Danh mục Thứ Sáu, 20/09/2024

Tiêu điểm \

Người bảo tồn và niềm tin vào tương lai của động vật hoang dã

00:49 16-12-2023
Trên hành trình bảo tồn động vật hoang dã luôn có dấu chân không nghỉ của những người làm công tác bảo tồn. Anh Trần Văn Trường, nhân viên Trung tâm cứu hộ và phục hồi Động vật hoang dã tại trụ sở Vườn Quốc gia Cúc Phương là một trong những minh chứng sống cho sự cống hiến đáng khâm phục đó.

Anh Trần Văn Trường từng theo học chuyên ngành Lâm Nghiệp tại Đại học Thái Nguyên. Năm 2016, anh bén duyên với động vật hoang dã qua lời giới thiệu của một người quen và chính thức trở thành người làm công tác bảo tồn tại Trung tâm cứu hộ và phục hồi động vật hoang dã Vườn Quốc gia Cúc Phương.

 Tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh Trần Văn Trường đã có hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã.

Công việc chính của anh Trường là điều phối các hoạt động tại Trung tâm. Hoạt động chính ở đây là cứu hộ, chăm sóc, phục hồi và tái thả các loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, chủ yếu là từ các vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép.

“Chịu khó, chịu khổ” là phẩm chất cần có

Mặc dù kiến thức về ngành Lâm nghiệp và động vật hoang dã có nhiều điểm tương đồng nhưng khoảng thời gian đầu tiếp xúc với công việc mới ở Trung tâm đối với anh Trường vẫn rất khó khăn. Anh chia sẻ: “Thời gian đầu tôi rất bỡ ngỡ, làm việc với động vật hoang dã nhiều rủi ro, nhiều cái mới mẻ, gần như tôi phải học lại từ đầu”.

 Công việc bảo tồn đòi hỏi lượng kiến thức, kĩ năng lớn và sức nhẫn nại, chịu khó chịu khổ.

Chia sẻ nhiều hơn về cái gọi là “học lại từ đầu”, anh Trường nói: “Động vật hoang dã rất đặc biệt, không giống vật nuôi trong nhà, chúng có bản năng hoang dã”. Để chăm sóc được động vật hoang dã, người làm công tác bảo tồn cần hiểu được đặc tính, tập tính từng loài. Họ cần đưa ra những cách chăm sóc phù hợp, chế độ dinh dưỡng khác nhau,...để tránh gây ra những tai nạn lao động không đáng có.

Ngoài việc phải đối diện với cái khó về mặt kiến thức thì người bảo tồn cũng cần trang bị một “tinh thần thép”. Anh kể: “Mình còn nhớ đầu năm 2017, sau một tuần làm việc ở Trung tâm, mình tiếp nhận một vụ cứu hộ động vật rất lớn, 113 con tê tê cứu hộ cùng lúc trong một vụ buôn bán vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Lúc đó mình cùng đồng nghiệp phải làm việc từ 5 giờ sáng đến tận 1-2 giờ sáng hôm sau mới xong”.

Trên hành trình gian nan ấy, anh không hề cô đơn. Anh Trường chia sẻ, từ những bước đầu tiên, anh đã có sự đồng hành và giúp đỡ từ đồng nghiệp. Nghe họ kể về những chuyến cứu hộ trước đây hay học hỏi từ những điều cơ bản nhất về cứu hộ động vật, chính là cách mà anh Trần Văn Trường trang bị cho mình hành trang kiến thức phục vụ cho công cuộc bảo tồn về sau.

Những góc khuất trong nghề

Chia sẻ về những góc khuất nghề nghiệp, anh Trường thẳng thắn: “Nhiều người dân ở Việt Nam không có niềm tin vào các cơ quan chức năng như công an, kiểm lâm, hay người làm bảo tồn. Thậm chí, người trong ngành với nhau nhiều khi cũng không có niềm tin tuyệt đối với nhau”.

