Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Lê Đức Liêm - Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ khuyết tật

22:48 27-12-2023
Lê Đức Liêm, sinh năm 1980, hiện đang là giáo viên của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật (Chương Mỹ, Hà Nội). Mặc dù bản thân có những khiếm khuyết trên cơ thể nhưng không vì thế mà ỷ lại, người thầy tâm huyết đã và đang nỗ lực hết mình tạo nên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Người thầy mang trong mình nhiều khát vọng vươn lên

 Thầy Liêm vẫn giúp vợ chăm vườn mỗi ngày bên cạnh những giờ lên lớp. (Ảnh: NVCC)

Khi chia sẻ về tuổi thơ không được may mắn của mình, sắc mặt thầy đột nhiên thay đổi, đôi mắt như muốn khóc. Thầy kể: “Thật ra từ khi sinh ra tôi không bị khuyết tật nhưng do mẹ vứt bỏ vào không gian hẹp khiến cơ thể tôi bị chèn ép. May mắn, tôi đã được cô y tá phát hiện kịp thời và được một gia đình khác nhận nuôi nhưng cơ thể tôi không còn hoàn hảo như trước”.

Đi học muộn hơn so với các bạn cùng trang lứa vì tay phải bị khuyết tật, học viết đối với Lê Đức Liêm là điều rất khó khăn. Mỗi lần cầm bút thực sự thầy Liêm rất nản, nhiều lúc muốn bỏ học nhưng nghĩ về tương lai thầy lại có thêm động lực để cố gắng mỗi ngày. Sau 2 năm luyện viết, thầy đã có thể viết chữ thành thạo và chính thức được vào lớp 1. Tuy học muộn hơn nhưng thầy Liêm vẫn đạt được nhiều thành tích trong học tập, nhiều năm là học sinh giỏi. Bị khuyết tật nhưng thầy vẫn luôn được các bạn trong lớp quý mến. Thầy Liêm nhớ lại: “Tôi bị khuyết tật nhưng các bạn trong lớp không bao giờ chê cười tôi. Từ cấp 2, tôi nổi trội học môn Văn nên đa số các bạn nữ hay hỏi bài. Tôi còn được mệnh danh là nhà văn của lớp, nhà thơ tương lai”.

Là một người sống tích cực, Lê Đức Liêm không vì hoàn cảnh mà nhụt chí, ngược lại thầy rất cố gắng trong học tập cũng như trong cuộc sống mặc cho có lúc bị chê cười. Thầy Lê Đức Liêm luôn tự nhủ mình khuyết tật ở hoạt động chứ không khuyết tật ở đầu óc.Và với sự tự tin vào chính bản thân mình, năm 22 tuổi chàng trai trẻ Đức Liêm năm đó đã trở thành dẫn chương trình cho các đám cưới, các quán cà phê. Cũng chính từ bước ngoặt lớn đó mà cuộc sống của anh bắt đầu thay đổi rất nhiều theo một hướng hoàn toàn mới.

Vượt lên nghịch cảnh để viết tiếp ước mơ dang dở

Ngay từ nhỏ, thầy Liêm đã ước mơ làm giáo viên nhưng năm thầy tốt nghiệp lớp 12 Bộ Giáo dục không có chính sách nhận sinh viên khuyết tật học ngành sư phạm nên thầy đành phải chấp nhận từ bỏ ước mơ của mình. Năm 2013, Hội Người khuyết tật huyện Chương Mỹ được thành lập. Nhận thấy khả năng ham học hỏi của Lê Đức Liêm, xã đã tạo điều kiện cho thầy tham gia dạy học cho trẻ khuyết tật của Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội. Trong thời gian dạy học, thầy giáo khuyết tật ấy vẫn không ngừng nâng cao trình độ của mình bằng việc tham gia lớp học nghiệp vụ sư phạm tại Hà Đông.

Đôi tay của người thầy khuyết tật soạn giáo án hàng ngày. (Ảnh: NVCC)

Ở trung tâm, thầy Liêm đảm nhận dạy các môn xã hội, chủ yếu dạy trẻ khuyết tật vận động và thiểu năng trí tuệ, các em thiếu kỹ năng giao tiếp, tiếp thu chậm. Bằng trách nhiệm và tình yêu nghề, thầy luôn cố gắng dành hết tâm huyết của mình để dạy dỗ các em nên người, giúp các em tiếp thu thêm phần nào kiến thức.

