Thiên tai đã cướp đi sinh mạng và làm đảo lộn cuộc sống của hàng nghìn người dân
Cơn bão số 3 đi qua làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hoàn lưu sau bão gây mưa lớn và ngập lụt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh phía Bắc nước ta. Mưa lũ khiến cho nước trên các sông dâng cao ở mức báo động, các vùng trũng nhiều ngày không thể thoát nước làm cho cuộc sống của bà con bị đảo lộn, đồ đạc và các vật dụng hư hỏng hoàn toàn.
Kể từ khi cơn bão số 3 xuất hiện đến thời điểm hiện tại, theo Nghị quyết số 143 ngày 17/9/2024 của Chính phủ thống kê những thiệt hại mà cơn bão gây ra khi có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa tính đến ngày 17.9, đã có 329 người chết, mất tích, 1.929 người bị thương. Khoảng 234.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sụp đổ, hư hại, 726 sự cố đê điều, trên 307.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại.
Tại tỉnh Hà Nam, sau khi mưa lũ đi qua tình trạng ngập lụt nặng nề vẫn khiến cho đời sống của bà con đảo lộn. Theo ghi nhận của PV, các địa phương như Phủ Lý, Lý Nhân, Thanh Liêm… trong tình trạng ngập sâu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Anh Nguyễn Văn Hoá (thôn Trung Hiếu Thượng, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) chia sẻ: “Ngập lụt nghiêm trọng khi cơn bão đi qua, chúng tôi được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ rất nhiệt tình và chu đáo. Ở khu này, tình hình ngập lụt nghiêm trọng do đất trũng, có thời điểm nước ngập nửa đến nửa căn nhà khiến cho đồ đạc bị hư hỏng nghiêm trọng, đời sống sinh hoạt bị đảo lộn. Tuy nhiên, may mắn cơn bão số 3 không làm thiệt hại và ảnh hưởng quá nhiều nhưng tình trạng ngập lụt xảy ra vô cùng nghiêm trọng ảnh hưởng đến chăn nuôi và sản xuất của gia đình”.
Trước tình hình đó, đồng bào ta trên cả nước, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp đã chung tay góp sức, ủng hộ bà con nhu yếu phẩm, vật dụng gia đình để khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Bà Trần Thị Thoa (Bồng Lạng, Hà Nam) chia sẻ về cuộc sống khó khăn của mình khi nhà cứ hễ mưa là ngập, “Lần nào mưa là nhà tôi lại ngập lụt đầu tiên. Mỗi lần như vậy gia đình tôi lại tháo chạy sang nhà anh em để trú nhờ đề phòng mưa lớn nước lũ dâng cao gặp bất chắc, không nghĩ lần này lại ngập lụt nặng như thế, đồ đạc trong nhà bị ngâm nước hỏng hết đến bàn thờ tổ tiên cũng chẳng còn gì”.
“Hướng về đồng bào nơi bão lũ” nhằm khắc phục hậu quả của thiên tai.
Nhằm phát huy tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay, để “Không một ai bị bỏ lại phía sau” thì bà con đồng bào miền Bắc đang gặp những khó khăn do mưa lũ gây ra đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ khắp mọi miền trên Tổ quốc. Hưởng ứng tinh thần đó, Báo Nông thôn Ngày nay cùng các mạnh thường quân đã đứng ra kêu gọi, tập kết, vận chuyển hàng cứu trợ tới bà con vùng lũ. Một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề khi hoàn lưu bão đi qua là Hà Nam, nắm bắt được những thiệt hại và khó khăn của bà con nơi đây, tại trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay, những chuyến xe gom yêu thương của bà con trên cả nước chở những nhu yếu phẩm, đồ dùng, vật phẩm thiết yếu như mì tôm, sữa, bánh mì, gạo, giấy, quần áo,.. Hàng trăm thùng sữa, thùng nước, kiện bánh mì và những bộ quần áo được gấp và đóng gói cẩn thận nhằm hỗ trợ và đưa đến tay bà con sớm nhất có thể.
