Danh mục Chủ Nhật, 24/11/2024

Tiêu điểm \

Gìn giữ tinh hoa làng nghề đậu bạc Định Công 

22:22 15-12-2023
"Lĩnh hoa Yên Thái, Gốm Bát Tràng, Bạc Định Công, Đồng Ngũ Xã" là tứ trụ tinh hoa của làng nghề Thăng Long. Nghề Đậu Bạc tại làng Định Công một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại cho đến ngày nay.

Tinh hoa nghề truyền thống

Nghề đậu bạc ở làng Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) là một trong 3 làng nghề kim hoàn của vùng đồng bằng Bắc bộ và là một trong những nghề truyền thống tinh hoa của kinh thành Thăng Long. Không giống với những làng nghề kim hoàn khác, nghề đậu bạc Định Công có kỹ thuật đạt đến độ tinh xảo. Các sản phẩm với những hoa văn, họa tiết trang trí rất tỉ mỉ, thể hiện đức tính kiên trì, sự thông minh, khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ đậu bạc Định Công.

Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50-60% gia đình theo nghề kim hoàn. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, giờ đây “thủ phủ” nghề đậu bạc xưa chỉ còn lác đác vài hộ gia đình bám trụ với nghề.

Tác phẩm được chế tác tinh xảo tạo nên bởi những bàn tay vàng của nghệ nhân làng nghề Định Công. (Ảnh: Ngọc Linh)

So với các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm ở Thái Bình, Châu Khê ở Hải Dương, những sản phẩm ở Định Công có nét đặc trưng riêng. Sự khác biệt và độc đáo là có thể thấy rõ, ví dụ như nghề chạm là dùng mảng giát to rồi nó thúc lên thành các hình con rồng, con phượng, người, cây cảnh hay một bức tranh, hay cái cốc, cái chén… Còn hàng trơn là những phần nhẵn bóng như cái thìa rồi là phần khung xương của các đồ mỹ nghệ.

Riêng với đậu bạc, tức là phải dùng nhiều những hoa văn nhỏ, chi tiết nhỏ, nó có thể bằng hạt tấm, hạt cát thậm chí phải dùng kính lúp mới nhìn thấy để ghép thành sản phẩm. Từ những sợi bạc mảnh, người thợ khéo léo đan, thêu, tạo nên những sản phẩm trang sức, đồ lưu niệm tinh xảo. Sản phẩm đậu bạc Định Công được làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì của người thợ. Mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa truyền thống.

Những người giữ lửa cho nghề đậu bạc

Trải qua bao biến động của lịch sử, nghề đậu bạc Định Công vẫn tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nghề này đã mai một dần vào nửa cuối thế kỷ 20. Nhờ sự nỗ lực của những nghệ nhân trẻ, nghề đậu bạc Định Công đang dần hồi sinh. 

Một trong những xưởng đậu bạc hiếm hoi còn giữ nghề ở làng Định công đó là xưởng đậu bạc nhà nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Tuấn Anh đã về quê tiếp quản xưởng đậu bạc của gia đình. Anh không ngừng học hỏi, tìm tòi để nâng cao tay nghề và phát triển sản phẩm. Hiện nay, xưởng có 6,7 người thợ trẻ làm việc. Họ cứ miệt mài ngồi bên góc bàn tạo hình và hoàn thiện sản phẩm. 

Đa phần thợ làm đậu bạc tại đây đều giản dị, ít lời. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)  

Anh Sơn, một người thợ đã có 7 năm kinh nghiệm với nghề chia sẻ: “Thời gian hoàn thiện các sản phẩm đơn giản thì vài tiếng. Sản phẩm lâu nhất thì phải lên đến vài ngày, Như tác phẩm con rồng thời Lý cả xưởng đã phải huy động làm trong hơn một tháng mới hoàn thành”. Vì mất nhiều thời gian, cùng với nguyên liệu bạc không hề rẻ nên giá của những sản phẩm đậu bạc cũng tương đối cao. Mỗi sản phẩm đậu bạc bán ra có giá từ khoảng 1 triệu đồng đến vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.

Tác phẩm đậu bạc con rồng thời Lý của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh. (Ảnh: Ngọc Linh)  

Để làm các sản phẩm đậu bạc, đầu tiên phải sử dụng bạc nguyên chất nấu chảy sau đó đổ vào khuôn để tạo thành một thỏi bạc nhỏ, dài. Kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và tỉ mỉ. Sản phẩm đạt yêu cầu phải đậu đều tay, hàn nuột, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng. 

Từng nút hàn phải làm thật cẩn thận để tạo ra sản phẩm hoàn thiện nhất. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)  

Kéo thỏi bạc thành bạc sợi là một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề đậu bạc.Trước đây công đoạn này phải làm hoàn toàn bằng tay rất mất thời gian và công sức. Ngày nay với sự hỗ trợ của máy móc công đoạn này đã được rút gọn ngắn lại nhưng vẫn đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ.

Các sản phẩm đậu bạc Định Công hiện nay rất đa dạng, bao gồm: trang sức, tranh đậu bạc, hộp đựng đồ,... Sản phẩm đậu bạc cũng không nhất thiết phải làm từ bạc, màu trắng mà cũng có thể được làm từ vàng và có nhiều màu sắc khác nhau như: màu vàng, màu đỏ, màu xanh... Tùy theo sở thích của khách hàng mà người thợ sẽ chọn màu sắc phù hợp.

 Một chiếc hộp đậu vàng tinh xảo của nghệ nhân Tuấn Anh. (Ảnh NVCC) 

Nhờ sự quảng bá tích cực của các nghệ nhân và sự giúp sức của cơ quan báo đài, nghề đậu bạc hiện đang có tiềm năng để khôi phục. Nếu trước đây những người thợ làm nghề có mối lo về "đầu ra" thì đến nay thị trường tiêu thụ đã tương đối ổn định. Các sản phẩm hiện đang được sản xuất chủ yếu là mặt hàng trang trí, bên cạnh đó còn có đồ trang sức. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khắp trong Nam ngoài Bắc biết đến sản phẩm đậu bạc. 

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện tại để duy trì nghề truyền thống đậu bạc là nguồn nhân lực trẻ. Do thời gian học nghề lâu dẫn đến các học viên gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Bởi lẽ theo để đào tạo được một người nghệ nhân giỏi có thể mất khoảng gần chục năm, nhiều người trong quá trình học đã không chịu được áp lực.

Các nghệ nhân mong mỏi có thêm sự hỗ trợ từ phía chính quyền; hoặc có thể tạo điều kiện cho các nghệ nhân trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại khu vực đền thờ Tổ nghề phục vụ khách tham quan, qua đó, góp phần quảng bá, phát triển sản phẩm nghề truyền thống của Định Công.

Ngọc Linh - Báo In K41

Phản hồi