Nhưng điều này không khiến anh chùn bước. Anh lựa chọn chứng minh bằng hành động và thành quả công việc thay vì tranh cãi hay nói suông. “Mình phải chứng minh cho người ta hiểu rằng công việc mình làm thực sự có hiệu quả”, anh nhấn mạnh.

 Không ngừng nỗ lực trong công việc chính là cách mà anh Trường chứng minh với cộng đồng về đóng góp của người làm công tác bảo tồn.

Không chỉ riêng anh Trường, Đội “Phản ứng nhanh” của Trung tâm luôn sẵn sàng lên đường khi nhận được cuộc gọi từ người dân hoặc các cơ quan chức năng. Theo thống kê của tổ chức SVW, từ năm 2014 đến tháng 6 năm 2023, tổ chức SVW phối hợp cùng Vườn Quốc gia Cúc Phương và Pù Mát đã đi hơn 200.000km đến các địa điểm cứu hộ và tái thả, trực tiếp giải cứu hơn 2.400 động vật hoang dã thuộc 45 loài. Tình yêu với các loài động vật hoang dã cùng trách nhiệm với công việc của Đội đã và đang thay đổi nhận thức của người dân đối với cơ quan chức năng và những người làm công tác bảo tồn.

 Không chỉ anh Trường, các nhân viên chuyên trách, tình nguyện viên tại SVW luôn nỗ lực, cố gắng làm tốt công việc của mình.

Đối với anh Trường, ấn tượng lớn nhất đối với anh sau mỗi vụ giải cứu là những khoảnh khắc tái thả. Anh Trường chia sẻ: “Đó chắc chắn là những khoảnh khắc cực kỳ đặc biệt và ý nghĩa đối với mình”. Chuyến tái thả đầu tiên của anh là tại Vườn Quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Khi đó, anh thường xuyên đi tái thả trong rừng âm u vào ban đêm, khoảng 1-2 giờ sáng, vác trên người một hộp gỗ khoảng 20 cân, thêm con tê tê khoảng 5-7 cân. Tuy vất vả nhưng đối với anh, đó cũng là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất khi chứng kiến các loài động vật quay về rừng, trở về ngôi nhà thực sự của chúng.

 Những khoảnh khắc tái thả ý nghĩa đã cho anh Trường một nguồn động lực to lớn.

Niềm tin mãnh liệt vào tương lai 

Theo kết quả thống kê của tổ chức SVW tại 4 Vườn Quốc gia (Pù Mát, Cát Tiên, U Minh Thượng, U Minh Hạ), tính từ năm 2018 đến tháng 6 năm 2023, tổ chức đã bắt gặp 1.082 vụ vi phạm, tịch thu 20.735 bẫy thú, 138 khẩu súng săn, đánh sập 1.109 trại săn trái phép. 

 Tình hình buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn đang diễn biến phức tạp trên cả nước. Ảnh: SVW

Tuy rằng tổ chức SVW đã và đang có rất nhiều hoạt động tổng hợp nhằm giảm thiểu tình trạng tiêu thụ động vật nhưng theo anh Trường, hoạt động buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã nó vẫn đang diễn ra rất phức tạp trên cả nước. 

Anh chia sẻ: “Mọi người hãy hiểu vai trò quan trọng của các loài động vật hoang dã này, không ăn, không sử dụng, không nuôi nhốt, không tiếp tay cho các hành vi buôn bán ăn thịt thú rừng. Đó là những cái tối thiểu mà chúng ta có thể làm được để chung tay bảo vệ các loài động vật hoang dã”.

Tuy vậy, anh Trường vẫn giữ một niềm tin tốt đẹp vào tương lai. “Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ ngày càng quan tâm đến công việc của chúng mình. Trong tương lai, vấn đề bảo tồn động vật hoang dã chắc chắn sẽ có chuyển biến tốt”, anh khẳng định.

 Sự quan tâm nhiều hơn đến từ các cơ quan đoàn thể và thế hệ trẻ là cơ sở cho niềm tin vào tương lai của anh Trường.

 

Quỳnh Hương, Anh Phương - TTĐPTK41

Phản hồi