Chị Nguyễn Thị Lan, người dân sống tại Long Biên (Hà Nội) sau khi biết đến Báo Nông thôn Ngày nay tuyển tình nguyện viên tham gia hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ chị chia sẻ: “Khi thấy thông tin của Báo đăng chị đã liên hệ để được đi hỗ trợ. Chị cảm thấy rất vui khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình để giúp đỡ bà con đồng bào đang gặp bão lũ”. Những chuyến xe cứu trợ của bà con trên khắp cả nước hướng về đồng bào miền Bắc cũng khiến cho chị xúc động và nhận thấy tinh thần đại đoàn kết của dân tộc ta từ ngàn đời xưa cho đến ngày nay.
Những chuyến xe gom yêu thương từ trụ sở Báo Nông thôn Ngày nay sẽ được phân phối về các tỉnh/ thành đang gặp khó khăn nhằm ổn định đời sống của bà con. Chuyến xe hàng cứu trợ về với tỉnh Hà Nam do Báo Nông thôn ngày nay phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam liên tục mang đến những phần quà là các nhu yếu phẩm, thực phẩm cho bà con tại các địa điểm như Thị xã Duy Tiên, Lý Nhân, Phủ Lý, Thanh Liêm, Thanh Nghị…
Hơn 2.000 suất quà trị giá hàng tỷ đồng được trao tới bà con nơi đây, nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp lãnh đạo, các mạnh thường quân khiến cho bà con nơi phân lũ Hà Nam vô cùng xúc động và vui mừng chia sẻ: “Những lúc khó khăn như này gia đình chúng tôi nhận được sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, mạnh thường quân khiến bà con nhân dân vô cùng xúc động và trân quý. Nhiều ngày mưa lũ nước lên cao, điện bị cắt nhằm đảm bảo an toàn, hiện nay khi dần ổn định, chính quyền địa phương đã được cấp điện trở lại, chúng tôi đã được hỗ trợ kịp thời gạo, mì tôm và nước uống để nấu ăn sớm ổn định cuộc sống”.
Chị Phạm Thị Thuỳ - Trưởng Ban Phong trào Hội chữ thập đỏ tỉnh Hà Nam cho biết: “Dịp này Hội đang tiếp nhận hàng cứu trợ bà con từ các đơn vị, công ty, doanh nghiệp và nhà hảo tâm là các nhu yếu phẩm nhằm hỗ trợ bà con những đồ dùng, lương thực, thực phẩm thiết yếu.”
Chị chia sẻ rằng bản thân thấy rất vui khi đóng góp được chút công sức cho bà con. Đồng thời, khi thông qua Hội chữ thập đỏ, chị sẽ phân chia để đảm bảo quyền lợi, sự công bằng, không trồng chéo quà, tránh trường hợp người thì quá nhiều không dùng hết gây lãng phí, người thì không có để sử dụng.
Trong giai đoạn qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chị đã theo dõi và biết được còn rất nhiều nơi bà con gặp ảnh hưởng từ cơn bão số 3, thậm chí còn thiệt hại về tính mạng vô cùng đau thương. Tuy nhiên, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong thời điểm này là vô cùng quý giá. Qua chương trình này, chị mong muốn gửi tới bà con lời động viên, chia sẻ để vượt qua những khó khăn, khắc phục được hậu quả của thiên tai, chữ thập đỏ vì mọi người ở mọi nơi nên tất cả các cấp Hội đang cố gắng kết nối với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Ngoài tỉnh Hà Nam, còn rất nhiều các tỉnh/thành khác đang hứng chịu những thiệt hại do mưa lũ của cơn bão số 3 đi qua để lại. Nhằm khắc phục hậu quả và sớm ổn định lại cuộc sống của nhân dân là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của các cấp, ban, ngành và đặc biệt là sự chung tay của cả dân tộc để “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những ân tình, nghĩa cử cao đẹp được lan tỏa không chỉ là hình ảnh hết sức nhân văn mà còn là câu chuyện ấm lòng, trên hết, đó là những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn hoạn nạn.
Phản hồi