn như anh em trong cùng một gia đình. Trong một lần trực tổ đài ở đỉnh cao 800-900m, chiến sĩ Đặng Trần Dũng xót xa khi chứng kiến người đồng đội của mình bị mất đi một chân, do vô tình giẫm phải mìn cóc trong lúc đang làm nhiệm vụ xuống suối lấy nước. Trước tình cảnh đó, ông Dũng hoàn toàn bất lực vì không thể rời vị trí tổ đài giữa lúc cuộc chiến diễn ra khốc liệt mà chỉ có thể nhờ đơn vị binh trại bên cạnh đưa đồng đội đi cấp cứu. 

Người lính thông tin bùi ngùi nhắc lại câu chuyện về người đồng đội. (Ảnh: Thu Hoà) 

Giữa hoang tàn của xác pháo, tứ phía rền rĩ âm thanh bom đạn đang “giáng” từng hồi dữ dội xuống mặt đất, khúc hát quân hành vẫn vang mãi đều đều theo từng nhịp bước chân của người lính thông tin liên lạc. Khúc hát ấy được ngân lên bởi tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, bởi tình đồng chí đồng đội sắt son, và hơn hết là niềm vui vỡ òa của dân tộc trong ngày đại thắng. Kể lại bằng ánh mắt đầy tự hào, ông Đặng Trần Dũng reo lên: “Lúc đó trong nhóm có khoảng 2-3 người, tôi hô to: “Sung sướng quá, hạnh phúc quá, giải phóng rồi đồng đội ơi!".

Sợi chỉ đỏ yêu nước xuyên suốt nhiều thế hệ

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước nồng nàn, chiến sĩ Đặng Trần Dũng tự hào khi có cha từng tham gia vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông tự nhủ phải tiếp nối truyền thống ấy, giữ vững phẩm chất của người lính cụ Hồ khi khoác lên mình chiếc áo binh sĩ xông pha vào trận địa chiến hào. 

Ông Dũng trân trọng từng bức ảnh chụp các thế hệ trong gia đình. (Ảnh: Thu Hoà) 

Ông Đặng Trần Dũng bộc bạch: “Tinh thần của cha thôi thúc cho tôi sự nhiệt tình, không suy nghĩ gì. Chuyện hy sinh, mất mát là điều đương nhiên, có chiến thắng thì phải có gian khổ, tôi rất tự hào về truyền thống ấy của gia đình".

Gác lại nỗi lòng riêng, bà Âu Thị Tân (vợ của cựu chiến binh Đặng Trần Dũng) sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân, trở thành hậu phương vững chắc để chồng an tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao nơi quân ngũ. Sự thấu hiểu và lòng thủy chung ấy được dệt lên bởi bà cũng từng có người anh trai tham gia kháng chiến và đã hy sinh ở “miền đất lửa” Quảng Bình. 

Gạt vội dòng nước mắt, bà Tân ngậm ngùi: “Năm 1964, khi Mỹ bắt đầu Mỹ đánh phá miền Bắc thì anh tôi đang là giáo viên. Lúc đó, tinh thần xung phong đi bộ đội của các thanh niên lớn lao lắm! Và rồi anh tôi cũng tham gia  đơn vị được 3 năm nhưng đến năm 1967 thì hy sinh tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thế mới thấy, có được độc lập của ngày hôm nay là xương máu của bao nhiêu thế hệ đã đổ xuống”. 

Bà Âu Thị Tân xúc động khi nhắc về người anh trai đã hy sinh. (Ảnh: Thu Hoà)

Nhìn lại mốc son vàng trong lịch sử dân tộc, cựu chiến binh Đặng Trần Dũng và vợ không khỏi bồi hồi, mong muốn thế hệ sau luôn nâng niu, tiếp tục nối dài sợi chỉ đỏ yêu nước mà ông cha ta đã đánh đổi bằng tất cả tinh thần cảm tử của mình. 

Em Đặng Trần Minh Hiếu (14 tuổi), cháu nội của người lính thông tin Đặng Trần Dũng chia sẻ: “Được nghe kể về những chiến công của ông nội, em cảm thấy rất biết ơn và tự hào. Em có được cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc như ngày hôm nay là nhờ vào công lao to lớn của thế hệ cha ông đi trước. Em tự nhủ phải luôn cố gắng học tập để sau này cống hiến một phần nào cho xã hội, cho đất nước, cho chính bản thân và gia đình mình".

Kiều Anh, Thu Hòa - Truyền Hình K40

Phản hồi