“Có rất nhiều cơ duyên để tôi đến với nghề. Trước tiên mình đồng cảm với cả các bạn ý, đa phần các bạn ý ham học. Nhiều lúc các em ý hỏi những câu hỏi vu vơ, hỏi mà không hiểu hỏi gì nhưng tôi vẫn cố gắng giải đáp cho các em. Để dạy các em mình phải có kỹ năng, hơn nữa sở trường về xã hội thì mình dạy được thôi”, thầy Liêm chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với nghề giáo.

Với niềm đam mê gieo chữ, thầy Liêm còn dành thời gian buổi tối để dạy gia sư miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Không những giúp các em học sinh tiến bộ rõ rệt mà thầy Liêm còn được cha mẹ các em yêu quý và tôn trọng vô cùng. Có những lớp phụ huynh nhờ thầy lên lớp sớm hơn 30 phút để chia sẻ về cuộc đời mình, truyền động lực tới các em nhiều hơn trong cuộc sống.

“Tôi luôn khuyên các bạn phải vượt lên, vượt qua mọi việc khó khăn rồi điều may mắn chắc chắn sẽ tới với các bạn. Tôi dạy các bạn phải tư duy trước, đừng có gì cũng tra mạng, phải đọc sách nhiều hơn”. Thầy giáo khuyết tật Lê Đức Liêm luôn luôn mang lại điều tích cực tới các em học sinh của mình. Chính vì điều đó mà không một ngày nào Lê Đức Liêm cảm thấy tự ti về hoàn cảnh của mình.

Sau bao ngày miệt mài giảng dạy, thầy Liêm rất vui khi đón “quả ngọt” từ học sinh của mình. Có nhiều em học lực trung bình, từ khi học thầy đã lên khá, có những em đã đỗ được vào trường cấp 3 mà các em muốn. Đấy là niềm hạnh phúc của thầy Liêm, vui vì đó là những tâm huyết của mình bỏ ra.

Gặt hái được “trái ngọt” sau nhiều năm cố gắng:

Sau 21 năm bị cha mẹ ruột bỏ rơi, người thầy giáo tên Liêm ấy đã có người bạn đời đồng hành trong những chặng đường trong cuộc sống và 2 đứa con ngoan ngoãn. Đó là chị Đào Thị Cam cũng bị khuyết tật trên gương mặt. “Tôi lập gia đình năm tôi 21 tuổi, vợ tôi bị khuyết tật nhưng vẫn có thể làm các công việc lao động chân tay”, thầy Liêm nói. Thầy Liêm cho rằng lấy vợ năm 21 tuổi là quyết định đúng đắn vì nó đã thay đổi cuộc đời để thầy được tiếp thêm sức mạnh trong cuộc sống.

 Thầy Liêm thỏa sức với đam mê ca hát khi có thời gian rảnh. (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt trong những năm các con của thầy đi học, năm nào thầy Liêm cũng được các phụ huynh tin tưởng bầu làm trưởng ban đại diện phụ huynh học sinh (PHHS). Trong khi làm trưởng ban PHHS, thầy Liêm còn là cầu nối giữa phụ huynh với học sinh, để các bậc phụ huynh hiểu và chia sẻ với con em mình hơn. Nhiều lúc, phụ huynh còn phải nhờ thầy đi tìm con giúp. “Tôi phải đi tìm hai lần một bạn học sinh vì bị người khác rủ rê, bố mẹ cũng không tìm được. Thời điểm đó, nếu không có tôi chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi là bạn ấy sa chân vào tệ nạn”, thầy Liêm không ngại ngần chia sẻ lại.

Công việc bận rộn khi vừa phải dạy học vừa phải làm các công việc giấy tờ của Hội Người khuyết tật huyện Chương Mỹ, thầy Lê Đức Liêm vẫn dành thời gian cho đam mê ca hát của mình. Thầy luôn góp vui bằng các ca khúc vọng cổ trong mỗi đám cưới ở làng.

Không dừng lại tại đó, thầy còn biết cả vẽ tranh, thiết kế báo tường, thỉnh thoảng còn sửa điện, sửa tivi, bóng đèn cho mọi người. Vì thế mà trong thời gian nghỉ dịch Covid trước đây không được đi dạy thì thầy vẫn có nhiều việc khác để làm, thu nhập.

Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng thầy Liêm liên tục nhận được danh hiệu hội viên xuất sắc của Hội Khuyết tật huyện Chương Mỹ, được mời ghi chép sổ sách mỗi dịp tổ chức hội làng, được tặng 16 chữ vàng của Hội Khuyết tật thành phố Hà Nội năm 2020, là thầy giáo khuyết tật tiêu biểu của huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Diễm Quỳnh - Báo in k40

Phản hồi